Lượt xem: 276 - Ngày đăng: (14/02/2014)

Các bài suy niệm Chúa Nhật 6 TN A

CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN A

Lời Chúa: Hc 15,16-21; 1Cr 2,6-10; Mt 5,17-37

MỤC LỤC

1. Kiện toàn lề luật 2

2. Lề luật 5

3. Thầy bảo cho anh em biết 8

4. Sống điều mình tin – Lm. Jos Tạ Duy Tuyền. 11

5. Đừng giận ghét 14

6. Hãy nên hoàn thiện. 16

7. Luật lệ: giữ trọn hay làm nên trọn?. 23

8. Từ lề luật tới lương tâm. 27

9. Đừng sợ trèo lên thang. 29

10. Luật mới của Đức Giêsu. 32

11. Luật của Chúa Giêsu – PM. Cao Huy Hoàng. 36

12. Anh em phải công chính hơn các kinh sư. 43

13. Thứ bậc các giá trị theo Đức Giêsu. 50

14. Chú giải của Noel Quesson. 60


1. Kiện toàn lề luật

Đọc Tin Mừng nhiều lúc chúng ta có cảm tưởng như là Chúa Giêsu đã coi thường những quy định có tính cách tôn giáo của xã hội lúc bấy giờ. Không chỉ coi thường mà đôi lúc Ngài còn như cố tình vi phạm những luật lệ ấy, chẳng hạn Ngài chữa bệnh vào ngày nghỉ lễ, hay không rửa tay trước khi ăn theo luật dạy. Dù sao thì thái độ như có vẻ tự do của Ngài đối với bọn Pharisêu là điều không thể chấp nhận được, và đã trở thành căn nguyên dẫn Ngài đến cái chết nhục nhã trên thập giá.

Thế nhưng, qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, Chúa Giêsu lại khẳng định một điều xem ra mâu thuẫn với thái độ của Ngài: Ta đến để kiện toàn, chứ không phải là để huỷ bỏ lề luật và các tiên tri. Trong lời khẳng định này của Chúa Giêsu, chúng ta phải hiểu là không khi nào lề luật, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất, sẽ mất hiệu lực, nghĩa là sẽ mất tính cách bắt buộc. Vậy phải cắt nghĩ làm sao điều xem ra như mâu thuẫn giữa lời tuyên bố và hành động của Ngài đối với lề luật?

Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Đấng kiện toàn lề luật và kiện toàn ở đây không có nghĩa là tuân giữ lề luật một cách chín chắn, trọn đủ, mà có nghĩa là làm trọn, làm cho lề luật có đầy đủ ý nghĩa của nó.

Khi Thiên Chúa tuyển chọn và kết giao ước với dân riêng của Ngài, Ngài đã ban cho họ mười điều răn, cốt yếu là những điều cấm, quy định ranh giới sinh hoạt mà kẻ thuộc về Ngài không thể vượt qua. Ở đây cũng cần phải lưu ý mười điều răn không phải là những điều kiện tiên quyết để Thiên Chúa ký kết giao ước với dân Ngài, mà trái lại, giao ước đã được ký kết do sáng kiến của chính Thiên Chúa, rồi sau đó, mười điều răn mới được mạc khải cho dân Ngài.

Bên trong ranh giới được ấn định bởi những điều cấm là cả một khoảng trống. Khoảng trống này dần dà được lề luật lấp đầy, rồi đến lượt các luật sĩ giải thích và những giải thích này đã biến thành một mạng lưới dày đặc những quy định, những nghi thức len lỏi vào từng chi tiết của cuộc sống con người và xã hội. Và như thế con người lâm vào tình trạng mình có vì lề luật, trở nên nô lệ cho lề luật, thay vì lề luật có là vì con người.

Trong tình trạng này, lề luật bỗng được giao cho vai trò môi giới trong quan hệ giữa con người và Thiên Chúa. Người ta được quan hệ với Thiên Chúa hay bị cắt đứt mối liên hệ ấy một cách máy móc do tuân giữ hay không tuân giữ các điều khoản của lề luật. Hơn nữa, các luật sĩ đã đề ra những điều khoản mà không phải ai cũng có thể tuân giữ được. Người ta không tuân giữ được, không phải vì thiếu thiện chí, thiếu lòng đạo đức, nhưng vì những điều kiện khách quan của cuộc sống, của nghề nghiệp không cho phép, nên quả thực, các luật sĩ đã khoá cửa Nước Trời đối với đông đảo thành phần trong dân Chúa.

Chính những lề luật và cách hiểu về vai trò của lề luật này đã bị Chúa Giêsu đả phá. Ngài phủ định vai trò môi giới của lề luật. Đối với Ngài, điều quyết định trong mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa, cũng như giữa con người với nhau không phải là việc tuân giữ các điều khoản của lề luật mà chính là lời của Chúa Giêsu và việc thi hành lời của Ngài: Ngay cả kẻ được coi là công chính, vì trung thành tuân giữ các điều khoản của lề luật cũng được đòi hỏi phải trở lại với lời của Ngài.

Từ đó chúng ta mới hiểu được vai trò kiện toàn lề luật của Chúa Giêsu, chính Ngài mới làm cho lề luật được đầy đủ ý nghĩa của nó.

 


2. Lề luật

Thiên Chúa đã trao ban cho con người một thứ quà tặng quý giá đó là sự tự do. Chính sự tự do, này nếu chúng ta biết sử dụng, sẽ đem lại cho chúng ta vẻ cao quý, bằng không nó sẽ vùi chúng ta xuống tận bùn đen.

Thiên Chúa muốn chúng ta phụng sự Ngài một cách tự do, không ép buộc, bởi vì hành động của một kẻ nô lệ, của một người máy thì làm sao tạo được công nghiệp. Sự tự do là như một chiếc chìa khoá, nhờ đó mà mở ra khung trời hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng có thể dẫn đến biết bao nhiêu tội ác.

Thiên Chúa không bao giờ cưỡng bức chúng ta phải phụng thờ Ngài. Nhưng đồng thời, Ngài cũng không bao giờ làm cho bàn tay của kẻ độc ác bị bại liệt.

Bài đọc thứ I nói với chúng ta như sau: Nếu ngươi muốn, ngươi hãy tuân giữ những giới luật của Ta. Việc trung thành là tuỳ ở nơi ngươi. Trước mặt ngươi là sự sống và sự chết, ngươi có thể tuỳ nghi lựa chọn.

Tuy nhiên có kẻ sẽ nói: Sự gì phải đến, ắt sẽ đến. Tôi nghĩ rằng không phải là như thế, mỗi người chúng ta phải làm chủ lấy vận mạng của đời mình. Bởi vì chính chúng ta có thể đem lại hạnh phúc hay khổ đau muôn đời cho bản thân. Thiên Chúa có thể giúp đỡ và phù trợ chúng ta bằng ân sủng của Ngài, tuy nhiên không bao giờ Ngài bắt buộc chúng ta phải bước theo Ngài. Trong chiều hướng ấy, Péguy đã viết như sau: Nếu Thiên Chúa quá nâng đỡ, thì con người sẽ mất hết tự do, trái lại nếu Thiên Chúa không nâng đỡ đủ, thì con người sẽ sa ngã. Sự trợ gúip của Ngài không bao giờ huỷ diệt sự tự do mà chính Ngài đã trao ban cho chúng ta.

Cũng chính trong sự tôn trọng tự do mà chúng ta bước vào lãnh vực lề luật. Đúng thế, Chúa Giêsu đã so sánh luật của Cựu Ước với luật của Tân Ước là luật của tình yêu. Ngài đến không phải để xoá bỏ nhưng để kiện toàn. Ngài đã đưa ra nhiều trường hợp cụ thể. Chúng ta chỉ nhắc lại nơi đây hai trường hợp mà thôi.

Trường hợp thứ nhất, Cựu Ước dạy: Chớ giết người. Trong khi đó Chúa Giêsu bảo chúng ta không được ghét bỏ người anh em. Và Ngài còn đi xa hơn nữa khi đòi buộc chúng ta phải yêu mến kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét bỏ chúng ta.

Trường hợp thứ hai, Cựu Ước dạy: Chớ ngoại tình. Trong khi đó Chúa Giêsu bảo chúng ta không những phải giữ gìn vẻ trong sạch cho thân xác, mà còn bảo chúng ta phải giữ gìn vẻ trong sạch cho tâm hồn. Ngài phán: Ai nhìn xem người nữ, mà có lòng ước ao thì đã phạm tội rồi.

Từ đó Ngài muốn chúng ta luôn luôn tấn công tội ác đến tận cội nguồn, đến tận căn nguyên. Bởi vì trái tim hay lòng muốn là nơi xuất phát ra những điều tốt cũng như những điều xấu.

Cha thánh Vianney có một trực giác bén nhạy về những hậu quả không hay do những cuộc khiêu vũ gây nên, bởi đó, ngài đã thẳng thắn phê bình và chỉ trích. Ngày kia ngài gặp một bác nhà quê cùng với đúa con gái của bác đang bước đi trên đường. Hôm đó lại là ngày Chúa nhật và hai bố con đang dắt nhau đi tham dự một cuộc khiêu vũ ở làng bên cạnh. Thấy ngài, bác nhà quê liền chống chữa:

- Thưa cha, nó không đi nhảy mà chỉ xem người ta nhảy mà thôi.

Thế nhưng ngài trả lời:

- Tay chân nó không nhảy nhưng trái tim nó đã nhảy, tay chân nó không múa may quay cuồng nhưng lòng nó đã múa may quay cuồng.

Bởi đó phải cương quyết xa tránh những dịp tội nếu muốn bảo vệ vẻ trong trắng cho tâm hồn, bởi vì như lời Chúa đã phán: Thà rằng mất một chi thể còn hơn toàn thân bị đày đoạ trong hoả ngục.


3. Thầy bảo cho anh em biết

(Trích từ ‘Manna’)

Suy Niệm

Thiên Chúa là một nhà giáo đầy kinh nghiệm. Ngài đòi hỏi con người phải vươn lên, vươn cao lên mãi, nhưng Ngài không đòi hỏi điều vượt quá khả năng của họ.

Khi ban Mười Điều Răn cho dân Israel, qua ông Môsê, Ngài đưa họ ra khỏi tình trạng sống theo luật rừng. Luật Môsê là một tiến bộ lớn trong nền luân lý, nhưng vẫn chỉ là bước chuẩn bị cho luật của Đức Giêsu.

Luật mới này không phá bỏ, nhưng kiện toàn luật cũ.

Kitô hữu không chỉ xét mình theo Mười Điều Răn, mà hơn nữa còn xét mình theo tinh thần Bài giảng Trên núi. Lời của Chúa Giêsu phải là thước đo để ta xét mình. Có khi nào bạn tự kiểm dựa trên một đoạn Tin Mừng không?

Đoạn Tin Mừng hôm nay mời ta nhìn lại miệng và mắt, hai giác quan dễ được dùng để phạm tội.

Miệng là nơi phát xuất những lời lăng mạ, dối trá. Lời nói biểu lộ tâm hồn con người: lòng có đầy mới tràn ra miệng (x.Mt 12,34). Khi đêm về, nhìn lại những gì mình đã nói, ta thường thấy có rất ít yêu thương và sự thật, nhưng lại đầy ắp cái tôi ích kỷ, lọc lừa.

“Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng làm chủ được toàn thân (Gc 3,26).

Mắt là cơ quan tiếp thu thế giới bên ngoài. Mắt không chỉ là cửa sổ, mà là cửa chính của tâm hồn. Các cơn cám dỗ thường qua cửa đó mà đến với ta.

Mắt thích nhìn cái đẹp. Eva nhìn trái cấm, Đavít thấy người phụ nữ khỏa thân.

Cái nhìn đem lại khoái lạc và thổi bùng lên ngọn lửa thèm muốn, khiến người ta dám làm chuyện trái luân thường đạo lý.

Chúng ta đang bị bao vây trong một thế giới đầy hình ảnh. Tivi, phim ảnh, sách báo, video, thời tranh, quảng cáo... tất cả tìm cách lôi cuốn cái nhìn của ta, kích thích khoái lạc nơi con mắt và cả thân xác.

Những điều cao quý và thiêng liêng như thân xác, như đời sống thầm kín vợ chồng lại bị trở thành tầm thường, dung tục. Tình yêu chỉ còn là vội vã chiếm đoạt thân xác nhau trong cơn mê say nhất thời, chứ không phải là sự trân trọng hiến dâng chính mình trong một quyết định chín chắn và đầy trách nhiệm.

Đức Giêsu nói đến thứ ngoại tình do cái nhìn thèm muốn.

Làm sao tôi giữ được đôi mắt trong suốt của trẻ thơ?

Làm sao để trí tưởng tượng và trí nhớ không bị vẩn đục?

Làm sao để tôi nhìn người phụ nữ như chị, em của tôi?

Làm sao để chính người phụ nữ không tự biến mình thành đồ chơi để người khác ngắm nghía?

Gợi Ý Chia Sẻ

“Thành thật thường thua thiệt”, bạn có thấy điều đó đúng không? Bạn có nghĩ rằng thành thật là đức tính nền tảng cho mọi tương quan giữa người với người không?

Nơi giới trẻ đã có nhiều biểu hiện của sự trụy lạc, sa đọa. Bởi đâu có những tệ nạn như thế? Giới trẻ công giáo đóng góp gì để bầu khí xã hội được thanh khiết?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,

xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con.

Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con.

Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa.

Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con.

Thế giới hôm nay không cần những Kitô hữu có bộ mặt chán nản và that vọng.

Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.


4. Sống điều mình tin – Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

(Trích từ ‘Cùng Nhau Suy Niệm’)

Một hôm, một người có đạo gặp một người vô đạo. Người vô đạo hỏi:

- Anh đi đâu về?

