Lượt xem: 3,080 - Ngày đăng: (21/11/2016)

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Công nghị Hồng y và trao mũ cho các tân Hồng y

WHĐ (20.11.2016) – Thứ Bảy 19-11-2016, tại Vương cung thánh đường Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Công nghị hồng y thường lệ và công khai để trao mũ, nhẫn hồng y và chỉ định tước hiệu nhà thờ cho các tân Hồng y đã được ngài công bố hôm 09-10-2016.



Nghi thức trao mũ hồng y được cử hành dưới hình thức một buổi Phụng vụ Lời Chúa.



Sau lời chào phụng vụ của Đức Thánh Cha, Đức tân Hồng y Mario Zenari, Sứ thần Toà thánh tại Syria, thay mặt cho các tân Hồng y chào và cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau đó Đức Thánh Cha đọc lời nguyện, rồi cộng đoàn nghe đoạn Phúc Âm Luca 6,27-32 và huấn dụ của Đức Thánh Cha.



Sau đây là toàn văn bài huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô:



Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI và Đức giáo hoàng Phanxicô với các tân Hồng y tại Đan viện Mater Ecclesiae



Đoạn Phúc âm chúng ta vừa nghe (x. Lc 6,27-36) thường được gọi là “Bài giảng ở đồng bằng”. Sau khi chọn Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đến với một đoàn người đông đảo đang chờ để nghe Người và để được chữa lành. Việc Chúa gọi các Tông đồ gắn liền với việc “đi ra”, xuống vùng đồng bằng để gặp gỡ đoàn người, như Phúc âm nói, đang “bị thần ô uế quấy nhiễu” (x. c 18). Thay vì giữ các Tông đồ ở lại trên đỉnh núi, Chúa Giêsu chọn họ để đưa họ vào giữa đám đông; giữa những người đang lao đao khốn khó, trên “đồng bằng” của cuộc sống hằng ngày. Như thế Chúa chỉ cho các Tông đồ, và cho cả chúng ta, thấy  rằng chúng ta đến được những đỉnh cao thực sự ở nơi đồng bằng, vì đồng bằng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta gặp được đỉnh cao nơi ánh nhìn và trên hết nơi lời mời gọi: “Hãy có lòng thương xót, như Cha anh em là Đấng hay thương xót” (c. 36).



Lời mời gọi này đi kèm với bốn mệnh lệnh, hay bốn lời khuyên mà Chúa dùng để uốn nắn ơn gọi của các môn đệ qua những hoàn cảnh sống cụ thể hằng ngày. Đó là bốn hành động sẽ định hình, thể hiện và làm cho hành trình của các môn đệ trở nên hữu hình. Chúng ta có thể nói đó là bốn giai đoạn khai tâm về lòng thương xót: yêu thương, làm điều lành, chúc lành và cầu nguyện. Tôi nghĩ mọi người chúng ta có thể đồng ý về những điều ấy và thấy rằng chúng cũng hợp lý. Đó là bốn điều chúng ta có thể dễ dàng thực hiện cho những người bạn chúng ta, cho những người ít nhiều gần gũi với chúng ta, những người chúng ta quý mến, những người có cùng sở thích và thói quen như chúng ta. Vấn đề là Chúa Giêsu bảo chúng ta làm những điều ấy cho ai. Ở chỗ này Người rất rõ ràng. Chúa nói thẳng chứ không dùng kiểu nói quanh. Người bảo chúng ta: hãy yêu thương kẻ thù các con, hãy làm điều lành cho những người ghét các con, hãy chúc lành cho những người nguyền rủa các con, hãy cầu nguyện cho những người xử tệ với các con (x. cc. 27-28).



Đây không phải là những điều chúng ta bỗng dưng làm với những người mà chúng ta coi như đối thủ hay kẻ thù. Phản ứng đầu tiên theo bản năng của chúng ta là loại trừ, là nghi ngờ hay nguyền rủa họ. Thường thì chúng ta coi họ là “ma quỷ”, để có lý do “thánh thiện” biện minh cho việc chúng ta loại trừ họ. Chúa Giêsu bảo chúng ta làm ngay điều ngược lại với kẻ thù của chúng ta, với những người ghét chúng ta, nguyền rủa hay vu khống chúng ta. Chúng ta phải yêu thương họ, làm điều lành cho họ, chúc lành và cầu nguyện cho họ.



