Lượt xem: 30,671 - Ngày đăng: (17/11/2015)

Người nghèo theo đường hướng mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxico

Xung quanh chúng ta đó đây có những người sống một cuộc sống trong tình cảnh “sống vô gia cư, chết vô địa táng”, một cuộc sống “màn trời, chiếu đất”. Có thể nói rằng không có gì thiếu thốn, đau khổ cho bằng những người nghèo này. Họ sống với hai bàn tay trắng, nhà cửa, ruộng nương, nghề nghiệp không có. Cuộc sống của họ như những người hành khất bên vệ đường chờ những người đi ngang qua để tỏ lòng thương xót đối với họ, lời nói của những người nghèo không có trọng lượng trong xã hội. Chính vì hoàn cảnh đó họ không có gì để bám víu, không có gì để giữ riêng cho mình nên họ phó thác cuộc đời vào bàn tay Chúa Quan Phòng, họ phó thác trong tay Chúa mọi sự.

Trong các trình thuật của các sách Tin Mừng. Hơn bao giờ hết, Đức Giêsu đã mặc lấy tâm tình của con người, Ngài chia sẻ thân phận đau khổ với họ và Ngài đồng cảm với những thân phận xấu số, hẩm hiu. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương họ cách sâu xa “phúc thay ai sầu khổ, vì sẽ được Thiên chúa ủi an” (Mt 5,5). Đức Giêsu cho thấy người nghèo khổ luôn được Thiên Chúa ở cùng và Ngài còn kêu gọi mỗi người chúng ta đối với người đồng loại “ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11). Trong cuộc đời trần thế, Đức Giêsu đã đụng chạm đến người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi, những người đau yếu, bệnh tật. Chúa Giêsu đã cúi mình xuống băng bó tất cả mọi vết thương của con người, Ngài không nề hà và từ chối bất cứ một trường hợp nào. Một tình yêu vô vị lợi, bao dung và phổ quát mà các trình thuật đã ghi lại (Mt 8,1-4; 5-13; 14-16), (Mc 1,40-45), (Lc 5,12-14; 7,1-10), (Mc 2,1-12), (Lc 4,38-39), (Mc 5,21-43), (Lc 8,40-56)… Những người nghèo, đau khổ, bị bỏ rơi bên lề xã hội luôn là trọng tâm lời rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu.

Theo gương Thầy Chí Thánh, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đến với tất cả những người nghèo khổ, bất hạnh bằng cả con người của ngài. Ngài nói thay tiếng nói của họ, ngài quan tâm tới họ, đụng chạm tới họ bằng lời cầu nguyện, cách này hay cách khác. Có thể nói, Đức Giáo hoàng Phanxicô là “quan thày” của những người nghèo, người bị bỏ rơi bên lề xã hội, nói lên nỗi thống khổ của họ, sự thiếu thốn của họ, cổ xúy mục vụ cho họ với lòng thương xót. Có thể nói, Đức Giáo hoàng Phanxicô là Giáo hoàng của người nghèo, cho người nghèo và vì người nghèo. Trong đường hướng mục vụ của Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngài luôn chú tâm đến những người nghèo, những người bị bỏ rơi, những người bị xã hội chà đạp.

Trong Tông Huấn Evangelii Gaudium và thông điệp Laudato Si’  ngài luôn nhắc đến những người nghèo, người đau khổ, người bị bỏ rơi. Trái tim của ngài luôn thổn thức đối với những mảnh đời bất hạnh, những người không có gì để tự vệ, ngài kêu gọi “tất cả chúng ta vâng theo tiếng gọi của Chúa là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng” (Evangelii Gaudium, số 20). Theo đó, ngài kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa, xã hội đến với người nghèo trong khả năng của mỗi người. Ngài đang cần mỗi người cách này hay cách khác với lòng nhân ái của mình đến được những vùng đất ‘ngoại vi’ để ‘thăm viếng’ họ và để “chạm vào thân thể đau khổ của Đức Kitô nơi người khác” (Evangelii Gaudium, số 24) và Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi mọi người “nên ở lại bên cạnh người đã ngã dọc đường” (Evangelii Gaudium, số 46).