- Tôi đi nhà thờ về,

- Bữa nay, nhà thờ giảng gì?

- Giảng về vấn đề nên thánh.

- Anh đã nên thánh chưa?

Anh có đạo đáp:

- Anh coi cái mặt tôi đây thì đủ biết.

- À để coi thử.

Nói rồi, anh vô đạo tát một cái thật mạnh vào mặt anh có đạo. Anh này quạu cọ, chửi mắng om sòm.

Giơ tay giơ chân đòi đánh lại. Người vô đạo nói:

- Anh tự xưng là nên thánh, sao còn chửi mắng và đòi đánh tôi? Anh có đạo nói:

- Tôi nói cái mặt nên thánh, chứ cái miệng, cái tay, cái chân thì chưa nên thánh, nên tao đánh được.

Người vô đạo nói:

- Ôi tưởng anh nên thánh trọn vẹn, chứ anh nên thánh nửa vời như vậy còn xấu hơn cả tôi. Xin anh nên thánh trọn vẹn mới là người sống đạo.

Có người nói rằng tin đạo chứ không tin người có đạo. Bởi vì vẫn còn đó những người mang danh Ky-tô hữu mà sống thiếu bác ái, thiếu công bình và thiếu tình yêu. Họ đi lễ nhưng không dám sống thánh lễ trong cuộc đời của họ. Họ có đạo nhưng hành động của họ lại ngược với giáo huấn của Chúa. Họ có đạo nhưng họ vẫn sống rối vợ rối chồng, vẫn chồng chung vợ chạ, vẫn lăng nhăng, vẫn ngoại tình... Họ vẫn đến nhà thờ nhưng vẫn trộm cắp gian tham, vẫn ăn gian nối dối, vẫn buôn bán lường gạt... Họ mang danh Chúa Ky-tô nhưng lại sợ hy sinh, sợ trách nhiệm và trốn tránh bổn phận với gia đình và giáo hội.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống theo tinh thần phúc âm. Hãy ăn ở ngay lành. Hãy làm việc thiện. Hãy từ bỏ những tính hư nết xấu, những đam mê tội lỗi. Đừng có đạo mà sống xa rời tình nghĩa với anh em, xa rời tình nghĩa với Chúa. Đạo không dừng lại ở việc tuân giữ điều này điều kia mà còn thể hiện tình liên đới, sự chia sẻ, cảm thông với anh em. Đạo được quy chiếu vào lòng mến. Mến Chúa thì phải yêu mến anh em. Tình yêu đó đòi hỏi phải sống hiệp thông với nhau trong yêu thương và tha thứ. Tình yêu đó đòi hỏi tránh xa những mâu thuẫn, những ghen ghét, giận hờn. Chúa còn coi trọng sự hoà giải với nhau hơn cả việc đến dâng của lễ. Vì khi "anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có người đang bất bình với anh, thì hãy bỏ của lễ mà đi làm hoà trước đã rồi hãy trở lại mà dâng lễ".

Nhìn vào thế giới hôm nay đó là một thế giới đầy bạo lực. Con người không cần lý lẽ. Người ta có thể dùng quyền để bẻ cong công lý. Người ta dùng sức mạnh để đè bẹp tự do và xâm phạm quyền sống của tha nhân. Vâng, giữa một thế giới mà sự thù hận luôn đòi loại trừ nhau bằng bạo lực, bằng gươm đao. Giữa một thế giới mà lòng nhân đã đánh mất chỉ còn sự giả hình, hay nhẹ hơn là mạnh ai nấy lo, sống thiếu tình liên đới với nhau. Người kytô hữu cần phải thể hiện cho người ta thấy lòng bao dung và tha thứ vẫn còn tồn tại trên trần gian. Vì Chúa chúng ta vẫn có thể làm điều ấy. Vì Chúa chúng ta hãy nhịn nhục lẫn nhau. Vì Chúa chúng ta hãy tha thứ cho nhau. Vì Chúa chúng ta hãy "chín bỏ làm mười", sống vị tha và bác ái với nhau.

Nguyện xin Chúa là Đấng đã tha thứ cho mọi tội khiên của nhân loại xin cũng tha thứ cho những yếu đuối của chúng ta, và xin Ngài giúp chúng ta cũng biết sống tha thứ và hoà giải với nhau. Amen.


5. Đừng giận ghét

(Suy niệm của Lm Inhaxiô Nguyễn Văn Đức)

Chương 5,6,7 của Tin Mừng Matthêu nói về đức công chính của người môn đệ với hai nội dung chính: Tin, cầu nguyện và thể hiện niềm tin ấy trong đời sống thực hành luân lý hằng ngày.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ thực hành niềm tin bằng cách: đừng giận ghét. Chúa dạy như vậy có khả thi không? Bởi vì trên đời này, dù một người hiền lành đến mấy cũng không tránh khỏi đôi lần nổi giận. Chính Chúa Giêsu cũng đã nổi giận với những người buôn bán trong Đền thờ kia mà!

Thưa, giận thì được nhưng đừng ghét! Nói cách khác, chúng ta không chấp nhận tội lỗi nhưng chúng ta không ghét người tội lỗi; ghét có nghĩa là loại trừ họ. Đến như nhạc sĩ Phạm Duy mà còn hát: kẻ thù ta đâu phải là người, giết người đi thì ta ở với ai?

Chúa Giêsu tố cáo tội lỗi nhưng lại thương những người tội lỗi và thường đứng về họ trước sự chỉ trích của những người tự cho mình là người công chính:”bọn đĩ điếm và tội lỗi sẽ vao nước Trời trước các ngươi". (Mt 21,32). Chúa Giêsu không chỉ nói đến sự giận dữ mà Ngài còn muốn phải làm hòa trước khi thể hiện niềm tin Chúa khi dâng lễ và cầu nguyện. (Mt 5,23-24)

Chúng ta biết giận là một trong thất tình: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục thuộc về bản tính con người.Giận là tức. Khi giận thường mất khôn và nói quá lời. Tức ai thì nói cho đã tức nhưng sau đó lại hối hận. Cũng có lúc hối hận thì đã muộn rồi. Vậy trong thực tế, một người nóng tính, hay giận (như Phêrô, nóng lên, liền chém đứt tai tên đầy tớ Thầy cả thượng phẩm) có thể chừa hay từ bỏ tính nóng giận của mình không?

Từ bỏ hẳn thì không,vì nó thuộc bản chất con người, nhưng làm chủ được nó thì có thể. Một người biết mình nóng tính, nên thường ngày tập sống tha thứ, tập sống dịu dàng, vui vẻ với mọi người; từ từ người đó sẽ làm chủ được những cơn nóng giận của mình.

Vậy lời Chúa dạy hôm nay: đừng giận ghét, thì ta phải hiểu rằng: ta không được ghét ai, nghĩa là loại trừ họ, đó là điều trái với đức thương yêu, nhưng đồng thời ta cũng phải tập làm chủ nhưng cơn nóng giận của mình. Việc đó có thể làm được với ơn Chúa và nhất là với đời sống cầu nguyện, vì đó là cách thức chúng ta dễ nâng tâm hồn lên với Chúa để Ngài thanh luyện tâm hồn chúng ta thuộc về Chúa và gần gũi với tha nhân hơn.


6. Hãy nên hoàn thiện

(Suy niệm của Lm Antôn Nguyễn Văn Tiếng)

“Các con hãy nên hoàn thiện, như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt.5,48).

Đó là mục đích cuối cùng của Chúa Giêsu, nâng con người lên “hoàn thiện” để trở về địa vị cao cả đích thực của con người là “làm con Thiên Chúa”, Đấng là Cha trên trời - Đấng hoàn thiện.

Nhưng con đường nào dẫn con người đến hoàn thiện?

Luật trần gian

Một người phụ nữ ngoại đạo có một đứa con gái yêu một chàng trai Công Giáo. Nhiều người trong thân tộc của bà không đồng ý, vì họ đều là những tín đồ ngoan đạo của tôn giáo mà họ đang theo. Chàng trai chỉ cưới cô gái nếu cô gái cùng chung niềm tin với mình. Cô gái cũng mến mộ đạo Công giáo và muốn vào đạo. Sự quyết định cuối cùng là của người mẹ. Bà nói: “Tôi đồng ý cho con tôi vào đạo Công giáo. Tôi muốn nó lập gia đình với một người có Đạo. Đạo nào cũng được, miễn đừng vô đạo thôi”.

Từ “vô đạo” ở đây, có lẽ theo ý bà, là “không có đạo”, “không theo một tôn giáo nào”. Chứ còn từ “vô đạo” mà nói chung chung, thì nghe nặng lắm. Thí dụ người ta nói: tên ấy là quân vô đạo. Vì theo cách hiểu thông thường, đạo là “phép tắt đối xử trong xã hội, ai cũng phải biết và phải tuân thủ, giữ gìn: đạo làm người, ăn ở sao cho phải đạo, đạo vợ chồng” (Đại từ điển Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên).

Vì không phải ai cũng sống theo “đạo làm người”, nên con người phải đặt ra bộ luật rõ ràng, minh bạch để người ta tuân giữ và thưởng phạt khi cần thiết. Luật, do đó, nó chứa đựng “đạo lý con người”, như “kim chỉ nam” để con người sống cho ra người, sống đúng đạo làm người.

Nhưng, “Luật trần gian” có giới hạn của nó. Lòng tham, sự yếu đuối, cùng với khát vọng vô bờ bến, con người không thể sống tốt chỉ với những luật lệ trên giấy trắng mực đen đó. Người ta có thể lòn lách để trách né luật lệ, và có khi dùng chính luật lệ đó để bảo vệ sự an toàn cho mình và sống lạnh lùng đối với tha nhân.

Luật Thiên Chúa theo cách giảng dạy của trần gian

Thiên Chúa yêu thương con người và muốn con người trở về địa vị nguyên thủy của mình là “làm con Thiên Chúa”. Thiên Chúa giáo huấn cho con người một cách tiệm tiến theo dòng Lịch Sử Cứu Độ, và Ngài muốn con người được sống thăng hoa và ngày một trở nên thánh thiện với giáo huấn của Ngài qua các ngôn sứ, mà đỉnh cao trong Cựu Ước là Mười Điều Răn được truyền qua Môsê trên núi Si-nai.

Nhưng, Giới Luật Thiên Chúa cũng bị giới hạn qua cách suy nghĩ, cách diễn tả, và cách sống của con người.

Toàn bộ “Lề luật”, trong sách Luật Do Thái, được rút và diễn nghĩa từ Cựu Ước, gồm 613 điều luật, trong đó điều cấm là 365, còn điều phải làm là 248, không tính những điều luật phụ. Thoáng nhìn qua, có vẻ như rất minh bạch. Luật có hai loại “khinh luật”, và “trọng luật”, khinh luật thì bị phạt, còn trọng luật thì phải bị tử hình.

Nhưng, tuy dù là “Luật Thiên Chúa”, phàm nhân đã cắt nghĩa theo cách hiểu và ý muốn của con người, nên Luật Thiên Chúa đã thành ra gánh nặng và phương tiện trục lợi cho con người.

“Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt. 23,4).

“Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không, còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc” (Mt. 13,18).

“Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ kính cha mẹ ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế các ông dựa và truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.” (Mt. 15,4).

Lời Thiên Chúa không được hiểu đúng và làm đúng, vì không có sự chân thật trong lòng người. Nhưng làm sao có sự chân thật khi con người không có Tình Yêu Chân Thật đối với Thiên Chúa?

Cuối cùng, lối sống đạo đức giả của những người có trách nhiệm giảng dạy phân phát Lời Chúa đã biến đổi Lời Chúa thành thứ “Giới luật phàm nhân” phục vụ cho quyền lợi riêng họ.

“Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng: ‘Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mt.15,7).

Luật Thiên Chúa theo cách giảng dạy của Chúa Giêsu

“Thưa Thầy, trong lề luật, điều răn nào trọng nhất?”

Chúa Giêsu đã trả lời ngay ông tiến sĩ luật hỏi Ngài câu hỏi đó: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất” (Đnl.6,5).

Nghĩa là, Luật Thiên Chúa còn đó ! Đúng như lời Ngài đã khẳng định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc giáo huấn của các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, và cho đến khi mọi sự được hoàn thành, thì một chấm một phết trong sách luật cũng không thể bỏ đi được” (Mt5,17-18).

Chúa Giêsu đến, như Ngài đã nói, là để kiện toàn lề luật.

“Kiện toàn” ở đây không phải là để “đánh bóng” Lời Chúa theo ngôn ngữ loài người, mà giúp con người mở rộng lòng ra để biết đón nhận và sống Lời Chúa đúng theo thánh ý Chúa hơn. “Ta sẽ ban tặng các con một trái tim mới, Ta sẽ đặt vào lòng các con một tinh thần mới, Ta sẽ lấy trái tim chai đá ra khỏi lòng các con, và ban tặng các con một trái tim bằng thịt biết yêu thương. Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào lòng các con để làm cho các con theo đúng luật của Ta” (Ez.36,23-27).

“Trái tim mới” ấy, trái tim “biết yêu thương” ấy, là trái tim theo mẫu mực “Trái Tim Giêsu”.

Vì không có “tình yêu” nào như “Tình Yêu Giêsu”. Không có trái tim nào như “Thánh Tâm Giêsu”.

Vì chỉ có “Trái tim Giêsu” mới yêu Chúa Cha đến mức vâng phục trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa.

“Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Lc.22,42).

Vì chỉ có “Trái Tim Giêsu” mới yêu con người đến hiến mạng vì con người. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga.15,13).

“Tình yêu Giêsu” là tình yêu giao hòa giữa con người và Thiên Chúa, giữa con người với nhau. Là Hiến Lễ Tình Yêu con người dâng lên Thiên Chúa và là Lễ Vật Tình Yêu con người trao tặng nhau.

“Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt.5,23-24).

Và, tất cả đều bắt đầu từ “một Tình Yêu”. “Yêu như Giêsu”.

Khởi nguồn là Tình Yêu con người đối với Thiên Chúa. Một tình yêu sâu đậm vượt trên tất cả. Phải có một tình yêu như thế, con người mới có thể yêu tha nhân đến quên mình, khi nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi anh em mình.

“Nhưng điều răn thứ hai cũng giống như điều răn ấy, là ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi” (Lv.19,18).

“Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc. Ta đau yếu các ngươi đã đến thăm,Ta bị tù đầy các ngươi đã đến với Ta… Những gì các ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt.25,36).

Điệp ngữ “Anh em đã nghe Luật dạy rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết” được lập đi lập lại nhiều lần, cho thấy sự dứt khoát và quyền năng của Chúa Kitô trên Lề Luật.

"Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabát.” (Mc.2,27-28).

Lề Luật sẽ được kiện toàn nhờ lòng người thăng tiến, nhưng xem ra, con người vì tội lỗi, tham vọng và tư lợi, đã làm Lề Luật trở nên thứ ách nặng nề, nó chỉ còn là thứ trang điểm bề ngoài cho một nền đạo đức giả tạo và trên đà băng hoại. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã lưu ý các môn đệ của Ngài, cũng chính là giáo huấn chúng ta: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và nhóm Pharisêu, thì anh em sẽ chẳng vào Nước Trời”.

“Họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài” (Mt.23,5).

“Người Pharisêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc.18,11).

Điệp ngữ “Anh em đã nghe Luật dạy rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…” được lập đi lập lại nhiều lần, cho thấy rõ khoảng cách mức độ thăng tiến mà Chúa đòi hỏi nơi con người để Luật Chúa được kiện toàn sánh với cách con người đang “tuân giữ Luật Chúa” còn rất xa.

Một tên xã hội đen tìm được một tình yêu chân chính, anh quay lại nẻo thiện lương, hòa nhập vào xã hội, và sống hạnh phúc đời thường. Anh có vợ đẹp, con ngoan. Anh chạy xe lôi, cuộc sống vừa đủ, có phần vất vả, nhưng anh cảm thấy thanh thản tâm hồn và bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Một ngày kia, một người đàn ông mang kính râm gọi xe anh. Khi xe chạy đến một đoạn đường vắng, khách bảo dừng lại. Người khách bất ngờ rút súng chĩa thẳng vào anh. Hắn kể tội anh khi anh còn thuở giang hồ. Anh quỳ xuống xin tha. Anh xin lỗi vì nợ giang hồ, nhưng anh xin cho anh được sống để nuôi vợ con. Một tiếng nổ khô khan. Anh nằm xuống cùng với ước mơ hoàn lương không trọn.

Sự “sòng phẳng” và “công bình” kiểu con người hiểu và mong muốn không thể giúp con người hoàn thiện được.

“Anh em đã nghe Luật dạy ‘ Mắt đền mắt, răng đền răng’. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt.5,38).

Hoàn Thiện theo Gương Chúa Giêsu

Cuối cùng, chỉ có Tình Yêu - và Tình Yêu như Đức Kitô - mới nâng con người lên đỉnh “hoàn thiện”. Chỉ có Tình Yêu như Đức Kitô mới giúp con người có thể sống với Lề Luật kiện toàn mà thánh ý Thiên Chúa mong muốn qua Giáo Huấn Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, Ngài đến để kiện toàn Lề Luật.

Kiện toàn Lề Luật để con người được trở nên hoàn thiện,

Hoàn thiện theo gương của Ngài – Đức Kitô,

“Ta là Ánh sáng thế gian” (Ga.8,12).

"Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”(Ga.14,6).

và hoàn thiện như “Cha trên trời”, là Đấng hoàn thiện.

Lạy Chúa,

Xin cho con được trở nên hoàn thiện,

nhờ bền lòng vững chí,

bước đi theo con đường Thập Giá Đức Kitô. Amen.


7. Luật lệ: giữ trọn hay làm nên trọn?

(Suy niệm của Lm Gioan Nguyễn Văn Ty)

Đối với người Do Thái, Lề luật có tầm quan trọng số một. Thái độ trước lề luật chính là khuôn vàng thước ngọc để đánh giá một con người. Đức Giêsu cũng được các đồng bào Người đánh giá và chấp nhận dựa trên tiên chuẩn này; vì thế mà Người lên tiếng tuyên bố: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” lề luật.

Không ai có quyền bãi bỏ luật lệ, trừ chính vị ra luật hay nhà lập luật. Trong Ít-ra-en, chỉ mình Đức Chúa Gia-vê có quyền này; ngay cả Môsê cũng không, vì ông chỉ là người truyền đạt cho dầu luật có mang tên ông. Luật này cũng không cần được ai kiện toàn vì nó đã hoàn hảo; có chăng chỉ là giải thích và đó là bổn phận dành riêng cho các luật sĩ. Hiểu như thế thì lời công bố của Đức Giêsu có thể bị coi là lộng ngôn, vì không ai có quyền bãi bỏ cũng như không ai được phép ‘kiện toàn’ - sửa chữa bộ luật Môsê đã truyền lại.

Thông thường thì người ta sẽ coi như phá luật những kẻ không cặn kẽ tuân giữ lề luật. Rõ ràng nhóm Biệt Phái và luật sĩ đã nhận xét Đức Giêsu là như thế, do đó đã liệt Người vào hạng tội lỗi, vì cho rằng Người có thái độ coi thường, bất tuân luật thánh, cụ thể trong việc giữ ngày Sa-bát và các nghi thức tẩy rửa.

Về phần Đức Giêsu, Người luôn khảng định việc căn kẽ giữ luật là cần thiết “một chấm một phết trong lề luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành”. Các môn đệ hiểu rõ điều đó cho nên sau này, kể cả khi Đức Giêsu đã về trời, họ vẫn tuân giữ căn kẽ mọi lề luật Môsê. Các tông đồ còn muốn mọi tín hữu (nhất là các người gốc Do Thái giáo) phải tiếp tục giữ trọn luật pháp theo lời Chúa dạy: “Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời”. Tuy nhiên, sứ mạng đích thực của Đức Giêsu không nhằm kêu gọi dân chúng giữ luật. Điều này đã được các Pharisêu, các luật sĩ… và Gioan Tiền hô làm bằng nhiều cách. Người khảng định: “Thầy đến… để kiện toàn luật Môsê!” Và không chỉ Người, mà bất cứ kẻ nào tin vào Người cũng phải kiện toàn lề luật như thế: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vài Nước Trời”. Tác giả Matthêu thẳng thắn muốn các tín hữu gốc Do Thái (đối tượng chính của sách Tin Mừng ông viết) phải hiểu rằng: Đức Giêsu và các lời Người dạy tuy không chống lại nhưng cao trọng hơn luật Môsê rất nhiều, “Luật xưa dạy rằng…. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…” Thế thì ta phải hiểu điều các khảng định này theo ý nghĩa nào?

Trước hết ở đây ta không được hiểu Đức Giêsu tự giới thiệu mình là một nhà lập pháp mới (legislator novus), theo nghĩa giao ước mới thì đòi phải tuân giữ luật mới, cũng như giao ước cũ phải tuân giữ luật cũ của Môsê. Không! Giêsu không phải là người làm luật, nhưng là người làm cho mọi luật được nên trọn. Không có Người, luật lệ cho dầu có thể là rất tốt, rất hoàn chỉnh, vẫn chưa có thể được coi là trọn; và duy nhất chỉ một mình Người mới làm được điều đó. Ai tin vào Đức Giêsu, đặc biệt qua biến cố tử nạn và phục sinh của Người, đều có khả năng kiện toàn, hay làm cho nên trọn bất kỳ luật lệ nào họ nắm giữ (dầu là luật dân sự bất toàn hay luật tôn giáo thánh thiện). Lòng thương xót, từ ái cứu độ của Thiên Chúa, mà Đức Giêsu mạc khải, mới là nền tảng duy nhất để canh tân và kiện toàn mọi thứ luật lệ. Chỉ cần nhìn vào các trường hợp được nêu trong bài Tin Mừng: không giết người, không ngoại tình, ly dị, thề gian dối… ta mới thấy chỉ Tin Mừng tình yêu Thiên Chúa mới có thể kiện toàn và làm cho chúng được nên trọn tới thế. Sự nên trọn này chắc chắn không hệ tại ở luật pháp hoàn hảo hơn hay kém, nhưng hệ tại ở thái độ bình an và tự do ta có khi nắm giữ các lề luật đó, trong tư thế của một người con được Chúa Cha yêu thương. Không tin tuyệt đối vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô Giêsu, ta sẽ không bao giờ có được thái độ này, và đương nhiên sẽ thấy khó có thể chấp nhận các đòi hỏi của luật pháp, kể cả những lề luật hoàn thiện và cao đẹp nhất.

Phaolô biết rõ hơn ai hết sự cao đẹp của luật Môsê, nhưng cũng chính vì thế mà ông càng xác tín hơn ai hết về giới hạn của nó so với Tin Mừng. Trong chương 3 thư gởi giáo đoàn Ga-lát ông lấy hình ảnh người giám hộ để chỉ luật Môsê rất thánh thiện (và bất cứ luật lệ nào khác, kể cả luật Hội Thánh), và hình ảnh con cái tự do để chỉ sự ‘kiện toàn - nên trọn’ của niềm tin vào Đức Kitô Giêsu. Tôi thiết nghĩ ông quả đã nắm bắt rõ vấn đề: “Khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa… vì tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa…” (Gl 3,25-26)

Ôi, niềm tin Kitô hữu vào tình yêu Thiên Chúa nhân ái thứ tha có khả năng nâng chúng ta lên cao biết mấy, vượt xa sự kiểm tỏa của luật pháp, cũng như mọi lo lắng sợ hãi của thưởng phạt nghiêm minh!

Trong tư cách là công dân Việt Nam, là Kitô hữu, là tu sĩ - linh mục... con phải khoác lên mình biết bao nhiêu thứ luật lệ. Con thâm tín một điều rằng không một luật lệ nào trong số đó tự nó có thể cứu thoát được con. Lạy Chúa từ nhân! Xin cho con được như Phaolô xác tín rằng: chỉ có niềm tin vào Chúa cứu độ và từ nhân mới giúp con làm cho các luật trên được nên trọn, đồng thời biến con thành con cái tự do đích thực của Cha trên trời. A-men


8. Từ lề luật tới lương tâm.

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Chúa không đến huỷ bỏ Lề Luật nhưng kiện toàn Lề Luật. Mấy người tới nói chuyện với Chúa, xem Lề Luật là 1 mớ những mẹnh lệnh để điều chính trật tự bên ngoài trong lối sống của họ. Chúa Giêsu đi thẳng vào nguồn ngọn, vào đáy lòng và lương tâm, nơi xảy ra đích thực mối liên hệ của con người với Thiên Chúa. Lề Luật vẫn có giá trị trong những mệnh lệnh của nó nhằm quy định trật tự, luân lý, song Chúa Giêsu nói: như thế chưa đủ còn phải đánh giá hành động ngay từ ngọn nguồn của nó, bởi lẽ hành động bên ngoài chỉ là phát hiện cụ thể của một thực tại bên trong, và chính là ở trong cõi lòng sâu kín mà được quyết định cuộc tranh luận giữa thiện và cá. Giá trị luân lý của hành vi ta không nằm ở vẻ bên ngoài của chúng, nhưng ở những quyết định riêng tư dẫn đưa tới chúng. Hơn nữa, Đức Kitô nói rằng một ước muốn được chấp nhận cách ý thức đã đủ để thẩm định ta là tốt hay xấu, dù không được diễn tả ra bằng hành động cũng thế. Chúa Giêsu đến hoàn thành Lề Luật theo nghĩa này là Người nới rộng nó tới thế giới lương tâm. Từ một luật hành động, nó trở thành một câu hỏi đặt ra cho con người nội tâm có trách nhiệm trước mặt mình và Thiên Chúa. Phúc Âm hôm nay nêu cho ta thấy ba tỷ dụ:

1) Chớ giết người. Người ta giết người vì thù oán, căm hờn. Chúa Giêsu phán: đều xấu, đó không những là oán ghét, và còn là những gì Thiên Chúa không thể chấp nhận. Chúa loại trừ lòng thù oán và cả một loạt tâm tình gần như thế: nóng giận, cố tình giữ ác cảm, mắng nhiếc, hiềm khích v.v…

Đó là những tâm tình làm đầu giây mối nhợ cho tội giết người. Tội sát nhân bị luật lệ luận phạt, tâm tình bên trong bị Thiên Chúa thẩm xét.

2) Chớ ngoại tình. Điều răn này nhằm bảo vệ phẩm giá của hôn nhân và gia đình. Song ý nghĩa nó đi xa hơn, sâu hơn nhiều. Chúa Giêsu đặt nó vào bình diện của ước muốn (lòng ước muốn được chấp nhận cách ý thức, hay là ước muốn được nuôi dưỡng), nghĩa là bình diện mà mọi vật thuộc về Thiên Chúa. Được phép ước muốn điều gì, nếu đó không phải là đồ ăn trộm của kẻ khác và nhất là của Chúa. Mà phải tôn trọng quyền tự hữu của Chúa tự đáy lòng ta. Lòng ước ao ngoại tình bao hàm sự thiếu tôn trọng đối với kẻ khác và với mình, do đó cũng ăn trộm điều thuộc về Thiên Chúa.

