Lượt xem: 6,328 - Ngày đăng: (30/04/2015)

Di dân Thanh Hóa Miền Nam – Mười năm một chặng đường

Tâm sự của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục giáo phận Thanh hóa về ngày di dân giáo phận Thanh hóa tại miền Nam.

“Cha có một ao ước là người Thanh Hóa ở xa quê luôn biết nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin và đời sống kinh tế”.


Mười năm là quãng thời gian đủ để người ta nhìn lại những dấu ấn, những thành công thất bại, biến có vui buồn trong cuộc đời. Đối với di dân Thanh Hóa tại Miền Nam cũng thế. Trải qua mười năm với biết bao xoay vần, thử thách, cái hẹn ngày hội ngộ 1.5 vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Điều đó chứng tỏ mối tình đồng hương, mối tình hiệp nhất của người Công giáo xứ Thanh, dù ở đâu vẫn tỏa sáng khi được quan tâm, được quy tụ bởi tình mục tử - chiên lành…


Cùng nhìn lại quãng thời gian mười năm vừa qua với những tâm sự, trăn trở và mong muốn của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Giám mục giáo phận, Chủ tịch UB Di dân thuộc HĐGM Việt Nam. Có thể nói, di dân Thanh Hóa khu vực phía Nam chính là đứa con tinh thần được Đức cha Giuse phôi thai, sinh ra va nuôi lớn cho đến tuổi thứ mười này cùng với biết bao mong ước, yêu thương, hy vọng dành cho những người con thân yêu của giáo phận quê nhà – Thanh Hóa. Trong dịp đặc biệt này, Vị cha chung giáo phận đã ưu ái dành cho BTT được thự hiện cuộc phỏng vấn này. Xin trân trọng giới thiệu với quý vị và kính chúc quý vị có ngày lễ Thánh Giuse Thợ  - Quan thầy của người lao động thật ý nghĩa!


PV: Kính thưa Đức cha Giuse, xuất phát từ ý tưởng nào để ngày di dân Thanh Hóa ra đời?

Đức cha Giuse: Ngày di dân này có lẽ xuất phát từ niềm thương của cha khi về nhận nhiệm sở tại Giáo phận Thanh Hóa. Năm 2004, cha có điều kiện đi vào miền Nam, cha có gặp gỡ một số bạn sinh viên, một số người trẻ đi lao động. Qua trao đổi cha cũng thấy cuộc sống của những người con Thanh Hóa phương xa có rất nhiều khó khăn. Cha cũng nhận thấy rằng những người trẻ của Thanh Hóa phải bỏ quê hương lại sau lưng để tìm một cuộc sống mới ngày càng nhiều. Thế nên cha nghĩ mình cũng phải làm một cái gì đó đơn giản nhất để nói lên tình thương của giáo phận đối với những người con xa quê.

Càng ngày càng có thêm các địa phận tổ chức ngày di dân như Thanh Hóa.


PV: Chủ đề năm nay của di dân Thanh Hóa khu vực miền Nam là “Di dân với Tân Phúc âm hóa đời sống cộng đoàn”, Đức cha có nhận xét gì về đời sống sinh hoạt đức tin, đời sống cộng đoàn của di dân Thanh Hóa thông qua việc tổ chức hội ngộ di dân trong mười năm vừa qua?

Đức cha Giuse: Đời sống cộng đoàn mà Hội đồng Giám mục Việt Nam đề cập đến cho năm 2015 theo nghĩa chung, đó là con người có nhiều sự thuộc về: thuộc về gia đình, thuộc về xã hội, thuộc về cộng đoàn mang tính tâm linh, mang tính xã hội. Cộng đoàn chúng ta phải hiểu theo nghĩa rất rộng, bước ra khỏi đời sống gia đình là chúng ta đang hòa mình vào đời sống cộng đoàn: giáo xứ, giáo phận. Trong cái thế giới của di dân thì lại có cộng đoàn nơi mình xuất phát tức quê nhà, cộng đoàn nơi mình hội nhập.


Chủ đề năm nay là di dân với đời sống cộng đoàn với mong muốn di dân luôn luôn mang theo sứ mệnh thuộc về một cộng đoàn nào đó của Giáo hội bằng cách sống thế nào đó để làm chứng tá, thể hiện sức mạnh của đức tin. Đồng thời di dân cũng phải có trách nhiệm trực tiếp với nơi mà mình gia nhập với tư cách là tạm trú hay thường trú. Chia sẻ đời sống với giáo hội địa phương, hội nhập với nơi mà mình đang sống bằng cách tham gia vào các hoạt động sinh hoạt đức tin. Di dân cũng phải xác định rằng, khi từ bỏ quê hương để ra đi thì phải chấp nhận có một quê hương mới, cộng đoàn mới.


Vì vậy, tinh thần của ngày hội ngộ năm nay đặt người di dân trước sứ mệnh phải cùng một lúc trung thành với các giá trị của cộng đoàn đã nuôi dưỡng, đã đưa mình lên đường đến một phương trời xa đồng thời người di dân cũng phải hội nhập và tham gia tuyên xưng đức tin của mình với môi trường mới, cộng đoàn mới.


