Lượt xem: 1,338 - Ngày đăng: (20/11/2011)

Bài giảng của Đức Giám Mục Giáo Phận tại linh địa La Vang, ngày 14.8.2010


BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH 

 

GIÁM MỤC GIÁO PHẬN THANH HOÁ 

 

TRONG THÁNH LỄ 12g ĐÊM NGÀY 13-08-2010 

 

NHÂN DỊP PHONG TRÀO LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA TOÀN QUỐC 

 

HÀNH HƯƠNG TẠI TRUNG TÂM THÁNH MẪU LA VANG 

 

Anh chị em thân mến,

 

Một lần nữa, chúng ta lại có dịp quây quần chung quanh người Mẹ yêu dấu nhất của chúng ta, Mẹ La Vang, Mẹ của Giáo Hội Việt Nam và Mẹ của dân tộc Việt Nam. Không phải chỉ hôm nay mà thôi. Đã từ lâu lắm rồi, mỗi lần đi qua đây hay mỗi khi mùa hạ sắp tàn, vào dịp lễ Mông Triệu, chúng ta lại nghe lòng xôn xao nỗi niềm nhung nhớ : “Mẹ ơi, xa mấy thì xa, bận mấy thì bận, ít là mỗi năm một lần, bằng mọi giá con phải về La Vang thăm Mẹ. Gặp được Mẹ, con mới có thêm can đảm, có thêm niềm vui để tiếp tục con đường.” 

 

Tại đây, Mẹ đã hiện ra cứu giúp giáo hữu La Vang gian nan khốn khó vì cơn bách hại năm 1798. Vì đó và kể từ đó, La Vang trở thành linh địa cho tất cả những ai đến với Mẹ. Tại đây, hàng hàng lớp lớp người, lương cũng như giáo, đã nhận được ơn lành của Mẹ. Bức tường đầy đặc bia tạ ơn đàng kia là một bằng chứng mọi người đều nhìn thấy. Không chỉ có bia đá mà thôi. Tại đây, từng ngày, từng giờ, muôn vàn lời kinh và ca khúc tri ân đã không ngừng vang lên. Tại đây, hàng vạn cuộc hành hương đã được thực hiện. Tại đây, hàng trăm hàng nghìn thánh lễ kế tiếp nhau đã được cử hành.

 

Đêm hôm nay, hoà chung tâm tình với tất cả những ai đã đến đây, đang có mặt tại đây và sẽ đến đây với Mẹ, chúng ta đốt lên những ngọn bạch lạp này để tỏ lòng yêu mến Mẹ, nhất là để đào sâu chủ đề CÙNG MẸ LA VANG ĐẾN VỚI LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA mà ban tổ chức đã chọn cho cuộc hành hương 15-08 năm nay. 

 

Thật ra đó là một chủ đề rất thiết thực. Thiết thực bởi nó đáp ứng khát vọng sâu xa nhất của mỗi người chúng ta. Càng thêm tuổi, chúng ta càng thấm thía cái kinh nghiệm cuộc đời này lắm nông nhiều nỗi. Vì cuộc đời lắm nông nhiều nỗi nên ai trong chúng ta cũng đều khát vọng một cõi yên hàn. Vì cuộc đời lắm nông nhiều nỗi nên chúng ta mới về đây. Về đây để nương náu Mẹ, để xin Mẹ an ủi vỗ về. Nhưng Mẹ có đáp ứng được không ? Và nếu Mẹ không đáp ứng được thì ai có đủ quyền năng để tạo cho chúng ta một cõi yên hàn ? 

 

Thưa anh chị em, 

 

Câu trả lời đã có sẵn trong phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Chúng ta sẽ thấy rằng Đấng tạo ra cõi yên hàn không phải là Mẹ Maria. Trong bài đọc thứ nhất, qua miệng tiên tri Edêkien, Thiên Chúa đã phán rằng “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ” (Ed 24, 15). Mỗi người chúng ta đều là một con chiên được Chúa tận tình chăm sóc. Đó chính là bí mật của Lòng Thương Xót Chúa. Thiên Chúa khẳng định rằng Ngài quan tâm đến từng số phận con chiên là mỗi người chúng ta : “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 24, 16). 

 

Mẹ Maria đã đáp lại lời kêu cầu của giáo hữu La Vang năm xưa và của chúng ta ngày nay. Mẹ không phải là Chúa nên Mẹ không trực tiếp ban ơn. Nhưng Mẹ cũng cúi xuống từng cuộc đời chúng ta. Mẹ lắng nghe chúng ta và chuyển cầu cho chúng ta. Vậy đêm hôm nay, thưa anh chị em, chúng ta hãy mạnh dạn tâm sự với Mẹ về hoàn cảnh cụ thể của chúng ta :

 

“Mẹ ơi, con khổ tâm lắm, Mẹ hãy cùng con xin Chúa trả lại bằng an.

 

“Mẹ ơi, gia đình con chưa yên ấm, xin Mẹ nói với Chúa giúp con.  

 

“Mẹ ơi, dân tộc VN còn nhiều hận thù lắm, xin Mẹ cầu Chúa thương tình. 

 

“Mẹ ơi, GHVN còn nhiều gian nan lắm, xin Mẹ hãy bầu cử”. 

 

“Mẹ ơi, con đã tìm lại được hạnh phúc, Mẹ hãy cùng con cảm tạ Chúa. 

 

Nhờ Mẹ đệ đạt, lời kinh đêm nay của chúng ta sẽ thực sự làm Chúa chạnh Lòng Thương Xót. Điều kiện tiên quyết là chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận chúng ta là tội nhân đang cần đến lượng khoan hồng từ bi của Chúa. Do lối sống chưa phù hợp với Tin Mừng, mỗi người chúng ta là một con chiên lạc lối. Lạc thú đê hèn, của cải trần gian, khô khan cứng cỏi, hận thù ganh ghét… Đó là những con đường mê lầm rất có thể chúng ta đang theo đuổi. Nhưng những con đường ấy sẽ đưa ta về đâu ? 