3) Chớ thề gian. Đức Kitô nói không được thề thốt gì cả. Có lẽ trong xã hội ta không còn tục lấy Danh Chúa mà thề. Song lời Chúa nói đây vẫn còn ý nghĩa. Nếu ta không phải cầu xin Chúa đứng ra bảo đảm cho sự thật của ta, thì ta vẫn có thể xin Người soi sáng lòng chân thành của mình. Ta có thể và phải tự vấn về chính mình ta và xem xét những điều ta quả quyết và những cái ta phủ quyết có được Chúa nhìn thấy là đúng hay không.


9. Đừng sợ trèo lên thang.

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ của Charles E. Miller)

Một bé trai đang thả môt con diều, cho tới khi con diều bị vướng vào một cành cây. Nó liền chạy vào nhà và yêu cầu ba nó lấy giúp nó con diều. Người cha liền cầm tay nó dắt đi và nói: “Hãy đi với ba”. Họ đi vào trong nhà xe, ông chống thang dựa vào thân cây rồi bảo đứa bé: “Con hãy trèo lên thang và lấy con diều của con”. Nhưng đứa trẻ sợ hãi và kêu lên: “Không, con sẽ ngã mất!”. Ông bố nhấn mạnh “Hãy trèo lên thang, bố sẽ ở đây đỡ con, nếu con rớt xuống”. Run rẩy nhưng bây giờ đã quyết, đứa bé bắt đầu từ từ bò lên thang và cố gắng gỡ con diều ra. Nó đã đi xuống an toàn và nở nụ cười thật tươi, ôm lấy ba nó và nói: “Con đã làm được rồi!”.

Hôm nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta trèo lên một cái thang, bài Phúc Âm hôm nay là một phần bài giảng trên núi của Người. Trong bài giảng trên núi, Người khẩn nài chúng ta làm việc để đạt tới những lý tưởng cao vời, không phải thỏa mãn những bậc nhỏ xíu của chiếc thang, trong quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và tha nhân. Trên hết, Người không muốn chúng ta rời xa điều ấy để tới những điều khác, các thánh, những người đã đi theo những lý tưởng mà Người đã giảng dạy và họ đã trở nên gương mẫu.

Trong lúc giận dữ chúng ta có thể nói: “Tôi có thể giết anh đấy”. Dĩ nhiên chúng ta không muốn nói như thế. Trước lúc giận dữ chúng ta vẫn muốn chịu đựng cơn giận theo lý tưởng mà Chúa Giêsu muốn chúng ta theo. Chúng ta có thể sợ hãi khi nghe những chuyện cãi cọ nhau trong nhà nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta phải tránh những lời thóa mạ. Chúng ta có thể than khóc về những lố bịch mà trên TV hoặc phim ảnh, chúng trình bày những cảnh ân ái dành cho những người trưởng thành, nhưng Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta không được nghe các ước muốn xấu trái với những gì Người trông đợi nơi chúng ta.

Có điều gì đó hơi “sốc” khi Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng nếu có một người nào đó có điều gì chống đối chúng ta, chúng ta phải để của lễ tại bàn thờ mà đi giảng hòa cùng người đó trước đã. Chúng ta có dám thực hành điều đó theo nghĩa từng chữ không? Hầu hết mọi người chúng ta có dám bỏ Thánh Lễ để đi tìm người mà chúng ta đã xúc phạm để giảng hòa không? Việc bắt đầu cầu nguyện bằng sự giảng hòa là quyết định tìm kiếm sự tha thứ.

Khi chúng ta lắng nghe cách cẩn thận những lời của Chúa Giêsu trong bài giảng của Người hôm nay, chúng ta có thể kết luận rằng, Chúa Giêsu dạy chúng ta tình yêu dành cho Thiên Chúa không tách biệt tình yêu dành cho người lân cận của chúng ta. Thật là một lỗi nghiêm trọng để hành động nếu chúng ta đặt quan hệ của mình với Thiên Chúa với tư cách cá nhân và riêng tư, không có gì để làm với tha nhân. Khi chúng ta hiểu biết Thiên Chúa như một người Cha, chúng ta phải dành tình yêu của mình cho tất cả con cái của Người.

Những lý tưởng này có thể làm cho chúng ta nhát sợ. Nhìn thẳng vào chúng có thể làm cho chúng ta sợ hãi. Như đứa trẻ muốn cứu con diều của mình, phải thay đổi cách suy nghĩ thế nào. Điều đó không xảy ra cho nó khi nó cố gắng lấy con diều theo cách của nó cho đến khi ba nó dạy cho nó cách thế. Ngay lúc đó, nó vẫn sợ ngã. Trong bài giảng hôm nay, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta một con đường mà chúng ta sẽ đi theo như những môn đệ của Người. Chúng ta phải tin rằng, khi chúng ta cố gắng trèo lên cao hơn Người sẽ ở với chúng ta, để đỡ lấy nếu chúng ta sa ngã và đặt chúng ta trở lại an toàn, để chúng ta có thể cố gắng lần nữa. Trong Thánh Lễ, Người ban cho chúng ta sức mạnh chúng ta cần, nhờ của ăn thiêng liêng là Mình và Máu Chúa.

Chúng ta không bao giờ hỏi rằng: “Chúng ta phải làm gì để tránh tội?”. Chúng ta hãy lắng nghe lời của Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Các con hãy trèo lên thang”.


10. Luật mới của Đức Giêsu

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Tạp chí Reader’s Digest, số xuất bản tháng 11 năm 1985 có đăng một truyện ngắn:

Đôi vợ chồng kia đã nhiều lần cãi nhau, và lần này, đang lúc hai người cãi nhau hăng say, thì người chồng đề nghị với vợ: “Thôi, chúng ta đừng cãi nhau nữa. Bây giờ mỗi người hãy lấy giấy, viết ra tất cả những lỗi lầm, những tật xấu của người kia, rồi trao cho nhau”. Người vợ đồng ý. Người chồng cầm lấy tờ giấy, nhìn người vợ và cúi mặt xuống viết một câu. Người vợ thấy chồng mình bắt đầu viết, liền hối hả viết liên hồi, dường như cố ý tranh với chồng, để kể ra nhiều tật xấu hơn. Người chồng chỉ viết một câu rồi dừng lại nhìn vợ. Sau vài phút, trang giấy của người vợ đầy những dòng chữ kể ra tật xấu của người chồng, và người vợ xem ra hả dạ, vì đã viết nhiều hơn.

Đến lúc không còn gì để viết nữa, hai người trao cho nhau bản kể tội của nhau. Sau khi nhìn vào tờ giấy của chồng, nét mặt của người vợ bỗng biến đổi vì xúc động. Bà vội vàng đòi lại tờ giấy đã đưa cho chồng và tỏ thái độ làm hoà ngay với chồng. Trong tờ giấy của người chồng, bà chỉ đọc được có một câu duy nhất: “Anh yêu em!”.

Anh chị em thân mến,

Tình yêu chính là Luật Mới đã được Đức Giêsu công bố trong bài giảng trên núi: “Tôi không đến để bãi bỏ Lề Luật, nhưng là để kiện toàn”, nghĩa là Đức Giêsu công bố lại ý hướng nguyên thuỷ của Thiên Chúa diễn tả qua Lề Luật, đó là Tình Yêu. Ngài muốn đặt tình yêu làm nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như bản thân mình”.

Nếu tình yêu chân thật là nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, thì con người sẽ không bao giờ dám lên tiếng phàn nàn than trách Thiên Chúa. Nếu tình yêu là nền tảng cho mối tương quan giữa người với người, thì sẽ không còn cảnh tranh giành, xung đột, hận thù lẫn nhau nữa.

Luật mới của Đức Giêsu sẽ tạo nên những con người mới, một xã hội mới, tạo nên “Nước Trời”: “Anh em hãy trở nên hoàn thiện như chính Thiên Chúa là Đấng Hoàn Thiện”. Trong một số ví dụ được Đức Giêsu đưa ra như giết người, gian dâm, bội thề… Luật mới không chỉ dừng lại ở những hành động tội ác, mà đòi hỏi phải đổi mới tận chiều sâu của tâm hồn, tận trái tim yêu thương:

- Trước kia, có huỷ hoại sự sống thể xác mới phải ra toà. Nhưng từ đây, chỉ mới có tâm tình giận dữ, hay buông lời nhục mạ anh em là đã đủ để lãnh án nặng nề.

- Thậm chí chưa tích cực giải hoà với một người anh em đã gây căng thẳng, bất bình, cũng phải kể là không được liên hệ tốt với chính Thiên Chúa, không còn quyên dâng của lễ cho Thiên Chúa.

- Luật cũ xử phạt người có hành động ngoại tình. Từ đây, Luật mới đòi buộc phải trong sáng từ ánh mắt đến tận tâm hồn. Phải tôn trọng và lãnh trách nhiệm bảo vệ người bạn đời của mình.

- Luật cũ cấm phản bội lời thề. Luật mới đòi phải sử dụng lời nói thế nào trong cả đời anh, để người nghe, hiểu và nhận được lòng chân thành của anh, mà không cần anh thề thốt gì hết.

Do đó, chúng ta không lạ gì lối giữ đạo duy hình thức, vụ Lề Luật của các luật sĩ và các nhóm Biệt phái Pharisêu thời Chúa Giêsu, đã bị chính cuộc sống của Chúa Giêsu vạch trần là giả hình là “mồ mả tô vôi”: Giữ luật chi li, nhưng là để cho bản thân mình nổi danh đạo đức trước người khác và tự mãn nơi lòng mình. Tệ hơn nữa là hạng người mượn danh “luật Chúa” để kết án người có tội, người nghèo khổ, hoặc người mang bệnh tật. Và còn đáng Ngài phản đối nặng nề hơn nữa khi họ chủ trương bắt người khác cũng phải hoạ theo lối sống hà khắc của họ. Chính Chúa Giêsu đã bảo: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và nhóm Pharisêu, thì anh em sẽ chẳng được vào Nước Trời”.

Anh chị em thân mến,

Luật mới là một “Giao Ước Mới”, một “hợp đồng tình thương” với những điều khoản được Chúa “ghi tạc tận đáy lòng, tận trái tim con người” (Gr 31,33). Ngôn sứ Êzêkiel còn diễn tả qua hình ảnh cụ thể hơn nữa: “Ta sẽ ban tặng các con một trái tim mới, Ta sẽ đặt vào lòng các con một tinh thần mới, Ta sẽ lấy trái tim chai đá ra khỏi lòng các con và ban tặng các con một trái tim thịt mềm biết yêu thương. Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào lòng các con để làm cho các con theo đúng luật của Ta” (36,23-27).

Đức Giêsu đã kiện toàn Luật của Thiên Chúa. Ngài đã sống trọn vẹn đến từng chi tiết. Ngài đã bày tỏ cho chúng ta một Thiên Chúa lấy con người làm đối tượng của tình yêu thương, khi đích thân Ngài, như một tên tử tội khốn nạn nhất, chết treo trên Thập giá, chỉ vì muốn nâng con người lên tận hàng con cái Thiên Chúa. Mầu Nhiệm Nhập Thể không chỉ là mầu nhiệm của Ngôi Lời Thiên Chúa làm con người mà còn là dấu chứng của tình yêu, cũng là bản thể Thiên Chúa đã dính chặt vào với mỗi con người của trần thế, đến độ bất cứ ai làm gì cho mỗi con người, đều làm cho đích thân Ngài, và bỏ qua không làm tốt cho con người, cho dù với mọi thứ lý do, sẽ chỉ đưa đến kết quả là: “Không được sống đời đời” (Mt 25,41).

Thưa anh chị em, Đạo của Chúa, Luật của Chúa là như thế đó. Nó nhằm mục tiêu cho mỗi người chúng ta hoà nhập vào dòng suối vô tận của tình thương vô biên, khơi nguồn từ Chúa Cha và thông qua Chúa Giêsu và nhờ Thánh Thần chuyển đến mỗi người chúng ta, đến với mọi người muôn thế hệ. Bởi vì chỉ có tình thương mới cho chúng ta góp phần xây dựng, phát triển hạnh phúc của con người anh em. Và chỉ có hạnh phúc của anh em, có chúng ta góp phần, mới cho chúng ta cảm nghiệm và dự phần hạnh phúc của Thiên-Chúa-Tình-Thương.


11. Luật của Chúa Giêsu – PM. Cao Huy Hoàng

Thiên Chúa ban cho con người có tự do và để con người tự do định đoạt số phận của đời mình: “Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó”. (Hc 15, 16-17).

Tuy nhiên, vì không muốn con người phải hư mất, Thiên Chúa ban Lề Luật để hướng dẫn con người sử dụng tự do của mình mà đi vào cõi sống: cửa sinh“Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người, và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện. Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội”. (Hc 15, 19-20)

Mười điều răn Môisê đã nhận lãnh để truyền cho dân, là một chuẩn bị xa để con người sống công chính mà đón nhận Tin Mừng Cứu Chuộc, Tin Mừng của Cõi Sống.

Chúa Giêsu đến,  Ngài kiện toàn lề luật tích cực hơn chỉ trong một luật duy nhất: “yêu thương”, như thánh Phaolô xác quyết: “Yêu thương là chu toàn lề luật”(Rm 13,10)

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu làm hoàn hảo điều răn thứ 5, điều răn thứ 6 và thứ 9. Ngài nói với các môn đệ hai ngàn năm trước, mà nghe như đang nói với mỗi người chúng ta, trong thế giới nầy, trong đất nước nầy, trong xã hội và giáo hội hôm nay…

Yêu thương và tôn trọng nhau

Điều răn thứ 5 dạy “chớ giết người”. Giết người là có tội. Luật của Chúa Giêsu thì chi tiết hơn: giận ghét, mắng chửi người khác đã là xúc phạm đến người khác, đã là lỗi luật rồi. “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5, 22-23)

Chúa Giêsu dạy chúng ta biết yêu thương và tôn trọng nhau. Yêu thương thì bao dung nhân hậu, thứ tha cảm thông, hòa nhã lịch sự. Yêu thương thì không giận không ghét, không mắng chửi. Ngài cụ thể đức công chính của chúng ta là làm hòa với tha nhân trước, dâng lễ cho Thiên Chúa sau. Như thế, lễ dâng cho Thiên Chúa chỉ có giá trị khi lòng chúng ta ngập tràn niềm yêu mến và tôn trọng tha nhân. Không đợi đến mức giết người mới thành khung tội nặng, khung án nặng, mà theo Chúa Giêsu thì chỉ cần giận ghét chửi mắng anh em là đã liệt vào khung hình phạt cao nhất rồi.