PV: Qua mười lần tổ chức Họp mặt di dân thì phản hồi của Giáo hội địa phương (giáo xứ diễn ra ngày hội ngộ, Tổng Giáo phận Sài Gòn) như thế nào thưa Đức cha?

Đức cha Giuse: Chúng ta đã tổ chức ngày hội ngộ di dân qua ba địa điểm: giáo xứ Vườn Xoài – gần trụ sở, khi tổ chức chung với giáo phận Phát Diệm tại nhà thờ giáo xứ Phát Diệm Phú Nhuận, mấy năm gần đây tổ chức tại giáo xứ Phú Trung quận Tân Bình.


Giáo hội địa phương, qua các giáo xứ đăng cai, cha ghi nhận được sự nhiệt tình ủng hộ hết mình của mọi thành phần dân Chúa tại các giáo xứ đó. Đặc biệt là giáo xứ Phú Trung qua cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng – chính xứ. Không gian, tiện nghi, khuôn viên, hội trường cộng với sự hỗ trợ về nhiều mặt của hội đồng giáo xứ như y tế, vệ sinh … của giáo xứ Phú Trung đã góp phần không nhỏ đối với di dân giáo phận Thanh Hóa.


Đó là về địa điểm tổ chức, còn về sinh hoạt đức tin của người di dân Thanh Hóa trong thực tế đời sống cộng đoàn tại Giáo hội địa phương như Sài Gòn, Phú Cường, Xuân Lộc… cha ghi nhận được những phản hồi khá tốt. Cha nghĩ rằng di dân Thanh Hóa có lòng đạo truyền thống nên khi bước ra đến nơi nào cũng nhiệt tình tham gia, giữ đạo sốt sắng.


Về giáo quyền thì mỗi lần nhắc tới di dân Thanh Hóa đều có thái độ trân trọng và tấm lòng thương cảm. Biểu hiện cao nhất của điều đó được thể hiện rõ nét qua việc tới thăm, tham dự  với ngày di dân Thanh Hóa như sự tham gia của Đức Hồng Y, Đức cha phụ tá, Đức tổng giáo phận Sài Gòn, linh mục đặc trách di dân của Tổng giáo phận…


PV: Cảm nhận của Đức cha về đời sống của người di dân nói chung, đặc biệt là di dân Thanh Hóa qua mười năm tổ chức liên tục ngày hội ngộ di dân?

Đức cha Giuse: Theo góc nhìn qua của cha qua những gì di dân đã làm được tại quê hương thì có rất nhiều điểm tích cực. So với cách đây 11 năm, bộ mặt làng quê tại Thanh Hóa đã có nhiều thay đổi, ngôi nhà lá đơn sơ hiện nay hầu như vắng bóng mà thay vào đó là những ngôi nhà vôi vữa khang trang. Do đâu mà cuộc sống có sự thay đổi như thế? Hầu hết câu trả lời mà cha nhận được từ những gia đình đó là có con em đi nước ngoài, đi miền Nam làm ăn có thành quả kinh tế về xây dựng.


Tuy nhiên nếu góc nhìn chuyển về cảnh sống thực tế của người di dân thì rất cay cực, trừ một số rất nhỏ thành công bằng trí tuệ, học thức, may mắn… Còn lại đa số đều còn rất khó khăn với công việc bấp bênh, lương thấp trong khi đó lại cùng một lúc phải gửi về quê nhà cộng với chi trả cho ăn ở, đi lại, đau ốm, các hoạt động khác…


Nếu nhìn lạc quan hơn chính cuộc sống cay cực đó thể hiện nghị lực mạnh mẽ, ý chí phi thường, đức tin sắt son biết vươn lên để kiến tạo nên một tương lai mới.


Về phương diện tinh thần thì khó khăn rất nhiều nên thì giờ dành cho đời sống tâm linh bị khống chế, giới hạn, thường chỉ giữ được đi lễ ngày chủ nhật, có người còn xa nhà thờ nên không thể giữ được điều tối thiểu đó.


PV: Đâu là điểm được và chưa được của ngày hội ngộ di dân Thanh Hóa trong mười năm vừa qua thưa Đức cha?

Đức cha Giuse: Phải nói là điểm mình muốn làm và điều mình làm được, nó chênh lệch rất lớn khi điều mình cần làm thì mênh mông như biển cả mà điều làm được chưa được bao nhiêu. Giống như cha ông vẫn hay có câu nói “lực bất tòng tâm” nên vẫn tự động viên lẫn nhau rằng: làm được điều gì tốt điều đó, làm với tinh thần phấn đấu hết mình rồi mỗi ngày thêm gom góp để tích lũy thành điều cao vời. Bởi nhân sự còn mỏng, đối tượng di dân thì muôn hình vạn trạng, giáo phận chỉ có trụ sở nhỏ bé với cha Antôn Vũ Mạnh Hà làm giám đốc, một cha phó giám đốc và năm chú ứng sinh Tiểu chủng viện đều đang đi học. Mình chỉ có thể động viên nhau từng bước cố gắng hoàn thiện ngày một nhiều hơn.