Đối với bối cảnh xã hội của ngày hôm nay thì người giàu luôn được trọng dụng và sống trên nhung lụa, trái lại người nghèo bị bỏ rơi, ít ai quan tâm và luôn bị xã hội hắt hủi, loại trừ. Quả thật, “hầu như vô tình, rốt cuộc chúng ta trở nên vô cảm trước tiếng kêu của người nghèo, không còn có thể khóc trước nỗi đau của người khác hay cảm thấy cần cứu giúp họ, coi như tất cả đều là trách nhiệm của một ai khác chứ không phải của chính chúng ta.” (Evangelii Gaudium, số 54). Và chính vì lẽ đó, chúng ta dửng dưng trước nỗi đau khổ của người khác mà lẽ ra chúng ta phải rộng tay giúp đỡ. Trong Tin Mừng của thánh sử Mátthêu đã tường thuật lại việc anh thanh niên đến xin Đức Giêsu điều mà anh ta ao ước để được sống trọn lành, “thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mt 19,16). Quả thật, đứng trước câu hỏi này, Đức Giêsu đã đề cập đến các điều răn anh phải giữ (Mt 19,18-19) và Đức Giêsu đã đem lòng yêu mến anh ta vì anh ta thực hiện được những điều luật đó. Thế nhưng, khi được Đức Giêsu khuyên bảo “nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi. Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19,21-22). Mối tương quan tha nhân với người nghèo của anh thanh niên này không có, anh muốn tích trữ cho riêng mình mà không có chia sẻ của cải đối với người đồng loại, thiếu tương quan đối với người nghèo. Theo nghĩa này, thánh Gioan Chrysostomô đã nói “không chia sớt của cải với người nghèo là ăn cắp của họ và lấy đi kế sinh nhai của họ. Của cải chúng ta giữ không phải là của riêng chúng ta, mà là của họ” (Evangelii Gaudium, số 57). Với tư tưởng này của thánh nhân thì người giàu phải xây dựng mối tương quan với người nghèo bằng cách giúp đỡ họ khi họ thiếu thốn. Và vì thế “sự thiếu sót về mặt phản ứng trước bi kịch này của người anh em, chị em của chúng ta là một dấu chỉ đánh mất cảm nghiệm về trách nhiệm đối với tha nhân, mà xã hội phải được xây dựng vào đó” (Laudato Si’, số 25).

Có thể nói rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô là Giáo hoàng của lòng thương xót. Trái tim ngài thổn thức đối với người nghèo, những người đau khổ, những người bị loại trừ trong xã hội. Ngài quan tâm họ trong cách mục vụ của ngài bằng hành động cũng như lời nói, và hành động của ngài đi trước lời nói, ngài ‘vui với người vui, khóc với người khóc’. Ngày 28/3/2013 tại trung tâm trại giam Casal del Marmo. Trong ngày lễ thứ năm Tuần Thánh, ngài đã cúi xuống rửa chân cho 2 người phụ nữ trẻ cùng với 10 người đàn ông tại một trung tâm giam giữ thanh niên. Trong chuyến tông du gần đây của Đức Giáo hoàng Phanxicô tới nước Mỹ, sau khi được các nghị sỹ mời đi ăn trưa, ngài đã từ chối để đến ăn trưa với người vô gia cư tại nhà thờ thánh Patrick, Washington.

Đức Giáo hoàng Phanxicô theo gương Thầy Chí Thánh thao thức với công cuộc truyền giảng Tin Mừng đem Chúa đến cho mọi người, cách đặc biệt những người chưa nhận biết Chúa, những người nghèo khổ, những người bị xã hội bỏ rơi. Ngài mong muốn mọi người đáp ứng những nhu cầu của người nghèo khổ, và phải ưu tiên truyền giảng Tin mừng cho họ. Cũng vậy, Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI, trong diễn từ cho các Giám mục Brazil tại nhà thờ chính tòa São Paolo ngày 11/5/2007 đã nói “người nghèo là những người ưu tiên được đón nhận Tin Mừng”.

