Lượt xem: 3,095 - Ngày đăng: (07/11/2014)

HÃY TRẢ LẠI Ý NGHĨA CHO ĐỀN THỜ

Đối với người Công Giáo chúng ta thì ngôi thánh đường là một cái gì đó rất đỗi thân quen và gần gủi. Từ thành thị cho đến thôn quê, từ miền xuôi cho đến miền ngược, ngôi thánh đường luôn được coi như là trái tim của mỗi xứ đạo. Những ngôi thánh đường đó đã “hóa” thành thơ thành nhạc như trong bài hát Làng Tôi của Văn Cao: “Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung…”  Vâng, mỗi thánh đường thường gợi nhớ và chất chứa bao bao kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời của người Kitô hữu.

 

Đối với tôi, ngôi thánh đường không chỉ đơn thuần là tòa nhà bằng gạch bằng đá nhưng đã trở nên một phần máu thịt của mình đến nỗi cuộc sống sẽ trở nên tẻ nhạt và vô nghĩa nếu không có bóng dáng ngôi nhà thờ bên cạnh. Gia đình tôi ở ngay cổng nhà thờ giáo xứ, trong suốt 20 năm trời sống “ẩn dật” với cha mẹ và anh chị em thì tiếng chuông nhà thờ là tiếng đồng hồ báo thức, mỗi buổi ban mai từ trên giường lăn xuống đất mở cửa ra thì vật đầu tiên đập vào mắt mình đó là ngôi nhà thờ. Buổi tối khi đóng cửa đi ngủ thì vật cuối cùng mình nhìn thấy cũng chính là ngôi nhà thờ. Và cứ thế, cứ thế cho đến ngày hôm nay, ngôi nhà xứ tôi đang ở cũng nằm sát cạnh và có cửa thông sang ngôi nhà thờ. Chính vì thế đời sống của tôi luôn gắn liền với thánh đường. Và từ nơi đó tôi được nhào nặn, được lớn lên trong niềm tin và trào dâng niềm hạnh phúc vì luôn được sống trong ngôi nhà của Chúa như lời Thánh Vịnh 83 đã nói: “Thực một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quý hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác. Con ưa đứng nơi ngưỡng cửa nhà Chúa, hơn là cư ngụ trong lều bọn ác nhân.”

 

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội Công Giáo trên khắp thế giới, mọi con mắt đều đổ dồn về Vương Cung Thánh Đường Gioan Latêranô bên Rôma nhân ngày kỷ niệm cung hiến ngôi giáo đường này cho Thiên Chúa. Thuở ban đầu ngôi thánh đường này nguyên là cung điện của vua Constantin. Vào năm 313, vua đã ký sắc lệnh Milanô, lần đầu tiên công nhận Kitô Giáo là một tôn giáo hợp pháp và như vậy đã chấm dứt 300 năm Giáo Hội phải trải qua cơn bách hại đẫm máu và khốc liệt nhất trong lịch sử của mình. Chính vua Constantin đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội tại cung điện này và sau đó, vua đã có một nghĩa cử rất đẹp là nhường cung điện Latêranô của mình cho Đức Giáo Hoàng. Vào năm 324 Đức Giáo Hoàng Sylvestrô đã thánh hiến ngôi thánh đường này cho Chúa và đặt ngai tòa của Giáo Hoàng, là vị Giám Mục Rôma tại đây. Chính vì thế, ngôi thánh đường này đã trở thành nhà thờ chính tòa của Đức Giáo Hoàng và là ngôi thánh đường mẹ của tất cả các ngôi thánh đường trên khắp thế giới.

 

Mừng kỷ niệm cung hiến thánh đường Latêranô hôm nay cũng là dịp để chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa và giá trị của tất cả các ngôi nhà thờ trên thế giới, nhất là ngôi nhà thờ của chính giáo xứ chúng ta. Trước hết, nhà thờ là nhà cầu nguyện như lời quả quyết của Chúa Giêsu: “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện.” Khi Chúa Giêsu vào đền thờ Jerusalem, thấy cảnh tượng buôn bán đổi chác trong đền thờ, Ngài đã nổi giận dẹp hết bàn ghế và đánh đuổi bọn con buôn ra khỏi đền thờ vì họ đã làm nhơ uế Nhà Chúa và biến nơi đây không còn là nơi cầu nguyện nữa mà trở thành chợ búa để buôn bán đổi chác. Qua hành động đó, Ngài đã thanh tẩy đền thờ và trả lại cho nó ý nghĩa đích thực là nơi cầu nguyện. Vì nhà thờ là nhà cầu nguyện nên nó cần phải được sử dụng cho đúng mục đích. Phải làm sao để mỗi người đến nhà thờ họ có thể được gặp Chúa, được trò truyện với Chúa, và được chìm đắm trong bầu khí thân tình với Thiên Chúa.