 

Thưa anh chị em,

 

Những con đường ấy chẳng đi đến đâu. Những con đường ấy chỉ đưa chúng ta đi mỗi lúc một xa Chúa. Hãy nhìn lên Mẹ và hãy nghe Mẹ nhắn nhủ : “Con ơi, hãy trở về. Hãy quay lưng lại với con đường bóng tối. Hãy về với yêu thương. Chúa của Lòng Thương Xót đang đi tìm con, đang từng giờ chờ đợi con trở về lãnh nhận ơn tha thứ. Và nếu con có thiện chí trở về, chắc chắn Ngài sẽ tìm thấy con vì chính Ngài sẽ đi bước trước và theo cách nói của thánh Luca, Ngài sẽ vui mừng vác con lên vai…” (x. Lc 15, 5). Lúc đó, “Trên trời, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15, 7). Lúc đó, quả đúng như lời thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai, “chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta” (Rm 5, 5).…Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 8). “Không có tình yêu nào lớn hơn tình của người hy sinh mạng sống vì kẻ mình yêu”. 

 

Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Bằng ấy là quá đủ cho chúng ta sống một đời ý nghĩa. Bằng ấy là quá đủ cho đêm hôm nay.  Bằng ấy là quá đủ cho cuộc hành hương này. Bằng ấy là quá đủ để ngày mai chúng ta an tâm trở lại cuộc đời. Nhờ Mẹ, cùng với Mẹ, chúng ta sẽ khám phá được Lòng Thương Xót Chúa. Và một khi đã ban cho chúng ta tình thương của Ngài, Chúa muốn chúng ta “đong đấu nào nhận đấu ấy”. Có nghĩa là ngày mai trên con đường trước mặt, Ngài sẽ sẽ tiếp tục đong đầy tình thương của Ngài cho chúng ta nếu chúng ta biết đong đầy tình thương đó cho tha nhân. “Thầy ban cho chúng con một điều răn mới là hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13, 34). Tình Chúa dành cho ta trở thành nghĩa vụ chúng ta phải thi hành. 

 

Đó cũng chính là một trong ba tiêu điểm chính của Năm thánh 2010. Chiều kích Mầu Nhiệm và tình Hiệp Thông Giáo Hội luôn đi đôi với tinh thần Sứ Vụ. Sứ vụ là gì nếu không phải là gieo rắc lòng thương xót vào cuộc đời? Chúa Giêsu đã mạc khải cho Nữ Thánh Faustina rằng : “Con có bổn phận thi hành lòng thương xót đối với những người lân cận của mình, bất cứ lúc nào và ở đâu, không được thoái thác hay tránh né, chữa mình” (742). Đó là một điều lệnh quan trọng. Đối với Đức Giêsu, tha nhân là chính Chúa. Ngày tận thế Chúa sẽ phán xét chúng ta, không phải về thái độ của chúng ta đối với Chúa, nhưng về cách chúng ta đối xử với người đói khát trần truồng, người cơ nhỡ, tù tội, đau yếu (Mt 25, 35). Tình Thương là nhu cầu số một của thế giới, của nhân loại. Tình Thương là bài thuốc duy nhất linh hiệu để chữa căn bệnh ích kỷ, bất nhân, dối trá, lừa lọc đang từng ngày gặm nhấm dân tộc Việt Nam. 

 

Thưa anh chị em, 

 

Đó cũng chính là sứ mệnh của chúng ta, của người Kitô Hữu Việt Nam. Về đây với Mẹ, chúng ta thấy thật ấm áp sốt sắng. Nhưng nếu chỉ có thế thì chẳng ích lợi là bao. Đi La Vang về chúng ta phải hạnh phúc hơn. Đi La Vang về, chúng ta phải thiện chí hơn, phải nhiệt tình hơn. Đi La Vang về, cuộc đời chung quanh chúng ta phải thay đổi. Đi La Vang về gia đình chúng ta phải yên ấm hơn. Đi La Vang về, ai gặp ta sẽ được ta cùng với Mẹ Maria dẫn về với Lòng Thương Xót Chúa. Đó là thông điệp của đêm hôm nay. Đó cũng là lời cầu chúc tốt đẹp nhất tôi xin được gửi đến tất cả những ai tham dự cuộc hành hương này. Amen. 

 

GM Giuse Nguyễn Chí Linh

Ý cầu nguyện tháng 4 / 2016
  • Ý chung

  • Cầu cho những nông dân nhỏ, nhận được phần thưởng xứng đáng do công lao động quý giá của mình.

  • Ý truyền giáo

  • Cầu cho các Kitô hữu tại Châu Phi, biết làm chứng cho niềm tin và lòng yêu mến vào Đức Giêsu Kitô, giữa những xung đột về chính trị và tôn giáo. 

Du học sinh giáo phận Thanh Hóa tại Châu Âu, họp mặt truyền thống lần thứ 6

Cuộc gặp mặt diễn ra tại giáo xứ Việt Nam Paris ngày 28-29/12/2015. Với sự hiện diện của cha Giuse Trần Anh Dũng, đại diện Đức cha giáo phận Thanh Hóa tại Châu Âu, cùng  hai...

 

Tình Yêu đáp lại hận thù

Ngày Lễ Lá cho ta chứng kiến những đổi thay bất ngờ của cuộc đời và của lòng người. Dân chúng vừa mới hân hoan cầm cành lá đón tiếp Chúa đã lập tức quay lại...