Trong trình thuật của thánh sử Luca (Lc 10,29-37) tường thuật lại việc con người đối xử với nhau ra sao, và ai là người thân cận đối với người bị bỏ rơi bên vệ đường ? Quả thật, trong bối cảnh của cuộc sống hiện tại, thế giới mà con người chúng ta đang sống, con người như đang đứng trước sự dửng dưng của toàn cầu hóa. Có khi chúng ta dửng dưng trước những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, những người nghèo đang thiếu cơm ăn, áo mặc. Đứng trước những bối cảnh đó, chúng ta là thầy tư tế hay thầy Lê-vi, hay là người nhân hậu Samari trong những trường hợp như vậy? Có khi chúng ta là những thầy tư tế, thầy Lê-vi dửng dưng trước hoàn cảnh đau khổ của người khác, chúng ta nép bên ‘vệ đường’ của sự thiếu bác ái, chúng ta lách sang bên kia đường để ‘nhìn’ những con người thiếu thốn, đau khổ đang từng ngày phải đối mặt với khó khăn của cuộc sống. Thế giới và con người chúng ta đang đứng trước sự dửng dưng với người đồng loại, mà theo Đức Giáo hoàng Phanxicô thì “trong những điều kiện hiện hành của xã hội, có rất nhiều bất bình đẳng trong xã hội và luôn có nhiều người bị loại trừ, bị tước đi nhân phẩm, việc áp dụng nguyên tắc công ích là hệ quả hợp lý và không thể phủ nhận được, là một lời kêu gọi tình tiên đới và định kiến ưu tiên cho người nghèo khổ nhất” (Laudato Si’, số 158). Hơn bao giờ hết, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người Samari nhân hậu, biết cúi mình xuống để ôm lấy những mảnh đời bất hạnh, biết chia sẻ với những người bị thiếu thốn về tinh thần cũng như vật chất, giúp đỡ những gì họ cần, vì “ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40) và Chúa còn muốn con người tương quan với nhau “ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42).

Hình ảnh Da-kêu trong trình thuật Luca là một hình ảnh mang nghĩa cử rất đẹp, rất cao cả, rất tuyệt vời “thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Một hình ảnh mang tính bác ái cao cả, mang chiều kích hướng về tha nhân. Một chiều kích mang tính nhân văn cao thượng “nếu chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Da-kêu thực thi lòng bác ái đối với người nghèo, người đau khổ và ông đã ‘chạm tới hoàn cảnh sống’ của những con người nghèo khổ này. Cuộc sống con người không những mang chiều kích hàng ngang (thần linh) nhưng còn mang chiều kích hàng dọc (tha nhân). Và vì thế, những người giàu có đóng khung trước những nhu cầu của người nghèo, người đau khổ xung quanh và cho rằng “mình hoàn toàn độc lập với thực tại và mình là chủ tuyệt đối, thì nền tảng hiện sinh của mình sẽ tự nó bị đỗ vỡ” (Laudato Si’, số 117). Chính vì thế, lời của thánh Gioan Chrysostomô một lần nữa khẳng định chân lý khách quan này “không chia sớt của cải với người nghèo là ăn cắp của họ và lấy đi kế sinh nhai của họ. Của cải chúng ta giữ không phải là của riêng chúng ta, mà là của họ” (Evangelii Gaudium, số 57).

Nhìn vào bối cảnh thực tế hôm nay cho thấy, người giàu chi tiêu và ăn uống dư thừa, trong khi đó người nghèo không có để ăn, để mặc. Của cải và thức ăn của người giàu phung phí “cũng là cướp đi từ bàn ăn của người nghèo” (Laudato Si, số 50). Để xây dựng tình liên đới với tha nhân, chúng ta phải có trách nhiệm với nhau. Chúng ta không thể sống với một thế giới dửng dưng, một cuộc sống MACKENO là “đèn nhà ai nấy rạng” được. Mà chúng ta phải “đặt tình yêu trở thành lề luật cao nhất cho hành động” (Laudato Si, số 231). Chúng ta phải đi đến vùng đất ‘ngoại vi’ của cuộc đời để gặp gỡ, dấn thân, chia sẻ với người nghèo, người đau khổ, bất hạnh. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải học lấy gương của Chúa Giêsu nhân từ và chúng ta phải trở thành người Samari nhân hậu, biết đụng chạm đến những con người đau khổ và “băng bó vết thương” của họ, nâng đỡ họ. Chúng ta phải trở thành Da-kêu trong thời đại chúng ta đang sống là biết chia sẻ cơm ăn, áo mặc, chia sẻ của cải và giúp đỡ những gì họ cần, biết cho đi những gì họ đang cần

Cùng Đức Giáo hoàng Phanxicô lên đường tới những vùng đất ‘ngoại vi’ của Giáo phận Thanh Hóa.