 

Thứ hai, nhà thờ là Nhà Cha, là nơi Thiên Chúa quy tụ con cái của mình như gà mẹ ấp ủ đàn con thơ dưới cánh. Đó là nơi con người đến để gặp gỡ Thiên Chúa là Cha và gặp gỡ các đồng đạo của mình là anh chị em trong cùng một gia đình. Sự tụ họp của cộng đồng dân Chúa làm thành một ngôi đền thờ thiêng liêng và làm cho ngôi nhà thờ vật chất trở nên có ý nghĩa. Ngược lại, khi nào nhà thờ không còn là nơi quy tụ của cộng đồng dân Chúa nữa, thì khi đó ngôi nhà thờ đó dù có đẹp đẽ tráng lệ đến đâu thì nó cũng chỉ là một tòa nhà bình thường mà thôi. Chúng ta nên nhớ rằng trong suốt 300 năm trước khi ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng, cộng đồng dân Chúa vẫn tồn tại. Họ thường gặp nhau trong các tư gia cũng như trong các hang toại đạo để cầu nguyện và cử hành nghi lễ bẻ bánh.

 

Như vậy nhà thờ vật chất chỉ là hình ảnh tượng trưng cho ngôi thánh đường thiêng liêng đó là Giáo Hội, mà Giáo Hội chính là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, trong đó, chính Chúa Kitô là Đầu còn tất cả chúng ta là chi thể. Do đó, nhà thờ chính là nơi chúng ta đến để đón nhận tình thương của Thiên Chúa và để trao ban tình yêu thương cho nhau. Cho nên, cần phải loại bỏ tất cả những tư tưởng, lời nói và hành động nóng nảy, hận thù, khinh bỉ hay xúc phậm ra khỏi nhà thờ để Nhà Chúa được trở nên ngôi nhà của sự hiệp nhất và tình yêu thương.

 

Thứ Ba, nhà thờ là nơi con người chạy đến để đón nhận sự nâng đỡ ủi an và sự tha thứ của Chúa và sự cảm thông của anh chị em. Khi Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng, Ngài đã đón tiếp tất cả những ai đang gặp cảnh đau khổ, bất hạnh, bệnh tật và nhất là những người tội lỗi. Do đó, nhà thờ là nơi dùng để đón tiếp tất cả mọi người, không loại trừ một ai, dù là người thánh thiện hay tội lỗi. Mà xét cho cùng, tất cả chúng ta đều là tội nhân, chúng ta đến nhà thờ để cầu xin Chúa tha tội cho mình để đến lượt chúng ta cũng phải biết tha thứ cho anh chị em của chúng ta. Chính vì thế, chúng ta cần phải tránh những lời nói và cử chỉ khinh thường hay xúc phạm đến anh chị em của mình. Một bà kia đã chia sẻ rằng muốn biết cha xứ của bà đang giận ghét ai thì chỉ cần đi lễ là biết vì hễ ghét ai thì ngài liền bêu riếu tên người đó trên nhà thờ.

 

Có một người kia mặc dù có đạo nhưng đã sống những tháng ngày bê bối và không thực hành đức tin. Sau một thời gian sống khô khan nguội lạnh và sống buông tuồng với những tật xấu, anh ta ăn năn sám hối, quyết tâm từ bỏ nếp sống cũ để quay về với Chúa. Một hôm anh ta lấy hết can đảm để đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Vừa đến cửa nhà thờ anh ta gặp một chị ăn mặc rất tươm tất, anh cất tiếng chào thì chị đó lặng thinh quay mặt đi và vội bước vào nhà thờ. Sau đó, anh gặp một người khác, anh cũng niềm nở chào hỏi nhưng người đó chỉ nhích mép chào lại và liếc nhìn anh với ánh mắt khinh bỉ. Chúa Nhật tuần sau, anh ta gạt bỏ hết tất cả sự mặc cảm của tuần trước để đến nhà thờ, khi đang từ parking đi vào thì có một người chạy đến hỏi anh những câu hỏi có tính cánh soi mói và xúc phạm đến đời sống riêng của anh. Anh ta cảm thấy như có những mũi kim đang đâm vào lòng và như có một vật cản quá lớn ngay trước cửa nhà thờ. Anh liền quay trở lại parking, lái xe về nhà và không bao giờ đến nhà thờ nữa.

