Lượt xem: 4,734 - Ngày đăng: (24/06/2016)

Suy niệm CN XIII TNC: Nóng Giận

SUY NIỆM

CHÚA NHẬT 13 TN - NĂM C

 

 

NÓNG GIẬN

 

Theo các nhà tâm lý học, có tới 50% người đến tư vấn về những vấn đề có liên quan đến sự nóng giận. Sự nóng giận có thể làm cho con người phát sinh ra nhiều bệnh tật. Một người có tiềm ẩn bệnh cao máu (bệnh huyết áp), khi nóng giận sẽ làm cho căn bệnh càng biểu hiện lâm sàng một cách rõ ràng và thậm chí còn nặng hơn. Hoặc người mắc bệnh đau dạ dày, khi nóng giận sẽ làm cho căn bệnh nặng hơn… Hơn nữa, sự nóng giận phá hủy sự giao tiếp, làm đỗ vỡ các mối liên hệ và hủy hoại cả niềm vui của nhiều người. Điều đáng buồn là con người có khuynh hướng biện minh cho cơn giận của họ thay vì nhận lấy trách nhiệm về nó.

 

Trong bài Tin mừng hôm nay, Giacobe và Gioan cũng đã nóng giận với dân làng Samariavì họ không chấp nhận cho thầy trò vào trú ngụ trước khi vào Giêrusalem. Các ông nóng giận đến nỗi các ông thưa với Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?” (Lc 9,56). Bằng chứng cho thấy lúc bấy giờ, niềm tin của các ông còn quá yếu kém đến nỗi không trừ nổi một tên quỷ. Giả như Chúa Giêsu lúc bấy giờ đồng ý mà cho các ông có khả năng khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt cả làng Samaria, thì hậu quả nghiêm trọng cực xấu sẽ xảy ra từ sự nóng giận.

 

Vì thế, Chúa Giêsu không những không cho phép các ông làm điều ấy, mà Ngài còn quở trách các ông rằng: “Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến, không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta” (L 9,55). Chúa Giêsu biết nóng giận sẽ gây ra một nhiều hậu quả xấu không lường. Bởi vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa : “Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa” (Gc 1,19b-20).

 

Tuy nhiên, có người lại cho rằng chính Chúa Giêsu cũng có lúc nổi cơn nóng giận. Bằng chứng cho thấy là khi Ngài nổi cơn thịnh nộ lấy dây làm roi đánh đuổi tất cả các con buôn vì làm ô uế trong đền thờ Giêrusalem. Để hiểu được điều này chúng ta cần phải biết rằng có hai loại nóng giận: một loại nóng giận tội lỗi và một loại nóng giận gọi là “nóng giận thánh” (cơn giận chính đáng). Ví dụ như cơn nóng giận của Chúa Giêsu đánh đuổi con buôn trong đền thờ; Cơn nóng giận của vua David sau khi nghe ngôn sứ Nathan chia sẻ về sự bất công giữa người giàu và người nghèo ăn thịt chiên… cho nên không phải cơn nóng giận nào cũng là tội.

 

Nhưng sự nóng giận biến thành tội lỗi khi nó có động cơ ích kỷ. Sự nóng giận trở thành tội lỗi khi nó được phép tuôn tràn ra mà không kiềm chế, dẫn đến một viễn cảnh mà trong đó sự tổn thương nhân lên gấp bội: “Kẻ ngu để cơn giận tự do bộc phát, còn người khôn biết dằn xuống cho êm” (Cn 29,11), để lại sự phá hủy ngay sau nó, mà thường là những hậu quả không thể sửa lại được. Sự tức giận cũng trở thành tội lỗi khi người tức giận khước từ sự nguôi ngoai, cứ nắm giữ sự oán giận hay để nó ở trong lòng : “Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng” (Ep 4,26-27). Điều này có thể gây ra sự trầm cảm và cáu gắt với những điều nhỏ nhặt mà thường là những điều không có liên quan đến vấn đề gây ra sự tức giận.

 

Vậy chúng ta có thể kiềm chế sự nóng giận được không? Câu trả lời là có thể. Vâng chúng ta có thể kiềm chế cơn giận theo Kinh thánh bằng cách nhận ra và thừa nhận sự nóng giận ích kỷ hay là cách xử lý sai cơn nóng giận của chúng ta là tội lỗi.

 

Chúng ta có thể kiềm chế tính nóng giận của mình theo Thánh kinh bằng cách nhường chỗ cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Đây là điều đặc biệt quan trọng trong những trường hợp bất công, khi mà con người “tội lỗi” đối xử không công bằng với người “vô tội”. Sách Sáng thế 50,19 và Rô-ma 12,19 đều nói rằng chúng ta không được đóng vai của Thiên Chúa : “Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Đức Chúa phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. Đức Chúa Trời là Đấng công bình và chúng ta có thể tin cậy Ngài là Đấng biết hết mọi điều và nhìn thấy mọi điều để hành động cách công bình” (Rm 12,19).

 

Chúng ta cũng có thể kiềm chế cơn nóng giận theo Thánh kinh bằng cách quay lưng lại với tội lỗi vì sự tốt lành : “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,21). Đây là điểm mấu chốt để biến đổi cơn nóng giận của chúng ta trở thành tình yêu thương.

 

Cuối cùng để chúng ta tránh được cơn nóng giận, chúng ta phải luôn tâm niệm lời của Chúa Giêsu: “Con Người đến, không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta” (L 9,55). Vâng đúng thế! Chúa Giêsu đến để cứu chữa những gì đã hư mất. Ngài đến để cứu độ nhân loại lầm than tội lỗi. Cho nên, khi chúng ta nóng giận là chúng ta không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa. Mà không thực thi theo đường lối công chính của Thiên Chúa, thì có nghĩa là chúng ta bị xúi giục bởi thần khí gian tà, thần khí mà đã xúi giục Giacobe và Gioan muốn thiêu đốt cả làngSamaria.

 

Lạy Chúa, trong cuộc sống, chúng con rất dễ nóng giận với những người xung quanh. Những chuyện nhỏ bé không đáng phải nổi giận, nhưng chúng con lại nổi cơn thịnh nộ tam bành. Xin cho chúng con biết luôn bắt chước sống theo gương Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường. Xin cho chúng con luôn thực thi lời dạy của thánh Phaolô: ‘Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa’. Amen.


Rev. Micae trịnh Ngọc Tứ

Các tin khác

Ý cầu nguyện tháng 12 / 2016
  • Ý chung

  • Cầu xin lòng thương xót Chúa. Xin cho tất cả mọi người có thể kinh nghiệm lòng thương xót Chúa, Đấng không bao giờ mệt mỏi tha thứ.

  • Ý truyền giáo

  • Cầu cho các gia đình. Xin cho các gia đình, đặc biệt những gia đình đang đau khổ có thể tìm thấy trong sinh nhật của Đức Giêsu một niềm hy vọng.