Vâng, Luật của Chúa Giêsu thật chí lý. Vì nếu, con người ta giữ được lòng yêu thương, tôn trọng, không giận ghét, không mắng chửi thì không có nguyên nhân dẫn đến việc giết người.

Nhìn thực tế cuộc sống đạo hôm nay, có thể chúng ta vẫn giữ luật điều răn thứ năm thật nghiêm túc là không giết người. Nhưng hình như chưa giữ luật yêu thương tôn trọng anh em. Chúng ta đang trách mắng nhau, chửi bới nhau thậm tệ trên các phương tiện truyền thông? Một bên  mắng là “đồ ngốc”. Bên kia mắng lại là “quân phá đạo, quân phản đạo”. Thực ra, không thấy có ai dám mắng anh em là “đồ ngốc”, nhưng ý nghĩa các bài viết, các bản tin còn thậm tệ hơn cái “đồ ngốc” ấy nữa, nhất là đối với các những người lớn hơn mình về vai trò nhiệm vụ trong xã hội và giáo hội. Không ai dám kết án chúng ta đã xem thường nhau, rồi xúc phạm đến nhau tới  mức nào, nhưng tự thâm tâm chúng ta có thể trả lời được, nếu không, hãy mở to mắt nhìn những hậu quả. Kìa, những phê phán, những đánh giá đầy tính chủ quan lại được tung ra trên diện rộng đã gây nên những hậu quả khó lường. Có cả những hậu quả thảm khốc là làm cho người bị mắng là đồ ngốc lẫn người bị chửi là quân phản đạo, vẫn sống nhưng là như đã chết rồi. Người chết cái uy tín, kẻ chết cái niềm tin, cái nhiệt tình. Người thứ ba đứng bên ngoài vỗ tay reo hò rằng: chúng nó tàn sát lẫn nhau.

Chúng ta không giết người, vì không có gươm giáo, súng đạn, nhưng vì thiếu chân thành, chỉ cần một chữ ký, một quyết định, một bài báo, một bản tin, một tờ rơi, một cái búng tay ra mật lệnh, một cú phone, một cái enter.. dễ chưa từng có… Người anh em ta sẽ chết ngay dưới lưỡi gươm công luận, dưới búa rìu comments phê phán, dưới họng súng truyền thông.

Cũng vậy, chúng ta không giết người, nhưng vì không tôn trọng con người là tuyệt phẩm của Thiên Chúa, nên chỉ cần một viên thuốc, một lời kích động, một phút tư vấn (về sức khỏe, về sắc đẹp, về hạnh phúc) là có hằng trăm con người đỏ hon hỏn phải tức tưởi tắt thở lúc chưa kịp sinh ra. Những can phạm, không ai khác, chính những người thân thiết nhất của con người: cha giết con, chồng giết vợ, mẹ giết con, vợ giết chồng, chủ giết tớ, cấp quan cấp trên có quyền hành giết cấp dân đen cấp dưới không phương tiện chống cự, không tiếng nói…

Giữ tâm hồn trong sạch, xứng đáng là đền thờ Chúa Thánh Thần

Điều răn thứ sáu dạy: “Chớ dâm dục”, và điều răn thứ 9 dạy: “chớ ngoại tình”. Chúa Giêsu dạy tích cực hơn: Giữ tâm hồn trong sạch, cả cho mình lẫn cho người.

Không đợi đến lúc vỡ lở, không đợi phải bắt quả tang những chuyện tình vụng trộm thì tội mới thành danh tội “dâm dục” hay “ngoại tình”, nhưng ngay khi nhìn người phụ nữ mà thèm muốn làm chuyện xác thịt mây mưa thì, theo Chúa Giêsu,  đã thành tội rồi.

Chúa Giêsu rất có lý, vì nếu không giữ cho tâm hồn trong sạch, không kềm chế những ước muốn thấp hèn, thì sớm muộn, con người ta cũng không tránh khỏi cái vòng tục lụy kia nó cuốn vào chỗ phạm tội làm mất đi nhân phẩm cao quí là con cái của Thiên Chúa, là Đền Thờ Chúa Thánh Thần.

Trước đây, người phụ nữ Á Đông rất kín đáo, rất đoan trang… Tại sao chỉ sau ba bốn chục năm, các thiếu nữ bây giờ không còn đoan trang như trước nữa? Có người cho là hội nhập văn hóa Tây Phương. Có người cho là đó là nét đẹp của Thượng Đế cần phải phô trương. Có người còn cho là không có gì là tội lỗi. Nhưng cũng có câu trả lời rằng:  kẻ chống Chúa Giêsu biết cách làm cho người ta không giữ lời Chúa Giêsu dạy! Như vậy là đỗ thừa cho hoàn cảnh xã hội sao? Không, thiết tưởng, người phụ nữ không còn kín đáo nữa là do họ không những không còn quí trọng đức trinh khiết của mình và của người khác, mà còn thích thú làm cớ cho mình và người khác vấp phạm.

Cách đây 8 năm, tôi lên Sàigòn, ghé thăm anh bạn bán thuốc tây trước BV Bình Dân. Vừa nói chuyện vừa xem anh bán thuốc. Tôi thắc mắc không biết các em học sinh mang bảng tên lớp 10, lớp 11 vào mua thuốc gì mà anh bạn tôi lấy tiền rồi trao cho các em cái gì đó đựng trong túi xốp đen, đi ra. Chỉ ngồi chơi một tiếng mà có ít là 6 học sinh vào mua hàng rồi ra như vậy. Thấy tôi ngẩn ngơ, không đợi tôi lên tiếng hỏi, anh bạn tôi nói: “Mình không bán thì mấy tiệm kia cũng bán cho chúng nó thôi. Bạn lấy làm lạ phải không?” “Vâng, mình chẳng hiểu gì cả”. “Chúng nó mua que thử thai đấy. Học sinh bây giờ lớp 9 lớp 10, tụi nó thử cả rồi! Có trời mới biết chúng nó ngoan như thế nào. Khổ nỗi, cha mẹ thì chỉ biết “Con tôi nó học ngày học đêm! Tội nghiệp quá!” ….

Ấy là chuyện con nít. Còn chuyện người lớn thì  “không chỉ nhìn phụ nữ, phụ nam cách thèm thuồng, mà còn đưa phụ nữ về nhà mình, hoặc đưa người tình nam về nhà mình sống chung bất hợp pháp thì còn gì để nói”. Cuộc sống không công chính vì lỗi đức trong sạch của người lớn ở bậc độc thân suốt đời, cũng như của người sống bậc hôn nhân đã làm niềm tin và lòng yêu mến của bậc bề dưới, của con cái chết dần chết mòn rồi đến giai đoạn tử vong không cứu kịp.

Giá trị hôn nhân công giáo hệ tại ở tính đơn hôn và vĩnh hôn. Vì vậy, những lạc thú ngoài hôn nhân làm mất giá trị đời sống công chính của hôn nhân công giáo. Biết thế, âm mưu của người chống lại Thiên Chúa là những chủ trương thành văn hoặc bất thành văn về việc tự do quan hệ, khuyến khích phá thai, còn tạo điều kiện tốt cho những cuộc ly hôn ly dị có pháp luật bảo đảm.

Từ đó, thế hệ những đứa con vất vưởng do những cuộc ly hôn, hoặc của những đứa con vô thừa nhận làm thay đổi cách nhìn truyền thống và giá trị của chữ Hiếu. Thế hệ trẻ của những con người nầy không còn yêu thương, kính trọng cha mẹ mình, vì cha mẹ đã không chu toàn đức công chính. “Tết em muốn về với Mẹ, mà không biết phải nói gì với chồng của Mẹ. Tết, em muốn về với Ba, cũng không biết phải nói sao với vợ của Ba”. Hoặc là, đã để lại cho chúng một dấu ấn không đẹp về cách hành xử của người lớn khi chúng không biết ba chúng nó là ai. Có trường hợp đáng tiếc, khi lớn lên nó biết ba của nó là một ông lớn trong xã hội. Thiên Chúa mà ông lớn không nhìn nhận thì huống chi là con ông.

Chúa Giêsu thật chí lý khi dặn dò chúng ta giữ tâm hồn thanh sạch. Nếu đức trong sạch được trân quí nơi ý thức của mỗi cá nhân, nơi giáo dục của mỗi gia đình, nơi chủ trương của xã hội thì ắt hẳn sẽ có một xã hội đầy nhân tính, xứng nhân phẩm, trọn vẹn nhân ái đúng nghĩa mà Thiên Chúa muốn.

Ngay chính thật thà

Chúa Giêsu còn dạy thêm về sự ngay chính thật thà: "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra”(Mt 5,37)

Lòng ngay chính thật thà có thể nói sẽ hỗ trợ tốt cho việc chu toàn luật yêu thương, tôn trọng tha nhân.  Và yêu thương chân thành sẽ là nền tảng vững chắc ngăn chận mọi âm mưu gian tà của những lạc thú xác thịt, của những âm mưu chia rẻ, âm mưu gây hận thù, oán trách.

Con người thời nay vẫn đồng hóa tình yêu với tính dục và cho là đó là tình yêu chân thành, mà không ngộ ra rằng đó là sự xúc phạm nặng nề đến nhân phẩm của người mình yêu. Những người yêu nhau một cách xác thịt, không tin là họ đang lừa dối nhau, và mãi sống trong sự nhầm lẫn đáng tiếc vì ai cũng đang yêu chính mình.

Người công giáo phải được giáo dục tốt từ trong gia đình về đức tính thật thà. Vì nếu nơi Thiên Chúa không có gì là gian dối, thì Ngài cũng không thể chấp nhận con cái Ngài sống cách gian tà, quỷ quyệt. Cũng vậy Thiên Chúa tôn trọng sự thật, bênh vực công lý, trung tín lời hứa, và cũng muốn con cái Ngài như vậy.

Con rắn ngày xưa phỉnh gạt bà Eva ăn trái cấm. Con rắn ngày nay còn quỷ quyệt tinh xảo hơn: không cần phỉnh gạt ai cả, nhưng mở đường gian tà thênh thang cho con người đi lên tới đỉnh danh vọng, tới đích tỷ phú, tới hạnh phúc trần gian thừa mứa chán chê! Ai không đi theo đường của nó, thì nó nhẹ nhàng quyến rủ mời mọc lịch sự chưa từng có! Ai đã theo con đường của nó, tự động sẽ phát sinh những chuyện gian tà, gây nên những hỗn độn: chê bai chỉ trích điều công chính lẫn điều không công chính, làm cho không ai phân biệt được phải trái nữa. Cái nào cũng phải. Cái nào cũng trái. Lúc ấy, nó sẽ đắc thắng.

Chuyện không đáng kể, mà cũng phải kể. Đó là chuyện có vài người không đáng kể, thích thêm mắm muối ớt tỏi làm lệch lạc sự thật đáng quí, ảnh hưởng tới một số người đáng kể. Trong khi đó, đức công chính Chúa Giêsu dạy là "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra”(Mt 5, 37)

Có anh bạn từ rất xa, phone cho tôi thăm hỏi: “Lâu nay làm gì mà vắng bóng thế?” Tôi trả lời “Vẫn thế thôi mà”. Anh hỏi tiếp: “Bệnh hay là định gác bút rồi?” “Không, vẫn bình thường mà?”- “Mình chả thấy bài ông đâu cả?” “Có mà. Ông đọc trang nào?”  “Mình chỉ đọc độc một trang “Nhân Viên Công Lực” thôi ! Chửi nghe sướng!”.  “Ồ, thế thì làm sao được! Phải đọc dăm bảy trang mới khách quan ra được chứ!”. Anh bạn tôi cúp máy!

Lạy Chúa, Lời Chúa  hôm nay mời gọi mọi chúng con dùng tự do Chúa ban mà đi vào đường lối của Chúa là yêu thương và tôn trọng nhau. Và khi đã yêu thương tôn trọng nhau xin cho chúng con không giận ghét mắng chửi nhau, mà còn giữ cho nhau tâm hồn trong sạch cao quí xứng đáng là đền thờ Chúa Thánh Thần ngự trị. Xin giúp chúng con tránh xa lối gian tà, nhờ tuân hành lề luật của Chúa Giêsu, Đấng là Đường, Là Sự Thật, và là Sự Sống của chúng con. Amen.


12. Anh em phải công chính hơn các kinh sư

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện)

Trích từ bài giảng trên núi trong Mt, bài Tin Mừng hôm nay (5,17-37) nói về những cách hành xử cần phải có của người đồ đệ Đức Giêsu đối với người thân cận. Nhưng trước hết là lời khẳng định rằng chính Đức Giêsu là Đấng đến nói cho chúng ta biết ý muốn đích thực của Thiên Chúa: Người đến để kiện toàn Sách Thánh.

1. “Thầy đến để kiện toàn Luật Môsê và lời các ngôn sứ” (cc.17-20)

Những người hiểu biết sự lớn lao của các lời hứa và niềm mong chờ Đấng Mêsia sẽ có thể phải cảm thấy rất hụt hẫng trước chân trời mà Đức Giêsu mang đến. Người ta trông chờ phúc lạc và cơ nghiệp đã được hứa ban, nhưng Người lại tuyên phúc cho những người nghèo khó, sầu buồn, khóc lóc, đói khát và bị bách hại. Vì thế, Đức Giêsu muốn tránh sự hiểu lầm và sự thất vọng cho các đồ đệ của Người khi họ đi theo Người. Chính trong bầu khí và ý hướng như thế mà Người tuyên bố một cách rõ ràng: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (cc.17-18).

