Lượt xem: 774 - Ngày đăng: (12/12/2011)

CN IV MV - B : Những đứa con của lời hứa

 


 

Trong công cuộc cứu độ nhân loại, Thiên Chúa không muốn hành động đơn phương một mình nhưng muốn có sự cộng tác của con người. Vì thế Thiên Chúa đã lựa riêng một số người để chính họ hoặc hậu duệ của họ hoàn thành công việc hệ trọng Ngài đã dự định. Thiên Chúa đã dành riêng một số người như vua David, bà Elisabeth, Đức Maria… chúc phúc cho họ; đồng thời qua họ cưu mang hay sinh hạ những nhân vật đặc biệt sẽ lo việc của Ngài. Những người con của lời hứa như Salomon, Gioan Tiền Hô, Đức Giêsu Kitô… mang một vận mệnh vĩ đại, họ trở nên dụng cụ hữu dụng cho Thiên Chúa trong công cuộc rao truyền sứ điệp tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho muôn dân. Thánh Phaolô tóm tắt ơn gọi và sứ mạng của các cộng sự viên với Thiên Chúa trong một câu sau đây: “Những ai Thiên Chúa đã tiền định thì Ngài cũng kêu gọi; những ai Ngài đã kêu gọi thì Ngài cũng làm cho nên công chính; những ai Ngài đã làm cho nên công chính thì Ngài cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8, 30).

 

1. David với kẻ nối ngôi là Salomon


Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và vĩ đại, nhiều khi muốn dùng những phương tiện nhỏ bé, yếu đuối, hèn mọn để thực hiện những chương trình vĩ đại. Lịch sử cứu độ đã ghi lại rất nhiều nhân vật hay biến cố xem ra rất tầm thường nhưng đã trở nên vĩ đại vì có sự can thiệp của Thiên Chúa. Chúng ta chẳng thấy rằng từ một cậu bé chăn chiên, David đã được cất lên làm vua Israel sao: “Ðức Chúa các đạo binh phán thế này: Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Israel” (2 Sm 8 - 9).


Suốt triều đại cai trị dân Israel, Thiên Chúa tiếp tay với David giúp ông chiến thắng thù trong giặc ngoài, tạo lập một quốc gia yên ổn và ngày một hưng thịnh. Thiên Chúa còn hứa với thánh vương Đavít: “Vương quyền ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2Sm 7, 16).


Vì có Thiên Chúa luôn ở cùng nên David đã trở thành một vĩ nhân lẫy lừng thế giới. Không chỉ có thế, người con ông sinh ra sẽ lên ngôi kế vị ông còn được phúc lộc nhiều hơn: “Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con (2Sm 7, 12. 14a).


Mới được 12 tuổi, Salomon đã được cha - vua David − truyền lại ngôi báu. Thiên Chúa đã ban cho ông vô cùng khôn ngoan và giàu có đến nỗi không ai sánh bằng (x. 1V 3, 9-13). Ông đẹp lòng Chúa khi khiêm tốn xin Chúa ban cho ơn khôn ngoan để biết cách lãnh đạo muôn dân: “Xin Chúa ban cho con sự khôn ngoan và hiểu biết để con lãnh đạo muôn dân vì ai có thể cai trị dân tộc lớn lao này của Chúa”. Đức Chúa Trời phán rằng: “Vì ngươi có lòng như vậy, không xin giàu có, của cải, danh vọng, mạng sống của những kẻ thù, và cả tuổi thọ cho mình, mà xin sự khôn ngoan và hiểu biết để cai trị muôn dân dưới mình nên ta sẽ ban cho ngươi. Ta cũng sẽ ban cho ngươi của cải, giàu có, danh vọng mà không một vị vua nào trước hay sau ngươi được như vậy” (1V3, 12-13).


Nữ hoàng phương Nam sau buổi tiếp xúc với vua Salomon đã ca khen ông hết lời: "Những điều tôi đã nghe nói ở nước tôi về ngài và sự khôn ngoan của ngài quả là sự thật. Tôi đã không tin những điều người ta nói, cho tới khi tôi đến và thấy tận mắt; nhưng thực ra người ta cho tôi biết chưa tới một nửa. Ngài còn khôn ngoan và giàu có hơn tiếng đồn tôi đã nghe" (1V 10, 6-7).


Lịch sử của Israel - dân tộc được tuyển chọn cũng là lịch sử của ơn cứu độ cứ tiếp tục xảy ra theo ý Thiên Chúa. Tuy có lúc vinh thăng nhưng cũng không thiếu những tháng ngày ảm đạm tăm tối. Đến ngày kia bà Elisabeth mừng vui tột độ khi biết bà có thai trong lúc tuổi già. Bà sẽ sinh Gioan, tiền hô cho Đấng Cứu Thế.

