Chào mừng quý vị ghé thăm website Giáo Phận Thanh Hóa | Tell : 037 3853 138 - Email : gpthanhhoa@gmail.com

  ›   Giáo phận Thanh Hóa   ›   1. Tin Tức - Sự Kiện

Giáo phận Thanh Hóa thi Ngắm Mùa Chay 2012 - Vòng loại

cập nhật: (22/03/2012, 02:13 pm)    Lượt xem: 691


Đối với mỗi học sinh Việt có lẽ không lạ gì hình ảnh con cò, bến nước, sân đình trong mỗi câu ca dao; hình ảnh cô gái mặc yếm thắm với cánh sen trong mỗi câu chuyện cổ tích… Đó là văn học bình dân, là tinh hoa bình dị của mỗi vùng quê, là trí tuệ của người lao động…Tất cả hài hòa trong tâm hồn, dễ hiểu mà sâu lắng, làm nên phẩm hạnh trong sáng của những con người giản dị nhất…

 


 

Đối với người Công Giáo, những câu chuyện, đức tin, giáo lý… khởi nguồn từ một quốc gia cách xa và khác xa văn hóa Việt Nam. Nhưng giờ đây, qua biết bao thế kỷ khi hạt giống Tin Mừng được gieo xuống, những cơn cuồng phong, bắt bớ…qua đi, cho đến nay Đạo Thiên Chúa vẫn sống trên mảnh đất Việt này. Chứng tỏ  những giá trị của một tôn giáo cao quí phù hợp với tầng lớp người lao động bình dân. Và cũng chứng tỏ thêm một điều, các Thừa Sai đi rao giảng đầu tiên là những con người vĩ đại. Các Ngài không chỉ học được tiếng nói của một dân tộc khác, các Ngài còn đưa được những triết lý, giáo lý tưởng chừng như uyên bác vào với đời sống bình dân của người bản địa. (Đạo Thiên Chúa vốn được xem là đạo của những giáo lý uyên bác).


Ngắm Thương Khó chính là một minh chứng cho điều đó. Ngắm  được coi là bài giáo lý, cách thực hành đạo đức bình dân, là cuốn Tin Mừng thu nhỏ cho mọi thành phần dân Chúa có thể hiểu và suy niệm. Ngắm ra đời cùng với những tín hữu đầu tiên. Và cho đến nay, dù đã nhiều năm qua đi, nó cũng như những bài ca dân gian của người Việt Nam, len lỏi, ăn sâu vào thế giới tâm linh của những người Công Giáo. Khi chương trình thi ngắm được đưa lên trang website của giáo phận Thanh Hóa, nhiều người ở Hải Ngoại đã email và điện thoại về yêu cầu Ban truyền thông đưa các điệu ngắm lên trên website để mọi người có thể nghe. Qua đây nhận ra nhiều ngắm đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm linh của người Công giáo.

 


Ngắm nguyện là một nét đẹp, một kho báu, một di sản mà Giáo hội cần bảo toàn. Thời gian và cuộc sống hiện đại rất có thể sẽ làm cho những “di sản” này bị phai nhạt và dần mất đi.


Với ý thức đó, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Giám mục Giáo phận Thanh Hóa đã đề ra ý kiến tổ chức các cuộc thi Ngắm cấp giáo phận vào mỗi dịp Mùa Chay từ 3 năm trước. Qua cuộc thi không những khơi gợi cho bà con giáo dân về một nét đẹp trong đời sống đạo đức bình dân của mình, mà còn là cho những thế hệ tiếp theo cảm nghiệm bảo tồn những gì mà cha ông để lại.  Qua mỗi cuộc thi Ngắm, các đại diện đến từ các giáo xứ trong giáo phận cũng thêm một lần gặp gỡ, hiểu thêm về nhau, về cung điệu ngân nga, về nếp sinh hoạt cộng đoàn… Cũng qua mỗi lần như thế, mọi người có thêm khoảng “lặng” để suy niệm về cuộc thương khó của Chúa Giêsu…



Ngày 21/03/2012, cuộc thi Ngắm lần thứ 3 cấp giáo phận đã được tổ chức tại giáo xứ Sầm Sơn. Đây là cuộc thi vòng loại nhằm tìm kiếm những cá nhân tiêu biểu cho cuộc thi chung kết sẽ diễn ra tại giáo xứ Ba Làng.