Động từ “kataluô” có nghĩa là “phá đổ” (một công trình xây dựng chẳng hạn), chứ không có nghĩa là bãi bỏ một luật. Trong Mt, động từ này luôn được dùng cho đền thờ (x. 24,2; 26,61; 27,40).  “Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ” là cách thức người Do Thái gọi bộ Kinh Thánh của họ, tức là bộ Cựu Ước theo quan điểm Kitô giáo. Động từ “kiện toàn” (pleroô) liên tục được Mt sử dụng để chỉ sự thực hiện các sấm ngôn (x. 1,22; 2,15.17.23; 4,14; 8,17…). Vì thế, cách nói “kiện toàn lời các ngôn sứ” ở đây là dễ hiểu. Nhưng không chỉ lời các ngôn sứ được kiện toàn, mà cả “Luật Môsê” nữa, tức là những gì do Môsê viết. Thật ra, vẫn tồn tại một cách hiểu, theo đó, Đấng Mêsia sẽ thực hiện cuộc xuất hành chung cục mà cuộc xuất hành do Môsê lãnh đạo khi xưa chỉ là hình ảnh báo trước. Trong thực tế, Mt vẫn hiểu Lề Luật và các ngôn sứ là sấm ngôn về Đấng Mêsia. Sứ mạng của Chúa Giêsu là một sứ mạng tích cực, chứ không phải một sứ mạng tiêu cực. Người là điểm đến của tất cả Cựu Ước, và toàn thể Cựu Ước tìm được sự kiện toàn nơi Người và nhờ Người.

Vậy Đức Giêsu khẳng định rằng Người không đến để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện trong Sách Thánh. Người thực hiện và đưa đến mức độ viên mãn trọn vẹn những gì Thiên Chúa hứa trong Sách Thánh. Và Người quả quyết rằng dẫu “một chấm một phết” (dịch sát là “một chữ i hoặc một cái sừng”, tức là chữ yod, mẫu tự nhỏ nhất trong bảng chữ cái Hípri) cũng sẽ không mất hiệu lực. Nói cách khác, ngay cả những chi tiết nhỏ nhất trong chương trình của Thiên Chúa được mạc khải trong Sách Thánh cũng sẽ vẫn giữ nguyên hiệu lực “cho đến khi mọi sự được hoàn thành”.

“Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (c.19). Cách nói “sẽ được gọi là nhỏ / lớn trong Nước Trời” không có ý nói về một phẩm trật thứ hạng trong Nước Trời, nhưng là một cách nói của người Do Thái để diễn tả sự bị loại ra hay được thuộc về Nước Trời.

“Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (c.20). Dịch sát sẽ là: “…nếu sự công chính của anh em không vượt hơn các kinh sư…”. Vấn đề không phải chỉ là sự công chính theo nghĩa luân lý, đạo đức. Trước hết, đó là sự công chính do tin vào Đức Giêsu, Đấng kiện toàn tất cả Sách Thánh, sau đó mới là chuyện luân lý. Vậy sự công chính của các đồ đệ sẽ siêu vượt hơn hẳn sự công chính của các kinh sư, là vì nó được gắn vào và tùy thuộc vào Đấng làm cho mọi sự nên thành toàn, chứ không phải chỉ vì đời sống luân lý của các đồ đệ siêu vượt hẳn so với các kinh sư. Các kinh sư, ở mức độ cao nhất, chỉ có thể gắn sự công chính của mình trên nền tảng các lời hứa của Thiên Chúa trong Sách Thánh; nhưng chính Chúa Giêsu mới là Đấng kiện toàn các lời hứa ấy. Vì thế, có thể nói: ở câu 20 này, Chúa Giêsu đòi hỏi các đồ đệ của Người phải gắn bó thiết thân với Người và đặt sự công chính của mình trên nền tảng là chính Người, thay vì chỉ hài lòng với sự công chính theo kiểu các kinh sư, tức là sự công chính dựa vào việc tuân giữ Luật Môsê.

Như thế, một đàng Chúa Giêsu quả quyết rằng Người không hủy bỏ “Luật Môsê và các lời ngôn sứ”, nhưng đàng khác, Người cho thấy sự hơn hẳn của Người so với các thực tại thuộc nhiệm cục cũ mà không hề làm đứt đoạn sự tiếp nối sâu xa từ Cựu Ước sang Tân Ước.

2. Giáo huấn về đức công chính mới

Đức Giêsu bắt đầu giáo huấn của Người về sự công chính hơn hẳn của người môn đệ bằng cách tập trung chú ý vào ba đề tài quan trọng: tránh xung đột với tha nhân; thủy chung; và sống trong sự thật. Đây không phải là một bài trình bày cặn kẽ và đầy đủ về các đề tài, mà chỉ là phần nêu lên những luận điểm chính yếu được hiểu như để làm mẫu mà thôi.

a. Hãy đi làm hòa trước đã (cc.21-26)

Đức Giêsu nói: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (cc.21-26).

Đức Giêsu đặt điều răn không được giết người trong một quan điểm khác với “Luật dạy người xưa”. Sẽ là chưa đủ nếu chỉ tránh hành động bề ngoài. Thái độ độc ác bên trong và sự giận dữ cay nghiệt đối với người anh em, cũng đã là những cách hành xử đáng bị kết án rồi. Các cách hành xử ấy được trình bày theo hướng ngày càng gia trọng, cả về tội phạm lẫn về hình phạt.

Sau đó, Chúa Giêsu chuyển sang trình bày khía cạnh tích cực trong thái độ của các đồ đệ, những người có nhiệm vụ tác tạo hòa bình. Cần phải hết sức duy trì và bảo vệ sự hiệp nhất thuận hòa, chứ không chỉ là tránh xung đột. Chính thái độ sống tích cực đó quyết định giá trị của việc thờ phượng. Cách nói “hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ” không nên được hiểu sát mặt chữ, mà cần phải được hiểu là một kiểu nói diễn tả ý muốn hòa giải và tha thứ ngay trong lòng. Sẽ là hoàn toàn vô ích việc đến gần Thiên Chúa đang khi vẫn còn hiện hữu trong sự chia rẽ, bất hòa.

b. Hãy thủy chung (cc.27-32)

Đức Giêsu nói tiếp: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục” (cc.27-30).

Luật cấm hành vi bên ngoài, sự ngoại tình. Đức Giêsu đòi hỏi một trái tim tinh sạch, một sự thuần khiết ngay từ trong lòng. Ngoại tình là bất chính, nhưng ngay cả sự thèm muốn bất chính cũng đã là ngoại tình rồi. Nói cách khác, quyền lực cuối cùng thúc đẩy và quyết định trong lãnh vực tính dục nói riêng và trong tương quan với phụ nữ nói chung, không được là những sức mạnh tự nhiên và bản năng bột phát của những thèm khát và khoái lạc tính dục.

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thuần khiết ngay từ trong lòng, Chúa Giêsu đưa ra lời khuyến nghị thà móc mắt phải và chặt tay phải còn hơn là “toàn thân bị ném vào hỏa ngục”. Tất nhiên sẽ là quá ngô nghê và không chính xác nếu chúng ta hiểu các lời khuyến nghị này theo sát mặt chữ. Điều quan trọng là chúng ta không được phó mặc các quan năng của mình cho bản năng thấp hèn, nhưng phải biết làm chủ chúng một cách có trách nhiệm. “Con mắt” biểu tượng cho ước muốn; “bàn tay” biểu tượng cho hành động. Cần phải loại bỏ tất cả những ước muốn xấu xa ngược với sự tinh sạch trong lòng.

Không chỉ tôn trọng vợ người khác, mà còn phải cư xử đúng đắn với vợ mình và tôn trọng sự hiệp thông trong tình yêu và sự sống với vợ của chính mình. Đức Giêsu nói: “Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (cc.31-32). Sự hiệp thông sự sống và tình yêu giữa hai vợ chồng là thực tại thiện hảo bất khả chuyển nhượng. Nguồi ta phải ra sức bảo vệ và vun đắp cho sự hiệp thông đó.

c. Hãy sống trong sự thật (cc.33-37)

Đề tài thứ ba trong vấn đề tương quan với người thân cận mà Chúa Giêsu ban lời giáo huấn là đề tài liên quan đến sự thật. Đức Giêsu nói: "Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (cc.33-37).

Sở dĩ có chuyện thề thốt trong xã hội, là vì có sự thiếu chân thành giữa người với người. Sự thề thốt, tự nó, đã là một bằng chứng rõ ràng của sự trục trặc trong tương quan giữa người với người. Các kinh sư và các người Pharisêu phận biệt hai loại thề: thề nhân danh Đức Chúa và lấy sự vật mà thề. Họ cho rằng loại thứ nhất có tính ràng buộc, còn loại thứ hai thì không, tức là người ta có thể rút lại lời thề.

Trong Nước Thiên Chúa, sự chân thật là quy luật sống và “phúc thay ai tinh sạch trong lòng”. Vì thế, sự thề thốt hoàn toàn không còn giá trị. Và Đức Giêsu dạy: “Đừng thề chi cả”.

Thực ra, cc.33-37 không nhắm nói trước hết đến chuyện thề thốt, mà là muốn nói về sự nhất mực liêm khiết của người đồ đệ: “Hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác thần” (c.37).


13. Thứ bậc các giá trị theo Đức Giêsu.

(Chú giải của Lm FX. Vũ Phan Long)

1.- Ngữ cảnh

Chúng ta đang ở trong Bài Giảng trên núi (Bài diễn từ thứ nhất của Tin Mừng Mt). Hôm nay, chúng ta đi vào Phân đoạn chính, có thể gọi bằng nhan đề “Sự công chính của Nước Trời hay là Sống như con cái của Chúa Cha” (5,17–7,12). Riêng bản văn được đọc hôm nay (5,17-37) thuộc về phần đầu của phân đoạn này, mộtphân đoạn được các nhà chú giải mệnh danh là “Đức công chính dồi dào” (5,20-48). Bản văn nói đến bốn cặp đối nghĩa ( trong số sáu cặp đối nghĩa: 5,20-48).

Phần này như đang ngầm trả lời một số câu hỏi: Những việc tốt nào phải rạng sáng lên nơi các môn đệ Đức Giêsu? Qua những việc tốt lành này, cách thức hiện hữu nào của Cha trên trời được người ta biết đến?

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:

1) Đức Giêsu mạc khải ý muốn của Thiên Chúa (5,17-20);

2) Đức Giêsu dạy về cách cư xử với người thân cận (5,21-48)

a) Các hành động trực tiếp làm cho người thân cận (5,21-37):

- các xung đột với người thân cận (5,21-26),

- cách cư xử đối với phụ nữ (5,27-32),

- tương quan với sự thật (5,33-37),

b) Các phản ứng trước cách cư xử của người khác (5,38-48).

Bản văn dùng trong Phụng vụ hôm nay không đọc đoạn 2.b).

3.- Vài điểm chú giải

- Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ (17): Đây là cách người Do Thái gọi bộ Kinh Thánh của họ (tức Cựu Ước theo quan điểm Kitô giáo). Xem 7,12; 11,13; 22,40.

- kiện toàn (17): Khi nói về mộtlời nói hay mộtlời loan báo, plêroô có nghĩa là “hiện tại hóa”; khi nói về mộtlệnh truyền, plêroô có nghĩa là “thi hành”. Mt dùng động từ này (plêroô / plêrôsai) 16 lần, mà có 12 lần là để đưa vào các câu trích Kinh Thánh. Các đoạn văn Kinh Thánh ấy được coi như được hiện tại hóa trong biến cố Giêsu, vì biến cố này vén mở cho thấy mộtý nghĩa mới của bản văn. Đức Giêsu khẳng định rằng Người hoàn tất Kinh Thánh, có nghĩa là Người đưa Kinh Thánh dến chỗ hoàn chỉnh, đạt ý nghĩa trọn vẹn. Người thực hiện Kinh Thánh không phải bằng cách “thi hành” những khoản luật sát mặt chữ, nhưng bằng cách vượt quá Kinh Thánh, đưa lại cho Kinh Thánh mộtý nghĩa mới (x. cc. 20-48). Như thế, câu 17 khẳng định có sự tiếp nối sâu xa từ Cựu Ước sang Tân Ước, đồng thời cho thấy Tân Ước vượt quá những giới hạn và những bất toàn của Cựu Ước.

- một chấm một phết (18): dịch sát là “không mộtchữ i hoặc mộtcái sừng”, tức là con chữ yod trong bảng chữ cái Híp-ri. Đây là con chữ nhỏ nhất.

- ai bỏ … ai dạy … ai tuân hành (19): Câu này khiến ta có thể giả thiết là trong Hội Thánh sơ khai có nhiều khuynh hướng hoặc phong trào thiêng liêng liên hệ đến việc tuân giữ Luật mới.

- không ăn ở công chính hơn các kinh sư (20): dịch sát là “sự công chính của anh em không dồi dào/vượt (perisseuein) hơn (pleion, “more”) các kinh sư.

- ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp (32): “ngoại trừ trường hợp porneia” (x. 19,9). Có hai cách giải thích từ porneia này: (1) Đây là những nố hôn nhân bất hợp pháp, chẳng hạn do họ máu, mà Luật Môsê cấm (Lv 18,6-18). Các kinh sư gọi các hôn nhân này là zơnouth, Bản LXX dịch là porneia. Bởi vì các hôn nhân loại này không thành pháp, nên hai người phối ngẫu phải rời xa nhau. Đây là cách giải thích của giới Công giáo. Nhưng có những tác giả cho rằng có thể áp dụng nghĩa ấy cho Cv 15,20, chứ ở trong Mt thì không có gì chắc chắn cả. (2) Hiểu porneia theo nghĩa thông thường là sự hư đốn về tính dục, tức ngoại tình (moikeia). Đây là cách giải thích của Tin Lành và Chính Thống, và mộtsố tác giả Công giáo.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Đức Giêsu mạc khải ý muốn của Thiên Chúa (17-20)

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa cho biết ý muốn của Ngài qua Luật và các ngôn sứ: những gì chính Ngài muốn thực hiện (sấm ngôn và lời hứa: x. 11,13) và những gì loài người phải làm (Luật). Đức Giêsu tuyên bố rằng ý nghĩa của việc Người ngự đến, của tư cách của Người là Đấng được Thiên Chúa cử đến, là đưa Luật và các ngôn sứ, mạc khải về ý muốn của Thiên Chúa, đến chỗ hoàn tất. Không có gì trong Luật và các ngôn sứ lại bị triệt tiêu và loại bỏ, mà cũng chẳng phải chỉ được xác nhận trong hình thức cũ. Đức Giêsu đưa đến sự hoàn tất; nơi Người, Thiên Chúa thực hiện lời Ngài đã hứa (x. 1 ,22t; 2,15…). Như thế, Đức Giêsu chính là Nhà Lâp pháp đích thật mà Thiên Chúa đã cử đến cho loài người mọi thời; so với Người, Môsê chỉ là người tiền hô thôi. Qua Người, Thiên Chúa cho thấy cách vĩnh viễn họ phải sống như thế nào. Lề Luật chưa được kiện toàn không phải vì nó không diễn tả ý muốn của Thiên Chúa, nhưng vì diễn tả cách bất toàn hoặc cách không thích đáng.

Điều Ngài đã yêu cầu qua Luật và các ngôn sứ được gom lại thành điều này: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (7,12), và có thể được tóm lại trong điều răn yêu mên Thiên Chúa và yêu thương người thân cận (22,37-40). Đức Giêsu nêu bật rằng, trước mọi sự, Thiên Chúa muốn lòng từ bi thương xót (9,13; 12,7). Với các “cặp đối nghĩa” (5,21-48), câu “Còn Thầy, Thầy bảo anh em” được nhắc lại 6 lần (5,22.28.32.34.39.41), qua đó Đức Giêsu nói với uy quyền của Thiên Chúa, để giải thích đâu là lối cư xử phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Ngài muốn họ phải sống mộtsự công chính “dồi dào” hơn các kinh sư và người Pharisêu (5,20).

Vì Đức Giêsu là Đấng truyền đạt vĩnh viễn ý muốn của Chúa Cha, ta không thể không cần đến Người. Cuộc sống cá nhân phải hình thành từ các giáo huấn của Người. Ta thuộc về Nước Trời hay không là tùy ta tuân giữ sự công chính Người đã dạy hay không.

* Đức Giêsu dạy về cách cư xử với người thân cận (21-37)

Trong các giáo huấn, Đức Giêsu quan tâm đặc biệt tới ba đề tài: các xung đột với người thân cận, cách cư xử đối với phụ nữ, tương quan với sự thật. Cứ mỗi lần, Người lại đặt giáo huấn của Người đối lập với giáo huấn của Cựu Ước. Các luận điểm Người đưa ra phải được hiểu như làm mẫu, chứ không phải là những trình bày rốt ráo về các đề tài.

Đoạn 5,21-26 liên hệ đến việc thắng vượt các xung đột. Chỉ đến c. 26, ta mới biết đây là thứ xung đột gì: mộtchủ nợ không kiên nhẫn được nữa, đã muốn đưa con nợ ra tòa để ép người ấy trả nợ. Loại xung đột này là điển hình cho mọi thứ căng thẳng và cho các lối xử sự phát xuất từ đó. Theo cách triệt để nhất, người ta giải quyết mộtxung đột bằng cách loại trừ người kia. Cựu Ước đã kết án cách xử sự này bằng lệnh cấm: “Không được giết người”. Cách giải quyết xung đột kiểu này là sai; để chứng tỏ như thế, luật pháp đã quy định hình phạt xử tử. Nhưng có những hình thức xử sự khác khi có xung đột: nổi giận, thù hằn sâu sắc và sỉ nhục, tấn công hay đả thương bằng lời nói. Đức Giêsu kết án cả các kiểu cư xử này. Phải tránh không những hành vi xấu xa, mà cả sự xấu xa trong tim và những lời nói xấu xa. Đừng để xung đột đẩy tình yêu ra khỏi con tim, đầu độc con tim, hoặc đưa đến chỗ đầu độc cộng đoàn bằng những lời độc địa. Đức Giêsu nhắc đến các tòa án để cảnh giác; Người nhắc theo thứ tự tăng dần: từ tòa án địa phương, đến tòa án cao nhất ở trần gian (Thượng Hội Đồng), và cuối cùng là tòa án của Thiên Chúa. Ở đây Đức Giêsu không hề muốn công bố mộtquy định pháp lý phải theo sát mặt chữ: trong trường hợp nổi giận thì phải theo cách này mà tính; trong trường hợp chửi bới thì phải theo cách kia… Người muốn nói rằng sự thiếu sót đối với người thân cận và giải pháp sai lầm người ta lấy trong các xung đột không chỉ bắt đầu với việc giết người, nhưng bắt đầu trước đó. Người muốn nói người ta phải ra sức tránh không những hành vi xấu xa, mà cả trái tim xấu xa và lời nói xấu xa. Người cũng muốn nói rằng các xung đột và căng thẳng không làm suy yếu tình yêu đối với người thân cận ở bất cứ mức độ nào và bất cứ cách nào.

Phải chứng tỏ tình yêu này không những trong việc ngăn cản sự dữ, mà còn trong việc tích cực tìm hòa giải. Người vừa nói đến việc tránh để cho các xung đột kịch phát. Bây giờ bằng các ví dụ (5,23-25), Đức Giêsu trình bày hình thức tích cực nên theo để vượt qua các xung độ, đó là sự hòa giải, và Người nêu bật ý nghĩa của việc hòa giải. Để hòa giải, Người nói thậm chí phải ngưng dâng lễ vật, điều này cho thấy tầm quan trọng, tính ưu tiên của việc hòa giải. Nếu người ta phải nhắm hòa giải cho được trong khi đi đường tiến về tòa án, điều này cho thấy hòa giải là chuyện cấp bách và cần thiết, và bõ công để người ta ra sức đạt cho được. Tiến trình mà Đức Giêsu đề nghị để thắng vượt các xung đột là tiến trình của tình yêu và hòa giải. Dĩ nhiên, để hòa giải được, cần phải có hai hoặc nhiều người, và không phải chỉ cần mộtbên đồng ý là được: nó giả thiết có sự sẵn sàng của cả bên kia. Mỗi bên phải ra sức làm tối đa để đạt được sự hòa giải. Phần nói về đức công chính mới chính là mộttiếng gọi duy nhất thúc bách người ta đi tới hòa giải và tình bằng hữu với người thân cận.

Đoạn văn tiếp theo nói đến cách cư xử đối với phụ nữ, đối với vợ người khác (cc. 27-30) và với vợ của mình (cc. 31-32). Quyền lực chung quyết trong lãnh vực này không thể nào lại là những sức mạnh tự nhiên và bộc phát của ham muốn và khoái lạc tính dục. Cựu Ước đã đặt ra mộtgiới hạn rõ ràng cho các sức mạnh này, khi cấm ngoại tình. Theo Lv 20,10, tội ngoại tình sẽ bị xử tử. Cùng với sự sống của người thân cận, người ta cũng phải tôn trọng vô điều kiện sự hiệp thông sự sống người đó có với vợ họ. Và cũng như đối với sự sống của người thân cận, ở đây Đức Giêsu cũng đặt mộtgiới hạn thật ra đã có từ trước và yêu cầu mộtsự tôn trọng sâu xa hơn nữa. Sự tôn trọng này phải có không những trong hành động mà cả trong ước muốn. Đức Giêsu cũng đang xác định mộtthứ bậc rõ ràng các giá trị. Nếu trước đây, Người đã nói rõ là sự giận dữ, chua cay, lời nói thâm độc… phải luôn luôn nhường bước cho sự hòa giải và hiệp thông huynh đệ với người thân cận, thì bây giờ Người tuyên bố rằng không những thú vui tính dục, mà cả các ước muốn tính dục cũng cần được chế ngự, nghĩa là vùng hiệp thông sự sống của người khác không được vi phạm bất cứ cách nào.

Lời khuyến khích thà móc mắt phải và chặt tay phải cho thấy giá trị này quan trọng đến đâu. Dĩ nhiên, không được hiểu các lời này sát mặt chữ: bởi vì không phải là con mắt phạm tội, nhưng là con người với ý ngông và ý chí của mình! Đức Giêsu muốn nói rằng chúng ta không được bỏ mặc các giác quan của chúng ta cho chúng, nhưng phải hướng dẫn cách sử dụng chúng cho có trách nhiệm. Người cho thấy rằng bảo vệ được các giá trị ấy không phải là chuyện dễ, có khi phải chấp nhận những can thiệp sâu xa và từ bỏ đau đớn. Nhưng điều này rất quan trọng: chỉ khi ta tôn trọng sự hiệp thông sự sống của người khác, Thiên Chúa mới nhìn nhận chúng ta trong ngày phán xét.

Liên hệ đến cách cư xử với vợ người khác và tôn trọng sự hiệp thông sự sống của người khác, có việc cư xử đối với vợ của chính mình và đối với sự hiệp thông sự sống với vợ mình. Trong Cựu Ước, có quy định là người ta có thể ly dị vợ, nhưng phải có chứng thư ly dị, để chứng tỏ rằng người phụ nữ đã có mộttư cách dân sự mới, không còn là người kết hôn nữa. Ở đây Đức Giêsu cũng xác định một thứ bậc mới cho các giá trị. Sự hiệp thông sự sống với vợ mình là mộtđiều thiện hảo không thể chuyển nhượng; người chồng phải bảo vệ, duy trì và vun đắp sự hiệp thông ấy. Người chồng không được rẫy vợ mình: tương ứng với sự tôn trọng tuyệt đối sự hiệp thông sự sống của người khác là sự bảo vể tuyệt đối sự hiệp thông sự sống với vợ mình. Dưới ánh sáng của lệnh cấm rõ ràng không được ly dị do Đức Giêsu công bố theo Mc 10,11t; Lc 16,18; 1 Cr 7,10t, câu thêm “ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp” không thể hiểu là mộtngoại lệ. Đức Giêsu không muốn nói: anh em không được rẫy vợ anh em trong bất cứ trường hợp nào, ngoại trừ trong trường hợp ngoại tình. Chữ “hôn nhân bất hợp pháp” ở đây rất có thể có nghĩa là những dây hôn bất hợp pháp do mộtquan hệ họ hàng rất gần (Lv 18,6-18; x. Cv 15,29; 1 Cr 5,1). Giải gỡ những dây liên kết này không phải là vi phạm lệnh cấm ly dị.

Đề tài thứ ba liên hệ đến sự thật (5,33-37). Trong lãnh vực này, vấn đề phát sinh do sự kiện là mỗi người lệ thuộc những khẳng định của người thân cận, và đồng thời, chúng ta là những con người, chúng ta không trong suốt với nhau. Cá nhân không thể tự mình biết tất cả những gì là quan trọng đối với mình hoặc biết bằng sức riêng của mình; người ấy lệ thuộc những khẳng định và lời hứa của người thân cận. Tuy nhiên những khẳng định này có thể không tương hợp với các sự kiện và khác nhau trong vô vàn sắc thái. Lời nói và mọi hình thái truyền thông có thể được sử dụng không những để truyền tải sự thật, mà còn để lừa dối. Sự thiệt hại cho người thân cận do những lời dối trá, lừa đảo và không giữ lời hứa là không thể tiên liệu và trầm trọng. Để ngăn chặn được thiệt hại này, người ta thề. Nhưng bởi vì ở đây cũng lại có thể phát sinh vấn đề dối trá, mới có lệnh cấm nghiêm khắc không được thề gian. Qua việc thề, người ta muốn diễn tả là chính Thiên Chúa, là Đấng tuyệt đối chân thật và chắc chắn không lừa dối,c ó thể làm chứng cho sự thật của lời khẳng định của chúng ta hoặc sự khả tín của lời chúng ta hứa; do đó người ta có thể tín nhiệm. Đồng thời ai nại dến Thiên Chúa để làm chứng cách dối trá, thì bị phạt. Việc nại đến Thiên Chúa phải khiến người ta nói sự thật và điều này khiến ta có thể tin tưởng những ai lệ thuộc những khẳng định này.

Ngược lại, Đức Giêsu bảo “hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không"” (x. Gc 5,12) ; Người yêu cầu mộtdây liên kết vững bền và trực tiếp với sự thật, không cần nại đến bất cứ hình thái lời thề nào. Thiên Chúa không có việc gì mà phải đóng vai làm chứng và càng không đóng vai người hù dọa kẻ khác bằng hình phạt. Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối chân thật và tuyệt đối xứng đáng với niềm tin của ta, tỏ mình ra như là điển hình cho chúng ta (x. 5,48). Nơi chúng ta, không được có sự khác biệt giữa những gì đang có trong thâm tâm ta dưới dạng kiến thức, ý kiến, ý hướng… và những gì chúng ta tỏ ra bên ngoài. Như thế ta công nhận sự thật, và người thân cận tránh khỏi thiệt hại.