PV: Đức cha có thể cho biết thêm về các hoạt động khác liên quan đến di dân tại Việt Nam và trên thế giới để di dân Thanh Hóa ý thức hơn về tính cộng đồng của mình được không ạ?

Đức cha Giuse: Hiện nay, vấn đề di dân trong mắt các đời Giáo Hoàng sau này thì nó là một trong những mục tiêu mục vụ rất lớn. Thậm chí Đức Gioan Phaolô II tuyên bố thế giới ngày nay là thế giới của di dân. Đây là một hiện tượng bao trùm toàn thế giới không chỉ riêng Việt Nam. Giáo hội đồng hành với nhân loại nên giáo hội cũng đưa ra các tiêu chí để làm thế nào người di dân có thể sống trong môi trường mới của mình mà vẫn giữ được phẩm chất con người, nhất là tinh thần đức tin.


Việt Nam cũng là một đất nước theo xu thế chung như thế. Trên thế giới, Giáo hội từ chỗ lo cho người di dân về phương diện Bí tích đức tin bây giờ còn đặt vấn đề liên kết với nhau, thậm chí liên kết với các cơ quan, tổ chức quốc tế vào cuộc để lo cho di dân. Mục vụ di dân đã vươn ra sinh hoạt của toàn nhân loại.


Về phương diện giáo thuyết thì di dân là hiện tượng có từ thời xa xưa, các nhân vật nổi tiếng trong Thánh Kinh cũng chính là di dân như ông Abraham, các tiên tri được gọi bỏ xứ mà đi, dân Do Thái cũng thường xuyên phải di chuyển khắp nơi, gia đình Thánh Gia cũng là di dân, di dân ngay từ khi Đức Mẹ lâm bồn, rồi khi trốn Herôđê… bản thân Đức Giêsu trong cuộc đời rao giảng của mình cũng là di dân “chim có tổ, cá có hang nhưng con người không có gối tựa đầu”.


Cho nên di dân gắn liền với sứ mệnh của Giáo hội.


PV: Với cương vị là người cha chung giáo phận, là chủ tịch UB di dân của HĐGMVN Đức cha có kế hoạch hay dự định gì về mục vụ di dân nói chung và di dân Thanh Hóa nói riêng?

Đức cha Giuse: Về quy mô toàn quốc, mục tiêu hàng đầu của UBMV Di Dân hiện nay là gây ý thức về tầm quan trọng của vấn đề di dân trong mọi thành phần Dân Chúa đồng thời cổ võ để ngay trong quá trình đào tạo tại các ĐCV, vấn đề di dân được đưa vào giảng dạy.


UB cũng đang dự định tiến hành điều tra con số các cộng đồng Việt Nam tại nước ngoài như Mỹ, Nga, Châu Âu, Malayxia, Đài Loan, Hàn Quốc… Cho đến ngày nay, HĐGMVN chưa có đủ người để phái đi đồng hành với các cộng đoàn như vậy, nhiều nơi họ khao khát có một linh mục đồng hành, một lễ Việt Nam…


Đối với di dân Thanh Hóa, cũng như trong xu thế toàn cầu, cố gắng phấn đấu đề liên lạc, liên kết di dân lại với nhau. Cha có một ao ước là người Thanh Hóa ở xa quê luôn biết nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin và đời sống kinh tế.


Bên cạnh đó, nơi xuất phát tạo cho người di dân một hành trang để lên đường càng vững càng tốt về giáo lý, về nhu cầu Bí tích… rồi giúp họ hội nhập ở môi trường mới cho thật tốt.


Liên kết những người con giáo phận xa quê thành công về kinh tế thành một tổ chức hỗ trợ di dân dưới hình thức giống như một công ty hay trung tâm tìm kiếm việc làm, tư vấn về vấn đề học tập… Đây là những vấn đề trong tầm tay nhưng để thực hiện được thì vẫn còn phải cần rất nhiều những yếu tố phụ trợ. Chúng ta từng bước một tập trung nó lại, gom góp mỗi ngày một chút thì giáo phận Thanh Hóa ở bên ngoài liên kết với quê nhà và với nhau, di dân có nơi nương tựa…


Chúng ta cùng cầu nguyện qua lời bầu cử của Thánh Cả Giuse để đạt được ước mơ cuộc sống di dân ngày càng tốt đẹp hơn.


PV: Chúng con xin được tri ân Đức cha về những chia sẻ tâm huyết cho thấy niềm thương vô bờ của cha dành cho di dân và giáo dân giáo phận Thanh Hóa. Chúng con kính chúc Đức cha dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse Quan Thầy ngày càng khỏe mạnh, để luôn đồng hành với những người con xa quê cùng xây đắp ước mơ, xây dựng giáo phận ngày càng phát triển thăng tiến về mọi mặt.

Tiểu Yến (Ghi)

 

 

 

 

 

Hội Ngộ Di Dân Tại Miền Nam Lần Thứ XII

Thứ Hai, 01/05/2017, tại thánh đường giáo xứ Phú Trung – Tổng giáo phận Sài Gòn đã diễn ra ngày hội ngộ gặp mặt đồng hương giáo phận Thanh Hóa lần thứ XII.