Ở đây chúng ta thấy mình đứng trước một trong những điểm rất đặc trưng trong sứ điệp của Chúa Giêsu, nơi ẩn giấu quyền năng và bí nhiệm của Người. Đây cũng là nguồn mạch niềm vui của chúng ta, sức mạnh của sứ mạng và lời chúng ta rao giảng Tin Mừng. Kẻ thù của tôi là người mà tôi phải yêu thương. Trong trái tim Thiên Chúa không có kẻ thù. Thiên Chúa chỉ có các con cái. Chúng ta là người dựng lên những bức tường, xây dựng các rào cản và dán nhãn cho con người. Thiên Chúa có con cái, chính là để không ai phải bị loại bỏ. Tình yêu của Thiên Chúa thì trung tín với con người, vì đó là một tình yêu sâu thẳm, một tình phụ tử không bao giờ bỏ rơi chúng ta, cả khi chúng ta lầm lạc. Chúa Cha của chúng ta không chờ đợi chúng ta tốt lành rồi mới yêu chúng ta, Ngài không đợi chúng ta tốt thêm một chút hoặc hoàn hảo hơn rồi mới yêu chúng ta; Ngài yêu thương chúng ta vì Ngài chọn yêu chúng ta, Ngài yêu chúng ta vì đã làm cho chúng ta nên con cái của Ngài. Ngài yêu chúng ta ngay khi chúng ta còn là thù địch (x. Rm 5,10). Tình yêu vô điều kiện của Chúa Cha dành cho tất cả mọi người đã và vẫn là điều kiện tiên quyết thực sự đòi tâm hồn đáng thương của chúng ta phải hoán cải, một tâm hồn có xu hướng phán xét, chia rẽ, chống đối và kết án. Biết rằng Thiên Chúa vẫn yêu thương cả những người chối bỏ Ngài, đó chính là một nguồn mạch vô tận cho chúng ta tín thác và thúc đẩy chúng ta thi hành sứ mạng. Dù đôi tay chúng ta có nhơ nhớp thế nào, cũng không thể ngăn được Thiên Chúa đặt vào đấy Sự Sống mà Ngài muốn ban tặng cho chúng ta.



Thời đại của chúng ta là một thời đại có nhiều vấn đề và nghi nan trầm trọng trên toàn cầu. Chúng ta sống trong một thời kỳ mà sự phân hoá và loại trừ gia tăng nhanh chóng và được xem như cách thế duy nhất để giải quyết các xung đột. Chẳng hạn, chúng ta thấy những người xa lạ hoặc người di dân, hay người tị nạn ở giữa chúng ta nhanh chóng trở thành một mối đe dọa, rồi thành kẻ thù. Kẻ thù vì họ đến từ một đất nước xa xôi hoặc có những phong tục khác. Kẻ thù vì màu da, vì ngôn ngữ hoặc vì tầng lớp xã hội của họ. Kẻ thù vì họ suy nghĩ khác và lại còn có tín ngưỡng khác. Kẻ thù bởi vì... Và, dù chúng ta có ý thức hay không, cách suy nghĩ ấy trở thành lối sống và hành động của chúng ta. Mọi sự và mọi người đều mang dáng vẻ thù nghịch. Dần dần, những khác biệt của chúng ta trở thành những triệu chứng của thù nghịch, đe doạ và bạo lực. Biết bao vết thương đã hằn sâu vì bệnh dịch thù nghịch và bạo lực ấy, để lại vết tích nơi thân thể của nhiều người không thể tự bảo vệ mình, vì tiếng kêu của họ yếu ớt và câm lặng bởi căn bệnh dửng dưng này!