 

2. Bà Elisabeth với Gioan Tẩy Giả


Hai ông bà Dacaria và Elisabeth là người công chính trước mặt Thiên Chúa, nhưng họ lại không có con: Bà Elisabeth là người hiếm hoi và cả hai đều đã cao niên (x. Lc 1, 6 - 7). Thiên Chúa ra tay can thiệp khi nhìn thấy nỗi khổ đau tủi hổ của ông bà, vợ của Giacaria đã sinh một con trai. Chúng ta có thể đọc cuộc truyền tin cho Dacaria trong bản văn của thánh sử Luca trong Luca 1, 5-25 với đầy đủ chi tiết, nhưng có thể tóm gọn như sau :


Ông Dacaria và bà Elisabeth, vợ của ông, sống công chính trước mặt Thiên Chúa: “Dacaria là tư tế, đã rút trúng thăm để tế tự cho Thiên Chúa trong đền thờ” (Lc 1, 8-9). Trong khi Dacaria dâng hương trong đền thờ, dân chúng tất cả đều đứng ở ngoài và cầu nguyện (Lc 1, 10). Sự lạ xẩy ra là có sứ thần của Chúa hiện ra với ông Dacaria, đứng  bên phải hương án (Lc 1, 11). Dacaria bối rối, nỗi sợ hãi ập xuống trên ông (Lc 1,12) và sự việc đã xẩy ra là sứ thần trấn an Dacaria, bảo ông: “Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Elisabeth, vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan” (Lc 1, 13) và “Cậu bé này sẽ thành vĩ nhân trước mặt Chúa, và ngay khi còn trong lòng mẹ, cậu đã đầy ơn Thánh Thần. Nhiều người sẽ được hoan hỷ ngày cậu ấy chào đời” (Lc 1, 14-15).


Sự chào đời lạ lùng của con trẻ Gioan làm sao có thể xảy ra nếu không có bàn tay can thiệp của Thiên Chúa? Đây là ơn nhiệm lạ, hồng ân cao quí Chúa ban cho ông bà Giacaria nói riêng và cho nhân loại nói chung. Gioan Tẩy Giả đã được thánh hiến từ trong dạ mẹ. Khi bà chị họ Elisabeth có thai được 6 tháng, Đức Maria đã đến viếng thăm, vừa nghe lời của Đức Maria chào thì thai nhi Gioan đã nhảy mừng trong dạ mẹ (Lc 1,41) và được đầy tràn Thánh Thần (Lc1,15).


Sinh nhật Gioan kỳ diệu vì ông sẽ lãnh nhận một ơn gọi đặc biệt là làm Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế. Được khỏi câm và dưới tác động của Thánh Thần, Dacaria đã hát lên bài ca chúc tụng "Benedictus" về ơn gọi của người con trai mình: "Hài Nhi hỡi, con sẽ đi trước mặt Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết, Người sẽ cứu độ và tha thứ cho họ hết mọi tội khiên" (Lc 1,76 - 77).


Thánh Gioan là vị ngôn sứ duy nhất đã chỉ cho nhân loại biết Đấng Cứu Thế là Đức Kitô, là Chiên Thiên Chúa đến cứu độ trần gian. Qua lời tiên báo của các ngôn sứ, Thiên Chúa sẽ ban cho nhân loại một Đấng Cứu Độ xuất thân từ giòng dõi Vua David, và ông Gioan Tẩy Giả đã chuẩn bị, làm chứng, và chỉ đường cho mọi người đến với Đức Kitô để lãnh nhận ơn cứu độ.

 

3. Trinh nữ Maria với Đức Giêsu Kitô


Chúng ta không khỏi ngạc nhiên về sự sắp xếp của Thiên Chúa, trong việc chuẩn bị cho nhân loại một Đấng Thiên Sai, để đem ơn cứu độ cho muôn người. Thật nhiệm mầu khi Thiên Chúa sửa soạn cho nhân loại một Người Tôi Trung để chuộc tội và mang lại ơn cứu độ cho con người. Thánh sử Gioan viết: Ngôi Lời được cưu mang, “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Vì yêu thương nhân loại tội lỗi, Thiên Chúa chấp nhận xuống thế làm người và ở cùng chúng ta. Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Ngay sau khi loài người phạm tội, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Con của Ngài sinh xuống cõi trần để cứu chuộc nhân loại tội lỗi. Lời “xin vâng” của trinh nữ Maria đã đưa Con Chúa vào đời. Trong khiêm cung, Đức Maria đã hủy mình ra không để Thiên Chúa trở thành tất cả trong mọi sự.


