Lượt xem: 2,832 - Ngày đăng: (23/10/2014)

Những mảnh đời trên sông

Giáo xứ Kẻ Đầm nằm trên địa bàn xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách Tòa Giám Mục Thanh Hóa 50km về hướng Tây, thuộc Giáo Hạt Sông Chu. Địa bàn Giáo xứ trải dài trong ba huyện của tỉnh Thanh Hóa là Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Thường Xuân với 6 Giáo họ: Quần Ngọc, Mía, Rạch, Minh Ký, Kẻ Đầm, Phố Cống và một số giáo dân nằm dải dác ở vùng đất miền núi Khe Hạ, Cửa Dụ, Thượng Ninh giáp Yên Cát huyện Như Thanh.


Về với Giáo xứ Kẻ Đầm chắc hẳn mọi người không thể quên được bánh gai đặc sản Tứ Trụ, di tích Lam Kinh của thời vua Lê. Về với Giáo xứ Kẻ Đầm không thể không ghé thăm Giáo họ Kẻ Đầm miền sông nước cách Giáo xứ 14km theo đường liên xã. Cách đây gần một thế kỷ, nơi đây là một mảnh đất vô cùng trù phú nhờ giao thông thuận tiện về đường thủy, tạo điều kiện cho việc giao thương, buôn bán giữa vùng ngược và vùng xuôi. Trải qua những năm tháng vì cuộc sống mưu sinh nên những người giáo dân nơi đây phải tha hương cầu thực để ổn định cuộc sống.


Cuộc sống hiện tại của người dân Giáo họ Kẻ Đầm chủ yếu sống bằng nghề chài lưới ngoài ra không có thu nhập nào khác, mọi sinh hoạt đều ở trên thuyền. Cuộc sống của người dân mỗi ngày một vất vả hơn khi dòng sông ở nơi đây bị ô nhiễm bởi các chất thải của nhà máy mía đường Lam Sơn, nhà máy giấy và hồ Cửa Đạt xả xuống nên dòng sông bị ô nhiễm, bởi vậy cá tôm nơi đây ngày một trở nên khang hiếm, chính vì thế cuộc sống của người dân nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn. Nguồn nước mà người dân ở đây sử dụng là nước sông, họ lấy nước sông để bùn lắng xuống và sau đó sử dụng vào việc nấu ăn cũng như tắm tác, giặt giũ.


Khi màn đêm buông xuống, mọi người đều chìm trong giấc ngủ say, thì chính lúc này những người dân thuyền chài Giáo họ Kẻ Đầm bắt đầu cuộc sống mưu sinh của mình với nghề chài lưới trong đêm thâu với sương giá bao phủ quanh người. Vào mùa đông lạnh lẽo cái giá rét của vùng sông nước như muốn làm tê liệt con người của họ, thế nhưng vì cuộc sống mưu sinh họ chẳng có cách nào khác đành phó mặc cho ông trời lo liệu đành xuống xuồng để đi chài trong đêm. Mỗi gia đình chỉ có một chiếc xuồng máy nhỏ đi đánh cá, suốt đêm hai vợ chồng chỉ được khoảng 100 nghìn đồng, có đêm được 30 nghìn đồng, có nhiều đêm họ giống như thánh Phêrô năm xưa “Lạy Chúa, chúng con thức suốt đêm mà không đánh được gì”, với số tiền họ thu nhập được họ phải chi trả gần một nửa tiền vào dầu máy cũng như tiền điện sạc ắc quy. Nếu như trong bài thơ Thương vợ của Tú Xương khi nhà thơ nói lên sự cần mẫn của người vợ đảm đang trong công việc thường ngày để nuôi sống gia đình.


“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

nuôi đủ năm con với một chồng”


thì có thể nói được rằng, một cách nào đó người dân thuyền chài của giáo họ Kẻ Đầm nơi đây:


Quanh năm chài lưới ở mom sông

Không nuôi đủ tấm thân hao gầy


bởi vì hai nhân lực nhiều đêm thức trắng mà không đánh được cái gì, chưa kể đến chuyện phải lo cho con cái cũng như là học phí của các em đến trường. Cuộc sống của người dân thuyền chài nơi đây rất bấp bênh, số phận của họ gắn liền với nhà ở là thuyền, chài lưới. Về mùa nước lũ họ phải giặt chài để chài đi “ngủ” vì nước lũ dâng cao, gió cuốn mạnh nên họ không thể đi đánh chài lưới được. Mùa nước lũ người dân phải vất vả chống chọi với sương gió giá rét cả đêm để đưa thuyền vào bờ có khi cả mấy đêm thức trắng sống chung với lũ để bảo vệ gia sản duy nhất của mình. Về mùa đông họ phải sống với cái lạnh khắc nghiệt vì thiếu chăn cũng như áo ấm và cũng một phần là do thuyền không đủ che chắn những cơn gió lạnh, những cơn gió “ùa qua khe cửa” mang hơi nước làm cho cái lạnh thêm lạnh hơn.


Đại đa số những người dân thuyền chài Giáo họ Kẻ Đầm là không có chữ, còn các em thì khi học đến hết lớp 4, lớp 5 là phải nghỉ học vì không đủ tiền để đóng học phí, cũng như vì cuộc sống mưu sinh nên các em chấp nhận nghỉ học để phụ giúp gia đình trong việc chài lưới. Nhiều gia đình muốn cho các em đi học để sau này vượt nghèo, xóa đi cái đói khổ, cho các em biết cái chữ nhưng vì “lực bất tòng tâm” nên các em đành phải nghỉ học sớm để cùng với bố mẹ sống nghề chài lưới. Cuộc sống của những người dân nơi đây đang mang nhiều vất vả khi từng đêm phải thức trắng, để kiếm nguồn thu cho gia đình mà chẳng thu nhập được bao nhiêu. Các em khao khát được đến trường để tiếp tục theo học nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên phải nghỉ học sớm, số phận của họ đang gặp nhiều chơi vơi, bấp bênh trong cuộc sống trên miền sông nước.


Rời Kẻ Đầm, nhưng hình ảnh những con thuyền nhỏ ọp ẹp đang cố bao bọc những số phận bấp bênh theo dòng nước, làm tôi nhói đau. Ước gì những con người nghèo khổ nơi đây nhận được tình hiệp thông cầu nguyện, chia sẻ trong tinh thần cảm thông, nâng đỡ, ngõ hầu tình yêu của Thiên Chúa được triển nở “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.








Song Lộc Triều Nguyên

Hội Ngộ Di Dân Tại Miền Nam Lần Thứ XII

Thứ Hai, 01/05/2017, tại thánh đường giáo xứ Phú Trung – Tổng giáo phận Sài Gòn đã diễn ra ngày hội ngộ gặp mặt đồng hương giáo phận Thanh Hóa lần thứ XII.