Biết bao hoàn cảnh bấp bênh và đau khổ đã nảy sinh từ mối thù nghịch đang gia tăng giữa các dân tộc và giữa chúng ta! Phải, giữa chúng ta, trong các cộng đoàn của chúng ta, các linh mục của chúng ta, các cuộc hội họp của chúng ta. Con vi trùng phân hoá và thù nghịch ăn sâu vào lối suy tư, cảm nhận và hành động của chúng ta. Chúng ta không miễn nhiễm với tình trạng này và chúng ta phải chú ý để những thái độ ấy không chiếm chỗ được trong tâm hồn chúng ta, vì điều này trái ngược với sự phong phú và tính phổ quát của Giáo hội, vốn rất rõ ràng hiển nhiên trong Hồng y đoàn. Chúng ta đến từ những miền đất xa xăm, chúng ta có những phong tục, màu da, ngôn ngữ và hoàn cảnh xã hội khác nhau, chúng ta suy tư khác nhau và cử hành niềm tin theo những nghi thức khác nhau. Trong những điều này chẳng có gì làm cho chúng ta trở thành kẻ thù, nhưng đó lại là một trong những điều phong phú lớn nhất của chúng ta.



Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu không ngừng “xuống núi”. Người không ngừng muốn bước vào nơi giao lộ của lịch sử chúng ta để loan báo Tin mừng Lòng Thương xót. Chúa Giêsu tiếp tục kêu gọi và sai chúng ta vào “đồng bằng”, nơi dân tộc chúng ta đang sống. Ngài tiếp tục mời chúng ta hiến thân nâng đỡ dân tộc chúng ta trong niềm hy vọng, để họ có thể trở nên những dấu chỉ hòa giải. Là Giáo hội, chúng ta không ngừng được mời gọi mở mắt nhìn những vết thương của biết bao anh chị em chúng ta đang bị tước mất phẩm giá.



Anh em tân Hồng y thân mến, hành trình đi về trời bắt đầu nơi đồng bằng, nơi cuộc sống hằng ngày nhọc nhằn và sẻ chia, tiêu hao và cho đi. Nơi món quà chúng ta trao tặng hằng ngày trong âm thầm. Đỉnh cao của chúng ta là phẩm chất này của tình yêu; mục tiêu và khát vọng của chúng ta là cùng với dân Chúa, trong cuộc sống hằng ngày, nỗ lực trở nên những con người có khả năng tha thứ và hoà giải.



Anh em thân mến, hôm nay mỗi người trong anh em đều được mời gọi ấp ủ trong tim mình, và trong lòng Giáo hội, mệnh lệnh hãy thương xót như Chúa Cha. Và nhìn nhận rằng “nếu có điều gì đó làm cho chúng ta phải trăn trở và lương tâm của chúng ta phải áy náy, đó là thực tế có rất nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi có được nhờ tình bạn với Chúa Giêsu Kitô, mà không có một cộng đoàn đức tin nâng đỡ, không tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu trong đời”. (Evangelii Gaudium, 49).



Đây là lần thứ ba Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập Công nghị Hồng y thường lệ để đặt thêm các tân Hồng y; lần đầu vào ngày 22-02-2014 và lần thứ hai vào ngày 14-02-2015. Tổng cộng Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt thêm 56 Hồng y.



Trong số 17 tân Hồng y lần này, Đức tân Hồng y Sebastian Koto Khoarai, O.M.I. (87 tuổi), nguyên Giám mục giáo phận Mohale’s Hoek, Lesotho, đã không có mặt vì lý do sức khoẻ.



Các tân Hồng y đều thuộc đẳng Hồng y Linh mục, ngoại trừ các Đức hồng y Zenari, Farrell, và Simoni thuộc đẳng Phó tế. Sau khi kết thúc Công nghị, Đức Thánh Cha Phanxicô và 16 tân Hồng y đã đến thăm Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô tại Đan viện Mater Ecclesiae để nhận phép lành của ngài.



(Bài Huấn dụ: chuyển ngữ theo bản tiếng Anh của Libreria Editrice Vaticana)


 
Minh Đức chuyển ngữ

Hội Ngộ Di Dân Tại Miền Nam Lần Thứ XII

Thứ Hai, 01/05/2017, tại thánh đường giáo xứ Phú Trung – Tổng giáo phận Sài Gòn đã diễn ra ngày hội ngộ gặp mặt đồng hương giáo phận Thanh Hóa lần thứ XII.