Tới dự cuộc thi có Đức Cha giáo phận Giuse Nguyễn Chí Linh, cha Tổng Đại Diện Phêrô Vũ Tiến Phúc, Cha Quản lý Tòa Giám Mục Giuse Nguyễn Văn Bình, cha chính xứ Sầm Sơn Phêrô Nguyễn Cao Vinh, cha Chủ tịch UB Phụng vụ Antôn Trịnh Đình Thiệu, cha chủ tịch UB Thánh Nhạc Vinh Sơn Vũ Tấn Chí, cha Phó xứ Sầm Sơn Phanxicô Xavie Nguyễn Xuân Nam, cha phó xứ Chính Tòa Phêrô Vũ Văn Thăng, cha phó xứ Tam Tổng Phaolô Bùi Thái Tiếp, quí sơ Dòng Mến Thánh Giá…


Rất đông giáo dân hai giáo xứ Sầm Sơn, Hải Lập tới dự với vai trò cổ động viên tích cực.


Trong lần thi này có 46 thí sinh đến từ 46 giáo xứ và giáo họ Đa Nam tham gia.



Đức Cha trong Huấn từ trước cuộc thi đã khẳng định ngắm nguyện là giá trị truyền thống, một di sản văn hóa quí giá của Giáo hội Việt Nam. Xã hội như một guồng xoáy khổng lồ cuốn băng những giá trị truyền thống, sinh hoạt đạo đức, xói mòn đức tin… Vì vậy, Đức Cha chủ ý tổ chức những cuộc thi để huy động mọi thành phần dân Chúa vào hoạt động chung. Đó là một hình thức “bảo tồn”, làm sống dậy những nét đẹp đáng quí. Với cuộc thi này, Đức Cha muốn hướng tới cuộc thi chung kết tại Ba Làng và cái đích lớn hơn là một cuộc thi cấp Giáo tỉnh.


Cha Tổng đại diện, cha Chủ tịch UB Phụng vụ cũng mang tâm sự như Đức Cha. Hai cha cũng mong muốn cuộc thi sẽ góp phần tạo thành một nếp sinh hoạt trong các giáo xứ mỗi Mùa Chay.

 


Nhận được Huấn từ của Đức Cha, những lời chúc và động viên của quí cha, các thí sinh bắt đầu vào cuộc thi của mình.


Do đặc điểm giọng địa phương nên một số xứ thuộc hạt Nga Sơn và vùng duyên hải sẽ không bị trừ điểm khi phát âm không chuẩn chữ “l” và chữ “n”.


Mỗi giáo xứ, mỗi thí sinh có một cung điệu ngâm nga khác nhau. Kết thúc là những khúc nhạc tha thiết của đội Bát âm đến từ giáo xứ Tam Tổng. Đội kèn nữ giáo xứ Sầm Sơn – chủ nhà cũng có mặt và góp vào cuộc thi những tiếng nhạc tuy có phần non nớt nhưng mạnh mẽ.


Kết quả cuối cùng có 15 thí sinh được chọn vào vòng chung kết. Trong đó có thí sinh Cêcilia Nguyễn Thị Nhung – giáo xứ Ba Làng đạt giải cao nhất. Tiếp đó là chị Maria Nguyễn Thị Huyền – giáo xứ Tân Hải, chị Maria Phạm Thị Quang – giáo xứ Sầm Sơn với giải nhì và giải ba.



Cảm ơn giáo xứ Sầm Sơn đã cộng tác tích cực với ban tổ chức để cuộc thi diễn ra tốt đẹp. Cảm ơn bà con giáo dân giáo xứ Sầm Sơn và Hải Lập đã đến dự và là nguồn động viên cho các thí sinh. Cảm ơn ban giám khảo đã làm việc công tâm và hết mình. Cảm ơn đội Bát âm giáo xứ Tam Tổng, đội kèn nữ Sầm Sơn đã góp âm thanh cho cuộc thi thêm phần ý nghĩa…Và cuối cùng xin cảm ơn tất cả các thí sinh đã vượt qua chặng đường xa xôi đến với cuộc thi. Chúng ta có quyền hi vọng và mong chờ cuộc thi chung kết với những kết quả tốt đẹp hơn…

 

>> Kết quả cuộc thi & danh sách 15 thí sinh lọt vào vòng chung kết

+ Xem thêm hình ảnh

 

Ban Truyền Thông