Lượt xem: 5,463 - Ngày đăng: (25/11/2011)

Cha Đắc Lộ với xứ Thanh


CHA ĐẮC LỘ VỚI XỨ THANH

(1591-1660)

 

1.Tiểu sử.


-      Cha Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), sinh ngày 15-3-1591, tại Avingon (Pháp).

-      Xuất thân từ một gia đình gốc Tây Ban Nha làm nghề buôn lụa.

-      Năm 1612, gia nhập Dòng Tên ở Roma.

-      Năm 1618, thụ phong linh mục.

-      Ngày 27-12-1624, theo Cha Gabriel de Mattos vào hoạt động tại Đàng Trong Việt Nam.

-      Ngày 19-03-1627, cùng với cha Phêrô Marquez vào Cửa Bạng (Thanh Hoá). Khai mở công cuộc truyền giáo chính thức tại Việt Nam.

-      Ngày 03-07-1645, vĩnh viễn rời khỏi Việt Nam.

-      Ngày 05-11-1960, qua đời tại Ispahan, Kinh đô Ba Tư, thọ 67 tuổi.


2. Sự Nghiệp


Trong quá trình hoạt động truyền giáo, cha Đắc Lộ đã tuyển chọn và huấn luyện những tín hữu ưu tú nhất trở thành những cộng sự viên đắc lực cho công cuộc truyền giáo. Cha tập hợp thành đoàn thể, giúp họ tuyên xưng ba lời khấn: Vâng lời, Khiết tịnh, Khó nghèo.  Đây là tiền thân của tổ chức “Nhà Đức Chúa Trời” và là vườn ươm các linh mục bản xứ trong tương lai. Chính nhờ sự cộng tác đắc lực và hoạt động hiệu quả của các thầy giảng mà sau 3 năm số tín hữu Đàng Ngoài đã tăng lên 6.700 người. Trong khi đó, tại Trung quốc, 25 năm với 11 cha Dòng Tên truyền giáo chỉ rửa tội được cho 2.500 người.


Nhờ có sự vận động tích cực của cha mà ngày 29-7-1658, Đức Thánh Cha Alexandre VII đã ký sắc lệnh đặt hai Giám mục gửi sang Việt Nam. Và ngày 09-9-1659, Toà Thánh quyết định thành lập địa phận tại Việt Nam: Đàng Trong và Đàng Ngoài.


Ngoài công lao đặt nền móng cho Giáo Hội Việt Nam, cha Đắc Lộ cũng là người có công nhiều nhất trong việc hình thành chữ quốc ngữ hôm nay. Bốn tháng sau khi đến Việt Nam, cha đã có thể giải tội bằng tiếng Việt, sáu tháng cha giảng thông tiếng Việt. Mặc dầu, khi mới đến Đàng Trong, cha tưởng chừng “cái thứ ngôn ngữ khi nói nghe như tiếng chim hót ấy không thể học được”. Vậy mà, với lòng nhiệt tình tông đồ và trí thông minh, cha đã cùng với các thừa sai và một số tín hữu bản xứ, cải biến chữ viết bằng cách dùng mẫu tự La Tinh để phiên âm Tiếng Việt. Sau này học giả Dương Quảng Hàm thán phục: “Ơû trên hoàn cầu không có thứ chữ viết nào tiện lợi và dễ học dễ biết bằng thứ chữ ấy” (DƯƠNG QUẢNG HÀM, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, 1944, t.177). Bằng thứ chữ viết mới này, cha Đắc Lộ đã biên soạn cuốn “ Phép Giảng Tám Ngày” để dạy giáo lý cho người Việt Nam. Trong cuốn sách này, cha đã khéo léo sử dụng nếp nghĩ truyền thống của người Việt để diễn đạt nội dung Giáo Lý Đức Tin nhằm giúp người đón nhận dễ hiểu, dễ nhớ mà vẫn đảm bảo được tính nguyên tuyền của Giáo Lý Giáo Hội Công giáo.


Cha Đắc lộ cũng là tác giả của nhiều tác phẩm quan trọng: Cuốn tự điển ba thứ tiếng Việt- Bồ-La, xuất bản tại Rôma, năm 1651; cuốn Văn Phạm Tiếng Việt; cuốn Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài; cuốn Hành Trình Và Truyền Giáo. Đây là những công trình rất có ích cho hoạt động truyền giáo tại Việt Nam. Ngoài ra, cha Đắc Lộ còn là tác giả của bản tường trình về cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê Phú Yên, người học trò của cha.


3. Cha Đắc Lộ Với Giáo Phận Thanh Hoá


Ngày 19-3-1627, cha Đắc Lộ đặt chân lên đất Cửa Bạng – Thanh Hoá. Đây là một sự kiện mang tính bất ngờ. Khi giáo sĩ Baldinotti, người Ý, Dòng Tên, vì không biết tiếng Việt nên không thể truyền giáo được, đã viết thư lên Bề trên xin cử những thừa sai thông thạo tiếng Việt đến Đàng Ngoài truyền giáo. Cha Đắc Lộ, lúc ấy, đang ở Đàng Trong, được Bề trên chọn lựa cử ra Đàng Ngoài. Để chuẩn bị cho chuyến hành trình này, Bề trên đã gọi cha về Macao tháng 7-1626. Ngày 12-3-1627, cha Đắc Lộ cùng với cha Phêrô Marques xuống tàu rời Ma cao đi Đàng Ngoài. Tàu gặp bão lớn đánh giạt vào Cửa Bạng – Thanh Hoá đúng vào ngày Lễ Thánh Cả Giuse 19-3-1627 (x. Alexandre de RHODES, Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, B.d. Hồng Nhuệ).