+ Kết luận

Bằng uy quyền đầy đủ của Người, Đức Giêsu không áp đặt những luật võ đoán, nhưng cho thấy mộtthứ bậc mới các giá trị. Mỗi khuynh hướng ích kỷ duới dạng hiềm khích hoặc không chấp nhận giao hòa, dạng các ước muốn tính dục, tìm kiếm lợi lộc cá nhân qua việc lừa dối, đều phải biến mất. Mỗi cung cách xử sự phải phục vụ tình huynh đệ với người thân cận, phục vự sự hiệp thông sự sống, quan tâm bảo vệ sự thật. Một cung cách xử sự như thế coi người thân cận là anh em và chị em và thật sự đưa họ về với Cha chung.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Đọc bản văn này, chúng ta nhận ra Đức Giêsu khẳng định tư cách tối cao của Người, Người là Thiên Chúa. Người có quyền trên “Luật dạy người xưa”, tức chính Cựu Ước, bởi vì Luật đó là bản văn Thiên Chúa dùng trung gian con người mà viết ra, còn Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời, trực tiếp đến dạy dỗ loài người. Chúng ta có thực sự sẵn sàng đón tiếp Người chăng?

2. Những gì Đức Giêsu đã nói không được hiểu như là mộtdanh mục đầy đủ các quy định, càng không phải là một luật phải theo sát mặt chữ. Chẳng hạn, Người chỉ nói đến cách cư xử của phái nam đối với phái nữ, chứ không nói đến cách cư xử của phái nữ đối với phái nam; điều này không có nghĩa là phái nữ không có thiếu sót gì trong lãnh vực này. Người không muốn nói rằng ta chỉ phải tránh những kiểu cư xử đã được nhắc đến minh nhiên. Người đã nêu đặc tính của mộtthái độ tổng quát, và ta phải dựa theo đó mà cư xử trong lãnh vực liên hệ.

3. Đức Giêsu đặc biệt giáo huấn về ba lãnh vực: các xung đột giữa anh em, cách cư xử với phụ nữ và tôn trọng sự thật. Chúng ta được mời gọi xét lại cách chúng ta sống dưới ánh sáng của ba giáo huấn này. Thiếu tôn trọng các nguyên tắc của ba lãnh vực này, con người vừa thiếu kính trọng đối với Thiên Chúa vừa thiếu kính trọng đối với anh chị em mình. Nếu chúng ta sống giáo huấn của Đức Giêsu, chúng ta giữ được “Luật và các ngôn sứ”, tức là giữ được nòng cốt giáo huấn của Kinh Thánh.

4. Đây là mộtđòi hỏi của Đức Giêsu với các môn đệ: Họ phải có mộtlối sống “dồi dào hơn” sự công chính của giới kinh sư và Pharisêu. Đây là mộtsự trổi vượt về “lượng”: các môn đệ phải “làm hơn”. Nhưng “hơn” đây là đi xa hơn trong việc tuân giữ cốt lõi của Luật (x. cc. 38-48: điều răn yêu thương). Đây cũng là một sự trổi vượt về “phẩm”: các môn đệ không hoàn tất Luật theo cách vị luật, nhưng bằng con tim (Mt 23,25-28; x. 5,27-28), như những người con của Cha trên trời (5,45-48).


14. Chú giải của Noel Quesson

Sau các mối Phúc thật, là phần dẫn nhập. Bài giảng trên núi được tiếp tục trong ba chương dài trong đó Matthêu trước hết tập họp sáu phần đề giữa Luật của Môsê (“Anh em đã nghe Luật dạy rằng”) và Luật mới của Đức Giêsu (Thầy bảo thật cho anh em biết...). Chúa nhật này, chúng ta, đọc bốn phân đề đầu tiên, đi trước bằng một soạn mở đầu đem lại định hướng tổng quát cho cả bài đọc.

Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ lề luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn.

Đức Giêsu không phải là một nhà cách mạng muốn thay đổi mọi sự như thế quá khứ đã không tồn tại, để bắt đầu lại từ con số không? Cũng không phải là một nhà bảo thủ không muốn thay đổi gì cả như thể mọi việc trong quá khứ luôn luôn hoàn hảo. Chúng ta chớ quên rằng Tin Mừng của Thánh Matthêu được gởi đến các cộng đoàn Kitô hữu, ở Pa-lét-tin và Ki-ri theo Kitô giáo từ đạo Do Thái. Những câu hỏi về các sự “tiến hóa" được trình bày với nhiều sự kịch liệt: có nên bảo vệ các tập tục cắt bì cho các em nhỏ không bởi vì giờ đây đã có phép rửa tội? Có nên tiếp tục tôn trọng ngày Sabát không? Có nên tiếp tục chỉ ăn thức ăn "theo đúng nghi lễ" không? Vấn đề tiến hóa, tiến bộ lịch sử ấy vẫn còn là một trong những vấn đề quan trọng nhất của mọi thời đại. Trong những thời kỳ lịch sử biến động, những cuộc xung đột giữa "cũ và mới", giữa "truyền thống" và "tiến bộ" trở nên quá khích. Và điều đó được đặt ra ở khắp nơi: trong Giáo Hội, trong thành phố, trong chính trị trong nghề nghiệp, trong gia đình. Đối với Đức Giêsu, không có vấn đề bãi bỏ quá khứ, cũng không có việc bảo tồn nguyên xi mà phải cho nó một sự sống mới, trong một thành tựu. Không phải vì truyền thống cổ xưa mà nó tốt. Không phải vì một ý tưởng mới mà nó tốt hơn: Đức Giêsu sẽ cho chúng ta sáu ví dụ trong phần nối tiếp của Bải giảng trên núi.

“Vì Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm, một phết trong Lề Luật cũng không thể đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế thì sẽ bị gọi là bé nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời”.

Theo Đức Giêsu, Kitô giáo đến để hoàn thành Do Thái giáo. Tân ước là một chồi ghép hoàn toàn mới được nuôi bằng nhựa của cây ô-liu cũ tức "Cựu ước", để làm cho cây sinh ra nhiều quả (Rm 11, 17-24). Vâng, Đức Giêsu là Đấng được loan báo và chuẩn bị, Đấng đến để kiện toàn Luật và lời các ngôn sứ nghĩa là toàn bộ Kinh Thánh, Abraham, Môsê, Đavít, Isaia, các Thánh vịnh, các Hiền nhân, toàn bộ lịch sử và tư tưởng của Israel sẽ trổ hoa và phát triển trong Đức Giêsu.

Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sê chẳng được vào Nước Trời.

Công thức này phát triển nguyên tắc tổng quát mà sáu phản đề mà Đức Giêsu sắp triển khai sẽ đem lại sự minh họa.

Sự công chính là một từ ngữ Kinh Thánh rất phong phú mà Matthêu ưa thích một cách rất đặc biệt (Mt 1,19; 3,15; 5,6.10-20; 6,1.33; 9,13; 10,41; 11,19; 12,37; 13,17.43.49; 20,4; 21,32; 23,28.29.35; 25,37.46; 27,19.24). Từ “công chính" này không chỉ có ý nghĩa hạn hẹp mà ngôn ngữ hiện đại cho nó: sự công bằng xã hội điều hành những tương quan giữa con người với nhau "sự công chính" theo nghĩa Kinh Thánh chủ yếu là "theo đúng điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành". Một người công chính là người hoàn toàn đồng ý, cộng sinh,liên minh, hòa hợp với Thiên Chúa, Đấng suy nghĩ và thiết lập vũ trụ và điều hành nó với sự thông minh kỳ diệu. Người công chính, bởi “sự tương ứng" của đời sống người ấy với ý muốn của Thiên Chúa, sẽ tham dự vào Thiên Chúa và đi đến hạnh phúc, nghĩa là đến "mục đích vì đó mà người ấy được sinh ra". Vả lại Đức Giêsu đề nghị một sự "công chính mới", một sự hoàn thiện con người mới. Đức Kitô nói phải vượt qua sự công chính... vậy của ai nào?

- Các kinh sư những nhà thần học của thời đại ấy, những nhà chú giải Kinh Thánh, những vị thầy có chục vị, những giáo trưởng dạy đạo một cách chính thức… Các người ‘Pharisêu’ (Biệt phái) những giáo dân dấn thân của thời đại ấy, liên kết với nhau trong một "phong trào" của những người nhiệt thành, cố gắng sống mọi yêu sách của đức tin thuần túy nhất không để thanh danh bị tổn hại.

Làm thế nào các môn đệ của Đức Giêsu, những con người nghèo khổ và đơn sơ, không học vấn lại có thể so sánh với những học giả và các chuyên viên nhiệt tình của Lề Luật?

Ba ví dụ đầu tiên về sự "trội hơn" mà Đức Giêsu đề nghị là hoàn toàn có ý nghĩa và chủ yếu cho cả đời người:

1) Bạo lực, những mối tương quan sức mạnh giữa con người.

2) Tính dục, những tương quan tình cảm và thể xác giữa đàn ông và đàn bà.

3) Chân lý, những tương quan lắng nghe và đối thoại trong sự truyền thông.

BẠO LỰC:

"Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: “Chớ giết người". Ai giết người thì đáng bị ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: “ ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì phải bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Vậy nếu khi anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã; rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho, quan tòa, quan tòa lại giao cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng..."

Đây là “môi trường" thứ nhất mà con người phải trội hơn; môi trường của những mối tương quan nhân loại có xung đột và gây gỗ. Đức Giêsu biết rõ lòng dạ con người, trước khi trở thành những hành động xấu thì thù hận, sự khinh khi, bản năng thống trị đã làm hư hỏng tâm hồn con người. Bạo lực không chỉ là quả bom của kẻ khủng bố làm cho bạn kinh hoàng... bạo lực đã ở trong lòng bạn, khi bạn tức giận trong lòng chống lại những người không suy nghĩ như bạn. Và Thiên Chúa bảo đảm:cho phẩm chất các mối quan hệ của bạn: bạn phải "hòa giải" với kẻ thù của mình trước khi cầu nguyện! đó là cái mới mẻ, cái triệt để của Tin mừng... trong tương quan với luật cũ.

TÍNH DỤC:

Anh em đã nghe Luật dạy rằng: "Chớ ngoại tình Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngọai tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi, vì thà mất mộ phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục... Luật còn dạy rằng: "Ai rẫy vợ thì phải cho họ chứng thư ly dị". Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường.hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại mình, và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình..”

Những quan hệ giữa "đàn ông" và “đàn bà" là "môi trường" thứ hai trong đó Đức Giêsu mời gọi chúng ta "trội hơn" Lề Luật. Trước tiên chúng ta hãy ghi nhận rằng lời của Đức Giêsu nói ra là theo "quan điểm" của đàn ông, bởi vì xã hội thời Người, là một xã hội của đàn ông. Rõ ràng ngày hôm nay phải đọc những lời ấy trong sự hỗ tương trọn vẹn. "Mọi người đàn bà bỏ rơi chồng mình …

Những lời này của Đức Giêsu, liên quan đến tính dục của bạn, vợ chồng bạn, đời sống độc thân của bạn... bạn hãy đọc lại những lời ấy, như thể Đức Giêsu nói với chính bạn, mặt đối mặt. Những lời này đụng đến nhiều vết thương còn đau nhức, nhiều lý tưởng bị nhạo báng, nhiều ước mơ không được thực hiện đến nỗi có lẽ cần được giải thích đôi chút. Những cuộc tranh luận về "ngoại lệ của Mat-thêu” trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp) rất khó chỉ rõ, và tốt hôn hết là tham khảo đến những lời ghi chú của Kinh Thánh có ghi nhận về các cách hiểu về ngoại lệ ấy.

Tuy nhiên mỗi người chúng ta phải đón nhận lời yêu cầu của Đức Giêsu như một lưỡi gươm: Trong thế giới sự phi nhân mà chúng ta đang sống; những lời ấy của Đức Giêsu quả là thúc bách và dường như đi ngược lại với sự phát triển của đàn ông và đàn bà. Thật vậy, trong đáy lòng, chúng ta nhận biết những lời ấy xác định đường lối duy nhất và thật dũng cảm của việc phát triển thật sự. Cũng không nên hiểu những lời ấy như những điều quy định về luật pháp: Sự "'trội hơn" Luật mà Đức Giêsu đề nghị chỉ có thể sống... với Người, với ân sủng và tình yêu của Người.

CHÂN LÝ:

“Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: “Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa". Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ…”

Đây là những lệnh truyền của Đức Giêsu mang tính hiện đại rất cao. Đây hoàn toàn là vấn đề hiệp thông giữa con người với nhau. Những tương quan của con người bị làm hư hỏng từ bên trong bởi sự lừa bịp, bởi thủ đoạn, sự giả vờ, sự giả mạo, quỷ quyệt, dối trá… sự quảng cáo và thông tin thương mại… Đức Giêsu mời bạn đến với chân lý của cuộc “đối thoại”, các cuộc đàm luận của chúng ta. Tìm một sự bảo đảm bên ngoài trong một lời thề là một điều vô ích (tôi thề với anh tôi nói sự thật!) lời nói của một con người, lời nói của bạn tự nó phải có một giá trị: hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không… Đức Giêsu tạo ra một “nền đạo đức” mới. Người không bãi bỏ gì cả, người “kiện toàn” từ trong nội tâm điều mà tự nền tảng là lý tưởng của mọi chủ nghĩa nhân bản chân chính.

Ý cầu nguyện tháng 3 / 2014
  • Ý chung

  • Cầu cho quyền lợi của phụ nữ : Xin cho tất cả mọi nền văn hóa đều biết tôn trọng quyền lợi và phẩm giá của phụ nữ.

  • Ý truyền giáo

  • Cầu cho ơn gọi : Xin cho có nhiều người trẻ biết đón nhận lời mời gọi của Chúa mà dâng hiến cuộc đời cho công cuộc loan báo Tin Mừng.