Lượt xem: 4,922 - Ngày đăng: (17/06/2016)

Từ bỏ chính Mình - CN TN XII C

TỪ BỎ CHÍNH MÌNH - CN TN XII C

 

Thường thì trong các giao ước hay hợp đồng, người ta đặt ra những điều kiện này điều kiện kia với mục đích để ràng buộc lẫn nhau. Với Chúa Giêsu cũng vậy. Ngài cũng đặt điều kiện đối với tất cả những ai muốn đi theo Ngài: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Mt 9,23). Như vậy, bất cứ ai muốn đi theo Chúa Giêsu, nghĩa là tin theo Ngài và tin vào Ngài, thì không những phải từ bỏ mọi sự như từ bỏ vợ con, cha mẹ, anh chị em, họ hàng, bạn hữu… mà còn phải chấp nhận từ bỏ chính mình.

 

Nói đến từ bỏ thì người ta có thể từ bỏ được mọi sự như vợ đẹp con khôn, của cải vật chất… Nhưng từ bỏ chính mình thì quả thực là rất khó. Có thể nói không có gì khó cho bằng từ bỏ chính mình. Bởi vì từ bỏ chính mình là phải từ bỏ chính cái tôi của mình. Mà cái tôi đó lại cực kỳ khó loại bỏ. Nhiều người có thể bỏ của cải, bỏ gia sản, bỏ cha mẹ vợ con được… Nhưng không chừng mình bỏ cái này, bỏ cái nọ với mục đích làm cho cái tôi của mình nó to phình ra, nó lớn lên, chứ không phải từ bỏ chính mình. Cho nên trong thư của Thánh Phaolô, ngài nói: “Cho dù tôi có dâng cả gia tài của tôi để làm công việc bác ái đi nữa, mà nếu tôi không có đức ái, thì cũng chẳng là cái gì…” Tôi không hiểu. Bởi vì người ta đã hy sinh cả gia tài để làm phúc bố thí cho người nghèo, mà lại bảo người ta không có đức ái. Ấy thế nhưng dần dần mình sống trong đời, mình suy gẫm thì mới cảm nghiệm thấy lời của thánh Phaolô thật là chí lý. Thật vậy, có nhiều khi người ta dâng nhiều thứ lắm, nhưng không phải vì đức ái, không phải vì lòng mến, mà là vì sự ích kỷ, vì cái tôi của mình được lớn lên, được phình to ra. Chẳng hạn có những người dâng rất nhiều tiền để xây dựng nhà Chúa, nhưng với điều kiện là phải làm theo ý của tôi; phải làm theo sở thích của tôi; phải làm sao cho cả và thiên hạ biết rằng tôi là người dâng nhiều tiền nhất. Và khi người ta làm như thế thì không phải là bỏ chính mình, mà là làm cho cái tôi ích kỷ của mình lớn phình lên.

 

Còn với Chúa Giêsu, Ngài đã thực sự từ bỏ chính mình. Ngài từ bỏ chính mình bằng việc tự hủy mình ra không qua mầu nhiệm thập giá. Cho nên một điều mà chúng ta cần phải nhớ rằng: Mầu nhiệm hủy mình ra không là cốt lõi của thập giá. Chúa Giêsu đã tự nguyện hủy mình ra không bằng chính cái chết trên thập giá.

 

Phần chúng ta, chúng ta đã và đang đi theo Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta đã thực sự thi hành triệt để lời mời gọi của Chúa Giêsu chưa? Chúng ta có thể từ bỏ mọi sự, nhưng còn cái tôi của mình, chúng ta có thực sự từ bỏ được không? Hay chúng ta từ bỏ theo kiểu “bỏ con tép bắt con tôm”, nghĩa là từ bỏ cái này cái kia để rồi làm cho cái tôi của mình nó càng lớn phình lên. Và nếu là như thế thì chúng ta nào đã thật sự từ bỏ chính mình? Vì thế, mỗi người chúng ta hãy chiêm ngắm thánh giá Chúa Kitô, để chúng ta học nơi Ngài bài học khiêm nhường, từ bỏ chính mình tột bậc, tự hủy mình ra không. Điều đó được diễn tả trong thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Philipphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì  địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nộ lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…” (Pl 2,6-8).

 

Để sống mầu nhiệm hủy mình ra không, nghĩa là từ bỏ chính mình, thiết tưởng rằng mỗi người chúng ta hãy tâm niệm lời dạy của Đức Giáo Hoàng Pio 12, khi ngài gặp gỡ các gia đình tại Roma, ngài nói: “Gia đình nào mà người chồng chỉ biết hy sinh quên mình vì vợ con; người vợ chỉ biết hy sinh quên mình vì chồng con; con cái chỉ biết hy sinh quên mình vì cha mẹ và anh chị em, thì gia đình ấy là thiên đàng…” Như vậy, trong gia đình nếu mọi người đều biết hy sinh quên mình vì nhau; mọi người đều biết từ bỏ chính mình là những thói hư tật xấu vì người khác, thì gia đình đó sẽ là thiên đàng.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã làm gương cho chúng con về sự từ bỏ chính mình qua mầu nhiệm hủy mình ra không trên thập giá. Xin cho mỗi người chúng con cũng biết từ bỏ chính bản thân mình, từ bỏ chính cái tôi của mình, để nhờ đó mà Chúa sẽ sống và lớn mãi trong tâm hồn chúng con. Amen.

 

Lm Micae Trịnh Ngọc Tứ

Ý cầu nguyện tháng 12 / 2016
  • Ý chung

  • Cầu xin lòng thương xót Chúa. Xin cho tất cả mọi người có thể kinh nghiệm lòng thương xót Chúa, Đấng không bao giờ mệt mỏi tha thứ.

  • Ý truyền giáo

  • Cầu cho các gia đình. Xin cho các gia đình, đặc biệt những gia đình đang đau khổ có thể tìm thấy trong sinh nhật của Đức Giêsu một niềm hy vọng.