Cái tình cờ ngoài dự kiến của nhà truyền giáo lại là cái hữu ý trong sự quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa. Cái điều không may mắn trong đêm tăm tối của bão tố lại là hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa dành cho xứ Thanh. Cơn bão định mệnh lịch sử ấy đã quét sạch tất cả những gì còn u uẩn trên bầu trời, dưới mặt đất Cửa Bạng để ghi lên đó dấu ấn Ơn Cứu Độ. Ngày 19-3-1627, biến cố diễn ra tại Cửa Bạng đã đi vào lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam nói chung và Thanh Hoá nói riêng như là sự khởi đầu một công trình mới của Thiên Chúa tại nơi đây.


Khi ánh bình minh ửng hồng trên mặt biển, người làng chài Cửa Bạng đơn sơ đón tiếp nhà truyền giáo như đã tiếp đón những nhà buôn khác từng ghé bến Cửa Bạng. Có ai trong số họ ý thức được rằng: Đây là cuộc gặp gỡ lịch sử ; họ đang sống trong thời khắc lịch sử lớn lao và họ có cơ may là nhân chứng. Người dân Cửa Bạng đâu có biết trên chiếc tàu ấy, có những người mang theo “món hàng lạ, quý và rẻ hơn tất cả các thứ hàng khác, thậm chí còn biếu không nếu ai muốn”. Đó là “Đạo thật”, Đường thật, ban hạnh phúc”. Rõ ràng người dân xứ Thanh cũng bất ngờ không kém nhà truyền giáo trước cuộc hạnh ngộ này.


Cuộc gặp gỡ giữa cha Đắc Lộ và người Cửa Bạng xét sâu xa là cuộc gặp gỡ giữa Kitô giáo với nền văn hoá đã tồn tại ngàn năm trên mảnh đất Đàng Ngoài mà xứ Thanh là một đại diện tiêu biểu. Thanh Hoá, mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Nơi phát xuất nền văn hoá Đông Sơn phát triển rực rỡ trước Công Nguyên. Nơi đã sản sinh nhiều anh hùng hào kiệt, danh nhân văn hoá trong lịch sử dân tộc.



Thẳm sâu trong tâm hồn người xứ Thanh vang vọng nhịp trống đồng, điệu hò sông Mã, khúc hát đi cấy đêm trăng ngàn năm vợi về. Rì rầm trong mạch đất xứ Thanh lời nhắc bảo của những bậc anh linh nhân kiệt, lúc sinh thời đã làm thay đổi thế cuộc. Rạo rực trong huyết mạch người xứ Thanh là khát vọng cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng như chàng Từ Thức sánh duyên cùng tiên nữ chốn thiên thai; là mong mỏi tìm về nguồn cội của sự sống như sử thi “Đẻ Đất Đẻ Nước” của dân tộc Mường. Tất cả những khát vọng sâu kín, thường trực trong tâm hồn bậc tiền nhân xứ Thanh đã tìm thấy nơi cửa Bạng năm ấy. Ngay trong mẻ lưới đầu tiên cha Đắc lộ kéo tại Cửa Bạng đã thu được thắng lợi lớn. Ba mươi hai con cá đủ loại. Theo báo cáo của Antôn Phanxicô Cardim (1595 –1659) về tình hình Đàng Ngoài thì trong số đó có: Một con trai của một trong những vị quan chính yếu của địa phương này; một vị lão thành nhà nho và một người quý phái, thậm chí có cả vị sư chùa gần đó cũng xin được rửa tội  và lôi kéo theo nhiều đồ đệ của mình theo đaọ. Như vậy, Thiên Chúa đã chuẩn bị mảnh đất tâm hồn để cuối cùng Ngài sai người gieo giống đến (x. NGUYỄN KHẮC XUYÊN, Để Hiểu Lịch Sử Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam đầu thế kỷ XVII, NXB Aùnh Sáng, 1994).


Cũng tại Thanh hoá, hai nhà thờ đầu tiên ở Đàng Ngoài – dấu chỉ hữu hình của cộng đoàn Kitô giáo - đã được cha Đắc Lộ dựng lên tại Vân No và An Vực. Từ những cộng đoàn tiên khởi này, bình minh của Chân Lý Cứu Độ chiếu sâu vào đất liền, lan toả ra phía Bắc, rồi ngược vào Miền Trung và bừng sáng trên toàn Đất Việt.


Cha Đắc Lộ không những là người đặt nền móng cho toà nhà giáo phận Thanh Hoá hôm nay mà còn minh chứng cho mọi thế hệ rõ một điều: Đạo Công Giáo hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ tại mảnh đất xứ Thanh. Đạo Công Giáo hoàn toàn có thể thấm nhập và thăng hoa tâm hồn, cuộc sống người Thanh.


380 năm sau, thế hệ con cháu nhìn lại, xin tri ân công lao trời biển của nhà truyền giáo vĩ đại mang tên Alexandre de Rhodes.


Hội Ngộ Di Dân Tại Miền Nam Lần Thứ XII

Thứ Hai, 01/05/2017, tại thánh đường giáo xứ Phú Trung – Tổng giáo phận Sài Gòn đã diễn ra ngày hội ngộ gặp mặt đồng hương giáo phận Thanh Hóa lần thứ XII.