Người nghèo trong xã hội luôn luôn bên cạnh và xung quanh chúng ta. Bài viết này người viết muốn chia sẻ một vài tâm tình đối với vùng đất Tây Bắc của Giáo phận Thanh Hóa. Ai đã từng đặt chân về giáo họ Kẻ Đầm giáo xứ Kẻ Đầm, giáo họ Trung Vực giáo xứ Kẻ Láng, giáo họ Thủy Long giáo xứ Hữu Lễ thì chắc hẳn có một cảm giác khó nói thành lời. Khó nói thành lời vì một mặt nó mang cảm xúc khó diễn tả, mặt khác nó diễn ra trong đầu những vị khách những câu hỏi như: đời sống sinh hoạt của họ như thế nào, các em ở đây học hành ra sao, kinh tế của các gia đình ở nơi đây dựa vào nguồn thu nhập nào? Bao nhiêu câu hỏi như thế cứ diễn ra trong đầu của những vị khách viếng thăm nơi đây.

Sở dĩ những câu hỏi như thế cứ diễn ra trong đầu những vị khách là vì họ thấy cuộc sống của những giáo dân nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn. Những người giáo dân nơi đây sống ven lưu vực Sông Chu, từng gia đình sống dưới mái “nhà” trú mưa, trú nắng là những chiếc thuyền chòng chành trên sông nước. Nguồn thu nhập của những giáo dân nơi đây chủ yếu dựa vào nghề chài lưới. Cuộc sống của họ càng trở nên vất vả hơn khi cá, tôm nơi đây mỗi ngày trở nên khang hiếm.

Chính vì thế, các con em nơi đây ít được tới trường và nếu có tới trường thì cũng đa phần là phải bỏ học sớm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhiều gia đình muốn cho các em đi học để sau này vượt nghèo, xóa đi cái đói khổ, cho các em biết cái chữ nhưng vì “lực bất tòng tâm” nên các em đành phải nghỉ học sớm để cùng với bố mẹ sống nghề chài lưới. Cuộc sống của những người dân nơi đây đang mang nhiều vất vả khi từng đêm phải thức trắng, để kiếm nguồn thu cho gia đình mà chẳng thu nhập được bao nhiêu. Nếu ai đã từng đi qua vùng sông nước này, tiếp xúc, gặp gỡ với các em thì mới thấy các em khao khát được đến trường để tiếp tục theo học như thế nào!? Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên các em phải nghỉ học sớm.

Mùa đông đang về, những người dân nơi đây lại sống với cái lạnh khắc nghiệt vì thiếu chăn cũng như áo ấm và cũng một phần là do ‘nhà’ không đủ che chắn những cơn gió lạnh, những cơn gió “ùa qua khe cửa” mang hơi nước làm cho cái lạnh thêm lạnh hơn. Hơn bao giờ hết, chúng ta cùng học theo gương của Chúa Giêsu “chính anh em hãy ho họ ăn”, và bằng cách này hay cách khác, chúng ta theo gương của Đức Giáo hoàng Phanxicô vị cha chung khả kính, chúng ta cùng lên đường đi đến với họ bằng lời cầu nguyện, sự chia sẻ, hiệp thông trong tình liên đới. Chúng ta cùng theo gương của Đức Giáo hoàng Phanxicô là: khi tôi ôm một người nghèo khổ, chính lúc đó Đức Giêsu đang ôm lấy tôi và ngài còn nói: nơi người nghèo, chúng ta nhìn khuôn mặt của Chúa Kitô, Đấng đã chịu nghèo hèn vì chúng ta.

Cuộc sống chúng ta có muôn màu “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Chúng ta cùng hiệp thông, chia sẻ với những người nghèo khổ, những người kém may mắn trong cuộc đời. Chúng ta học theo gương Thầy Chí Thánh ‘đụng chạm’ đến từng hoàn cảnh sống của mỗi người, và học nơi Thầy Chí Thánh “yêu như thầy đã yêu” và cùng với Đức Giáo hoàng Phanxicô lên đường đi đến vùng đất ‘ngoại vi’ của những nơi này để cho vùng đất này được thắm đượm tình bác ái, thắm đượm tình huynh đệ ngõ hầu công cuộc loan báo Tin Mừng được trở nên sống động, vui tươi và thắm đượm tình Chúa tình người chan hòa, yêu thương.

Song Lộc Triều Nguyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội Ngộ Di Dân Tại Miền Nam Lần Thứ XII

Thứ Hai, 01/05/2017, tại thánh đường giáo xứ Phú Trung – Tổng giáo phận Sài Gòn đã diễn ra ngày hội ngộ gặp mặt đồng hương giáo phận Thanh Hóa lần thứ XII.