Lượt xem: 3,140 - Ngày đăng: (02/05/2014)

Ngày truyền thống di dân Thanh Hóa tại Miền Nam lần thứ IX ( Buổi chiều – Cao điểm Thánh lễ tạ ơn)

Buổi trưa, phút tâm tình quê hương

 

Sau chương trình buổi sáng ấn tượng và nhiều kỷ niệm, di dân xum tụ bên cạnh các cha xứ, cha hạt, cha quê hương của mình để cùng chung chia mối tình đồng hương. Tiếng cười nói râm ran, tiếng gọi nhau ý ới, cả những tiếng thầm thì của xúc cảm khi nhớ về quê nhà. Các cha cũng tranh thủ hỏi thăm, động viên và lấy thông tin liên lạc của các di dân, để năm sau gặp lại.

 

Bữa cơm ngay sau đó, Đức cha, cha quản xứ Phú Trung, quý cha cùng ăn cơm với di dân. Các tiết mục văn nghệ “hát cho nhau nghe” mang đặc sản “cây nhà lá vườn” lấy lại không khí sôi động.

 

Đầu giờ chiều, cha trưởng ban di dân giáo phận phổ biến một số yêu cầu, thông tin cần liên hệ và ra mắt ban liên lạc của di dân tại Miền Nam. Hi vọng rằng với sự cố gắng nhiệt tình của các thành viên mới, năm sau, số lượng di dân biết và đến với ngày di dân nhiều hơn.

 

Thánh lễ của sắc mầu di dân Thanh hóa

 

Đúng 15 giờ, thánh lễ chính thức bắt đầu, mở ra một món quà thánh thiêng cho các di dân – món quà của tình yêu Chúa Giêsu. “Đây là giờ phút cao điểm của ngày hội ngộ di dân”.



 

Ca đoàn tổng hợp: các chú ứng sinh tại Trụ Sở Thanh hóa-Sài Gòn, các sinh viên và các soeurs dòng MTG Thanh hóa tại Sài Gòn.


Một thánh lễ mang tính biểu trưng sâu sắc với đủ mọi thành phần dân Chúa: di dân Thanh Hóa, giáo dân giáo xứ sở tại Phú Trung, linh mục đoàn quê hương Thanh Hóa đang mục vụ tại giáo phận Thanh Hóa, linh mục gốc Thanh Hóa mục vụ tại khu vực phía Nam, cha quản xứ Phú Trung, di dân hải ngoại, sinh viên, học sinh, quý thầy, quý chú, quý Sơ...

 

“Đây quả là giây phút hiệp nhất hơn bao giờ hết trong vòng tay của giáo phận địa phương, mà cụ thể là giáo xứ Phú Trung, trong tình nghĩa của mọi người con của giáo phận Thanh Hóa. Chúng ta hãy dâng thánh lễ này để hiệp thông với giáo xứ Phú Trung kỷ niệm ngày cung hiến thánh đường này. Chúng ta cũng xin cho giáo phận Thanh Hóa của chúng ta luôn luôn được bình yên. Và nhất là cho mỗi người chúng ta dù ở phương trời nào trên đường di dân chúng ta vẫn luôn nhớ về quê hương, luôn luôn yêu thương, dìu dắt nhau trong đời sống đức tin”.

 

Cũng với tất cả những nghi thức của thánh lễ quen thuộc, nhưng dường như mỗi khi đến dự lễ di dân, tâm hồn mỗi người lại có điểm khác lạ. Có lẽ đó chính là cái mà tôi đang cảm nhận giờ này đây sau ba lần liên tiếp tham dự. Một chút tự hào xen lẫn niềm thương, một chút rạo rực và cả một trời sức sống. Sức sống bung tỏa trong tôi, thúc giục tôi hát, làm tôi say mê với cuộc sống đức tin của mình. Nói đúng hơn, bầu khí này giúp tôi ngụp lặn sâu hơn trong tình yêu của Chúa, mặc dù là nóng đấy, mặc dù là sôi sục thế đấy nhưng bình yên vô cùng. Bao lo toan phía trước của tôi dường như nén lại. Tôi yêu quê hương của mình, yêu tôn giáo của mình, tôi yêu tất cả những người di dân anh em của tôi trong ngôi thánh đường hôm nay. Vì chúng tôi đang cùng thở một không gian chan chứa nghĩa tình. Không biết có bị suy xét là võ đoán hay không, nhưng tôi tin, ẩn sâu trong những đôi mắt mà tôi thấy, họ cũng giống như tôi vậy.

 

Những câu hát rắn rỏi vang lên cùng những cử điệu, hàng ngàn con người cùng hòa vào nhau, một cảnh tượng thật đẹp và xúc động.

 

Mấy ngày nay, được trò chuyện, được lắng nghe tâm tình mục tử của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh khiến tôi yêu mến và kính trọng cha rất nhiều. Tôi cũng đã hiểu hơn nét ưu tư của bậc hiền phụ.

 

Ngài chia sẻ: Người công giáo chúng ta không những chỉ là công dân của một quốc gia, của một tỉnh thành mà còn là một tín hữu. Chúng ta phải sống sao để từ bản thân mình sẽ chiếu lên một niềm tin, một ánh sáng mới, và người bên cạnh ta sẽ tự hào về chúng ta.