Với biến cố vô cùng khoáng hậu - Đức Giêsu Kitô giáng thế, thánh Phaolô cho rằng đó là một mầu nhiệm vĩ đại được giữ kín từ muôn thuở nay được tỏ hiện cho nhân loại. Mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa đã được các ngôn sứ loan báo từ bao ngàn năm và cuối cùng được thực hiện nơi chính cung lòng trinh khiết của Đức trinh nữ Maria, một người nữ tử Sion, một cô thiếu nữ hiền lành, đạo đức và hết mực thánh thiện: “Trinh nữ Maria đã cưu mang Con Thiên Chúa bởi phép Chúa Thánh Thần” và Mầu nhiệm cứu độ đã đến trần gian nơi Hài Đồng Giêsu…


Với thâm tín chắc chắn “Không có gì Thiên Chúa không làm được” mọi sự đã xảy ra ngoài dự kiến của con người. Cứ xét những người được Chúa chọn đâu có ai giàu sang, quyền qúi, tài giỏi…. Một David từ không mà có. Ông là “nông dân” chính hiệu thế mà Thiên Chúa đã cất nhắc ông lên địa vị cao cả, vua của dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Cũng vậy bà Elisabeth suốt bao nhiêu năm đau khổ vì son sẻ thế mà nay Chúa đoái thương cho Gioan chào đời. Còn con trai của Đức Maria không sinh ra do sự can dự của người đàn ông…..


Những kẻ được Chúa chọn để cộng tác với Thiên Chúa họ đầy ân sủng, “có Đức Chúa ở cùng. Một lý do duy nhất là Thiên Chúa muốn điều đó xảy ra, thế là đủ. Thiên Chúa chúc lành cho David, bà Elisabeth và đã ban cho Mẹ Maria những đặc ân cao quí, Mẹ đã đem Chúa Giêsu cho nhân loại và nhân loại đã lãnh nhận ơn cứu rỗi nơi con của Mẹ. Thiên Chúa sẽ nâng đỡ để từ từ các cộng tác viên có đủ tương quan thân tình với Ngài cho kế đồ cứu chuộc nhân loại. Thế mới biết được sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa: tảng đá bị thợ xây nhà loại bỏ nay trở nên đá tảng góc tường.

 

Kết:


Thiên Chúa chọn và chúc phúc cho David, Salomon, Elisabeth, Gioan đều lạ lùng và vô điều kiện. Nhưng đặc biệt trước mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, Thánh Phaolô cho đó là ý định nhiệm mầu, là "lẽ khôn ngoan" của Thiên Chúa, điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới (x. 1Cr 2, 7.9). Thiên Chúa thường khởi sự những việc hết sức lớn lao bằng những việc hết sức bé nhỏ, với những con người cũng hết sức nhỏ bé. Có như thế người ta mới thấy quyền năng của Ngài, mới thấy Ngài là một Thiên Chúa vĩ đại: “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh”  (1Cr 1, 27).


Đối với mỗi kitô hữu chúng ta, Thiên Chúa cũng tự do chọn lựa mỗi người vào chương trình của Ngài. Ngài chọn chúng ta không vì tài năng, đức độ của chúng ta, Ngài quyền năng đến độ có thể biến đổi những con người hèn mọn thành những bậc siêu phàm. Điều quan trọng là chính sự đáp trả quảng đại của chúng ta đối với chương trình của Ngài. Thiên Chúa luôn làm được phép lạ, nếu con người biết cộng tác với Ngài, ngay cả bằng với sự dốt nát, ngu dại của mình.


Tất nhiên ai được Thiên Chúa chọn để làm những công việc lớn lao cho Thiên Chúa, thường gặp nhiều thử thách, đau khổ. Ðó là cách mà Thiên Chúa vẫn đối xử với những ai Ngài đặc biệt yêu thương và tuyển chọn để tinh luyện người ấy xứng đáng với ơn gọi theo cách thức Ngài xử với những đứa con của lời hứa.

 

Mai Thi

Ý cầu nguyện tháng 9 / 2013
  • Ý chung

  • Cầu cho con người của thời đại chúng ta: Xin cho con người của thời đại chúng ta. Thường bị tiếng ồn tràn ngập, tìm lại được giá trị của thinh lặng và biết lắng nghe tiếng của Thiên Chúa và của anh chị em mình.

  • Ý truyền giáo

  • Cầu cho các Kitô hữu bị bách hại: Xin cho các Kitô hữu bị bách hại ở nhiều nơi trên thế giới được trở nên chứng nhân cho tình yêu của Đức Kitô.

Mang lại ánh sáng cho người dân Xứ Thanh

Ngày 24/ 7/ 2013, Caritas Thanh Hóa liên kết với Hội Bác Ái Phanxicô phẫu thuật Mắt thay thủy tinh thể bằng phương pháp phacô cho người già thuộc 4 giáo...

 

Bế giảng Men Phục Sinh hè 2013

  Phút tạm biệt đã đến rồi, cầm tay nhau không nói nên lời. Mỗi người về một phương trời…                                                                     (Thanh An) Sau mười...

 

Các bài suy niệm Chúa nhật XXIV TN - C

Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN - C Lời Chúa: Xh 32,7-11.13-14; 1Tm 1,12-17; Lc 15,1-32   >> Tải về bản word tại đây   MỤC LỤC: 1. Sự tha thứ của Thiên Chúa. 3 2. Lòng Chúa xót...