 

Hôm nay, chúng ta tụ họp nơi đây để tôn vinh Vương Cung Thánh Đường Latêranô, chúng ta cũng tôn vinh chính ngôi nhà thờ của giáo xứ chúng ta, nơi chúng ta tụ họp để cầu nguyện nhân danh Chúa. Chính Thiên Chúa đang hiện diện ở giữa chúng ta khi chúng ta liên kết với Ngài trong tình yêu và liên kết với anh chị em trong tình huynh đệ để chúng ta cùng nhau xây dựng một ngôi thánh đường thiêng liêng đó là một cộng đoàn yêu thương và hiệp nhất. Mỗi người chúng ta hãy ý thức rằng, ngôi nhà thờ này là nhà cầu nguyện, là ngôi nhà của tình yêu thương và sự tha thứ, là nơi xây đắp tình hiệp nhất và bác ái huynh đệ. Đây là nơi con người đến để lắng nghe Lời của Chúa chứ không phải lời của thế gian, là nơi con người đến để được nâng lên chứ không phải bị đạp xuống, là nơi con người đến để đón nhận sự bình an chứ không phải để ra về với tâm hồn nặng trĩu vì bất an, là nơi xây đắp tình yêu thương và sự hiệp nhất chứ không phải là nơi gieo rắc lòng hận thù và mầm mống của sự chia rẽ. Do đó, là những người giáo dân, chúng ta đừng bao giờ để ngôi nhà thờ của mình bị ô uế bởi những tư tưởng, lời nói và việc làm thiếu tính bác ái và yêu thương của chúng ta. Là những linh mục, đừng bao giờ chúng ta dùng nhà thờ để phục vụ cho những mục đích tầm thường của mình như là nơi để trút sự nóng nảy hay những lời khó nghe lên đầu kẻ khác, để xúc phạm đến nhân phẩm của người khác, để đạp người nọ người kia xuống thay vì nâng họ lên.

 

Để kết thúc, tôi xin chia sẻ câu chuyện có tựa đề “Cha Nhà Thờ” của linh mục Phê-rô Trần Thế Tuyên trong đó ngài viết:Anh em linh mục chúng tôi thường hay bị người ta gọi là cha cố hay cha nhà thờ. Cách gọi nầy không có gì xấu, nhưng làm tôi cảm thấy nhột. Tôi chỉ làm Cha ở trong nhà thờ thôi sao? Còn bên ngoài nhà thờ… tôi là ai? Tôi là cha nhà thờ, nhưng nhiều khi tôi ít quan tâm và chăm sóc nhà thờ, mà chỉ lo quan tâm đến cái gì không phài nhà thờ và không liên quan đến nhà thờ. Tôi là cha nhà thờ, nhưng nhiều khi thấy tôi, người lại không muốn đến nhà thờ. Tôi là cha nhà thờ, nhưng nhiều khi lời ăn tiếng nói của tôi thiếu chất nhà thờ tức thiếu khiêm tốn, thiếu giáo dục, thiếu bác ái và thiếu thánh thiện. Tôi là cha nhà thờ nhưng tôi ít biết hay không ham hiểu biết về những gì nên hay không nên làm trong nhà thờ. Tôi là cha nhà thờ mà nhiều khi biến nhà thờ thành nơi thật khó cầu nguyện cho người khác.”

 Lm. Phaolô Nguyễn Duy Thường

Hội Ngộ Di Dân Tại Miền Nam Lần Thứ XII

Thứ Hai, 01/05/2017, tại thánh đường giáo xứ Phú Trung – Tổng giáo phận Sài Gòn đã diễn ra ngày hội ngộ gặp mặt đồng hương giáo phận Thanh Hóa lần thứ XII.