 

Ngoài việc muốn các di dân thấy được trách nhiệm với cộng đồng, Đức cha Giuse cũng muốn các di dân Thanh Hóa biết vươn lên bằng chính bàn tay, khối óc và con tim của mình. Ngày họp mặt di dân cũng chỉ là một cây cầu để nối các di dân lại với nhau. “Các con sẽ phải tụ họp với nhau, nâng đỡ nhau, san sẻ với nhau và chính bản thân các con phải biết yêu thương nhau cùng vượt qua những cạm bẫy của cuộc sống di dân”.

 

Đối với những người thân ở lại quê hương, cái mà mọi người ngóng chờ nhiều nhất không chỉ là đồng tiền kiếm được, không phải uy danh này kia, mà chính là có giữ đạo được hay không? Đức cha một lần nữa đào sâu hơn nữa ý thức giữ gìn đức tin của di dân, đặc biệt là các bạn trẻ giữa những ngã ba dòng đời…

 

“Ước gì tình hiệp thông trong đức tin, tình hiệp thông trong giáo hội là động lực để các con luôn luôn trung thành với những di sản tinh thần mà các con đem theo từ quê hương Thanh Hóa”.

 

Lời kết thúc giản dị giống như lời dặn của người cha trước khi con cái đi xa. Niềm thương của Đức cha hi vọng rằng sẽ triển nở ra những bông hoa rực rỡ.

 

Trước khi kết thúc thánh lễ, Đức cha dành đôi chút thời gian để quý cha gốc Thanh Hóa được nói lên tình cảm của mình. Mỗi cha một hoàn cảnh nhưng các cha đều là di dân năm 1954. Xa nhà, xa quê, thậm chí cái vị quê cũng không còn. Nhưng các cha vẫn đau đáu cái nơi “chôn nhau cắt rốn”, vẫn bổi hổi bồi hồi khi được hồi hương. “Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nỗi thành người”.

 

Cái tình ấy cũng đã khiến cha quản xứ Phú Trung Giuse Maria cảm động. Một lần nữa cha khẳng định, Phú Trung chính là nhà của giáo phận Thanh Hóa. Giáo xứ, giáo dân sẽ luôn dang rộng vòng tay để đón tiếp di dân Thanh Hóa.

 

Đức cha đã thay lời cho toàn thể cộng đoàn hiện diện, tri ân cảm tạ quý cha sở, quý Hội đồng giáo xứ và những bên có cộng tác đắc lực cho ngày truyền thống di dân Thanh Hóa được thành công. Những món quà nhỏ được trao ban để một cách nào đó bày tỏ sự kính trọng, yêu mến ngôi thánh đường và một giáo xứ thân tình.

 

“Các con sẽ phải tụ họp với nhau, nâng đỡ nhau, san sẻ với nhau và chính bản thân các con phải biết yêu thương nhau cùng vượt qua những cạm bẫy của cuộc sống di dân...Ước gì tình hiệp thông trong đức tin, tình hiệp thông trong giáo hội là động lực để các con luôn luôn trung thành với những di sản tinh thần mà các con đem theo từ quê hương Thanh Hóa”.





Trao ban bình an


 

Chuỗi Mân Côi kết nối tình người di dân dâng Mẹ



 


Hôm nay là 01.05, cũng là ngày bắt đầu của Tháng hoa Dâng kính Đức Mẹ. Đức cha làm phép Chuỗi Mân Côi và đó là món quà để các di dân nhớ về ngày họp mặt, nhớ về điều căn dặn của Đức cha “chỉ cần mỗi ngày các con lần hết một Chuỗi Mân Côi, các con sẽ bình yên”.

 

Vâng, bình yên, có gì hạnh phúc hơn hai từ này. Sóng đời vùi dập nhưng ta vẫn hiên ngang sống với đức tin. Đó là điều đáng giá nhất.

 

Tạm biệt những di dân yêu quý của tôi, tạm biệt quý cha quê hương, tạm biệt Phú Trung trong cái bịn rịn và tiếc nuối. Ngày mai, mỗi người lại hối hả bắt nhịp đời mưu sinh. Cầu chúc tất cả có được một nguồn lực thiêng liêng từ ngày họp mặt hôm nay để luôn tỉnh thức, sẵn sàng bước tiếp con đường còn đầy chông gai phía trước. Hẹn gặp lại ngày ĐH Di Dân 2015 cũng tại giáo xứ Phú Trung này!


Lưu luyến tình cha con. Hẹn gặp lại ĐH Di Dân gp Thanh hóa  miền Nam tại giáo xứ Phú Trung 01.5.2015!

Én Trần

Ý cầu nguyện tháng 5 / 2015
  • Ý chung

  • Cầu cho chúng ta biết khước từ nền văn hoá của sự thờ ơ, để quan tâm đến những nỗi thống khổ của tha nhân, nhất là những người bệnh tật và nghèo khó. 

  • Ý truyền giáo

  • Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, xin cho các Kitô hữu đang sống trong các bối cảnh thế tục, luôn sẵn sàng để rao giảng về Đức Giêsu.

Du học sinh giáo phận Thanh hóa tại Châu âu gặp mặt truyền thống lần 5

Cứ mỗi độ Giáng Sinh về, mỗi người lại được nhắc nhớ để lại trở thành những người cho và nhận. Cho và nhận, tại bởi chúng ta được nhận và thúc đẩy cho đi từ...

 

Hãy vui lên

Chúa Nhật hôm nay được gọi là Gaudete Sunday. Gaudete trong tiếng Latin có nghĩa là Rejoice trong tiếng Anh và Vui Mừng trong tiếng Việt. Chính vì thế, ngày hôm nay các cha mặc...