Lượt xem: 17,373 - Ngày đăng: (02/05/2016)

Nghẹn ngào hai tiếng “di dân”

Từ khi còn ngồi trên mái trường trung học phổ thông, những vần thơ của Tế Hanh trong bài “Nhớ con sông quê hương” cho tôi cảm nhận đặc biệt. Tôi yêu thích khi những ca từ của nó còn chưa hiểu hết. Càng lớn lên, mỗi khi nhắc nhớ về quê hương, là hình ảnh con sông tâm hồn lại ào về. Đó có lẽ là tình yêu với mảnh đất mình gắn bó, là hiển linh của tình yêu nước vĩ đại mà mỗi người vẫn thường nghe nói. Không cần phải giải thích sâu xa, cường điệu hay vĩ mô quá, yêu nước chính là yêu những thứ thân thuộc xung quanh mình và nguyện vì nó mà làm tốt hơn.


Ai cũng mang trong mình thứ tình cảm ấy. Chỉ vì cuộc sống mưu sinh mà phải tạm “ra đi”. Có những người đi theo mùa vụ, một năm trở về mang theo bao khói sương. Có những người đi mãi, gắn mình với mảnh đất mới, nhưng lòng vẫn đau đáu về nơi “chôn nhau”. Khi con người ta không được gắn bó với những điều thân thuộc, phải lênh đênh kiếp bèo nổi, ấy chính là di dân.


Có người nói di dân là sướng, cũng có người nói di dân là khổ. Cuộc đời của mỗi người sướng khổ chỉ có thể đo được bằng thực tại vật chất. Nhưng thẳm sâu trong mỗi người xa quê ấy chính là sự khắc khoải của, nỗi nhớ, niềm thương về quê hương, “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”.


Vậy nên ngày hội ngộ di dân mới ra đời, để mỗi người con Thanh Hóa được tắm mát trong dòng sông quê hương ngay nơi đất khách, ngụp lặn trong tình đồng hương, tình huynh đệ mát lành.


Những ngày tháng tư vừa chạm ngõ, lòng tôi lại xôn xao với những kỷ niệm ùa về. Kỷ niệm về một Thanh Hóa rực vàng trong nắng mới, tiếng chim hót véo von buổi sáng cộng với những cơn gió mát lành, thẩn thơ bên những cánh đồng cói xanh, cánh đồng lúa vàng, cánh đồng mía bàng bạc… Và rồi những ngày tôi cùng với mọi người chuẩn bị cho ngày đại lễ di dân tại Miền Nam xa xôi. Vậy mà giờ đây tôi đã trở thành một di dân thực thụ.


Khi nói về về đại hội di dân Thanh Hóa tại Miền Nam, cuộc hành trình ngót nghét cũng hơn chục năm trời, nhiều người đặt câu hỏi với ban tổ chức: ý nghĩa làm gì vậy? Người ngoài nhìn vào chỉ thấy được một cuộc gặp gỡ, một thánh lễ và kết thúc ai nấy đều ra về. Kẻ ở xa, người ở gần tề tựu, nóng bức, câu chuyện chưa xong đã chào nhau. Ban tổ chức thì bỏ ra một số tiền không nhỏ để chuẩn bị mọi điều. Rồi các cha xứ từ tận Thanh Hóa Nam tiến chỉ để tham dự… Nhất là khi có những hình ảnh lộn xộn, những cử chỉ không được đẹp của một số bạn trẻ, những lời nói đôi khi vô tư, “đi theo phong trào chứ cũng chẳng biết để làm gì”… Rồi năm nào cũng giống năm nào, cũng bằng ấy nghi thức, có thấy mới lạ gì đâu…


Mỗi người hiểu sai như thế lan ra, vô tình những mục đích cao cả mà biết bao con tim chụm lại để tổ chức ngày họp mặt bị che lấp. Có thể các bạn trẻ, khi những cuộc vui hào nhoáng bên ngoài có sức hút hơn, các bạn có thể đánh rơi mất một dịp đặc biệt, nhưng tôi tin, những người con Thanh Hóa luôn trân trọng khoảnh khắc hiếm hoi này.


Tôi có dịp tham gia bốn lần đại hội, chưa bao giờ tôi nguôi xúc động khi nhìn thấy hình ảnh những người phụ nữ vây quanh lấy Đức cha, cha xứ của mình, len lén giấu đi những giọt nước mắt chảy vội. Những lúc ấy tôi có cảm giác như những ngày còn bé thơ, mẹ gửi tôi nhà hàng xóm để đi làm. Tối về thấy mẹ, vừa mừng vừa tủi. Tôi nghĩ rằng, lúc ấy trong lòng những người phụ nữ ấy, già có, trẻ có, nét pha sương có … được cảm thông, được yêu thương nên rơi lệ vì hạnh phúc. Có thể đó cũng chỉ là cảm nhận của riêng tôi, nhưng tôi đã thấy được họ khóc vì vui. Lặng lẽ quan sát những em bé tung tăng của đại hội, chắc mỗi năm sau gặp lại tôi không nhận ra chúng nữa bởi chúng lớn lên hàng ngày. Chúng sà vào những câu chuyện, thơm lên đôi má của các cha xứ quê hương – người mà chúng có lẽ chưa từng gặp mặt. Nét hồn nhiên của con trẻ như để lại trong tôi trăn trở nhiều hơn. Rồi đây trong số chúng có đứa trở về, có đứa ở lại, tình quê hương với chúng sẽ như thế nào nếu như người lớn không có những dịp được sống trong tình đồng hương…


Bất giác tôi nhớ lại câu chuyện về những em bé di dân đã thiệt mạng trong hành trình vượt biển sang Châu Âu trong năm vừa qua. Tự nhiên tôi thấy rùng mình. Bởi vì chúng ta đều là di dân nhưng chúng ta còn hạnh phúc hơn rất nhiều. Trong lòng Giáo hội, trong lòng giáo phận Thanh Hóa, di dân chưa từng bị lãng quên. Mà hơn nữa, di dân còn là mối ưu tư đặc biệt, nỗi khắc khoải khôn nguôi của các mục tử quê nhà.


Năm nay, nhân dịp Năm Thánh Lòng thương xót Chúa, các cha quê hương cố gắng sắp xếp công việc để vào thăm di dân nhiều hơn. Con số dự tính đông đủ hơn mọi năm rất nhiều. Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Giám mục giáo phận Thanh Hóa cũng là chủ tịch UB Mục vụ di dân Giáo hội Việt Nam kêu gọi, mong ngóng đàn chiên di dân có thể nắm bắt cơ hội này, không những được kết nối với nhau trong mối tình hiệp nhất, không những sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống ba chìm bảy nổi, không những có thể giúp nhau thăng tiến trong mọi mặt… mà còn có cơ hội kín múc ơn thiêng đại xá làm hành trang cho cuộc sống đức tin trước bão tố thực tại.


Hy vọng rằng bà con di dân Thanh Hóa đáp lại lời mời gọi ấy của Đức cha Giuse và Linh mục đoàn giáo phận, cùng gác lại những lo toan đời thường, trở về với ngày họp mặt, để tình đồng hương, tình yêu lan tỏa rộng lớn hơn.

Én Trần

 

Hội Ngộ Di Dân Tại Miền Nam Lần Thứ XII

Thứ Hai, 01/05/2017, tại thánh đường giáo xứ Phú Trung – Tổng giáo phận Sài Gòn đã diễn ra ngày hội ngộ gặp mặt đồng hương giáo phận Thanh Hóa lần thứ XII.