Chào mừng quý vị ghé thăm website Giáo Phận Thanh Hóa - Liên hệ điện thoại : 037 3853 138 - Email : gpthanhhoa@gmail.com

  ›   Giáo hội hoàn vũ   ›   Tin giáo hội Hoàn vũ

Vấn đề Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thoái vị và các vụ từ nhiệm trong lịch sử

cập nhật: (02/03/2013, 05:07 am)    Lượt xem: 1505


Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thoái vị

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thoái vị: Sáng nay thứ Hai 11/2/2013, Đức Thánh Cha Bênêđictô thứ 16 đã tuyên bố thoái vị vì lý do sức khoẻ. Chính Đức Giáo Hoàng bày tỏ quyết định “Sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa, tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo Hoàng. Tôi biết rằng sứ vụ này, do bản tính siêu nhiên của nó, phải được thực hiện không chỉ bằng lời nói và việc làm, nhưng phải đi kèm với không ít những lời cầu nguyện và đau khổ. Tuy nhiên, trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình. Vì lý do này, và cũng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành động này, với hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố thoái vị khỏi sứ vụ của Giám Mục Roma, Người kế vị Thánh Phêrô, đã được giao phó cho tôi bởi các Hồng Y ngày 19 Tháng Tư năm 2005. Như thế, kể từ 20 giờ ngày 28 Tháng Hai năm 2013, Ngai Tòa Thánh Phêrô, sẽ được bỏ trống và một Mật Nghị Hồng Y sẽ được triệu tập để bầu vị Giáo Hoàng bởi những vị có thẩm quyền.”

Thế giới phản ứng: 

Đức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn thay mặt cho các vị Hồng Y ứng khẩu nói như sau: Kính Thưa Đức Thánh Cha, Người Kế Vị quí mến và đáng kính của Thánh Phêrô, Sứ điệp cảm động của Đức Thánh Cha vang lên trong dinh Tông Tòa này như một tiếng sấm giữa trời thanh quang. Chúng con ngỡ ngàng khi nghe sứ điệp ấy, như thể không tin được. 

Ở Đức: Khắp nơi bày tỏ lòng biết ơn với Đức Giáo Hoàng đã chu toàn nhiệm vụ xuất sắc. Người Đức cũng nói là bị sóc nặng khi nghe tin. Nơi sinh quán Ngài, In Marktl am Inn, Bavaria, nhiều người dâng tặng bông hoa trước di ảnh Ngài tại nhà thờ St. Oswald, nơi Ngài được rửa tội năm 1927. 

Tây Ban Nha: Toàn thể hàng Giám Mục Công Giáo Tây ban Nha đều sửng sờ và buồn phiền trước tin thoái vị của Đức Thánh Cha. Đức Hồng Y Antonio María Rouco Varela, chủ tịch nói là chúng tôi có cảm tưởng như mình bị mồ côi. Chúng tôi rất ngưỡng mộ giáo huấn thông thái của Ngài và sự gần gũi huynh đệ của Ngài. 

Châu Mỹ Latinh có một tỉ 200 ngàn người Công Giáo, chiếm 42% dân số Công Giáo thế giới.. người ta sửng sốt và lo lắng. Tuy nhiên họ cũng nuôi hy vọng là sẽ có thể có một Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử, người nói tiếng tây ban Nha. Tổng Giám Mục of Rio de Janeiro, Orani Tempesta nói là vẫn duy trì ngày Giới Trẻ thế giới và đây là chuyến viễn du đầu tiên của tân Giáo Hoàng. Đức tổng Giám Mục của Lima, hồng y Juan Luis Cipriani, diễn tả rằng: sự thoái vị của Đức Thánh Cha là một sứ điệp quan trọng về lòng khiêm nhường và sự tôn trọng sự thật

Việt Nam: Đức Cha chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Nhơn đã gửi thư bày tỏ lòng kính mến Đức Giáo Hoàng “Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam luôn luôn yêu mến Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam hằng ấp ủ trong tâm hồn và ký ức lòng biết ơn sâu xa đối với Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam trân trọng tình yêu thương và sự chăm sóc của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, Đấng kế vị thánh Phêrô, qua những sứ điệp đầy tình phụ tử, phát xuất từ đức tin trung kiên của ngài vào Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt là qua việc ngài vui lòng bổ nhiệm Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli làm đại diện của ngài tại Việt Nam, như dấu chỉ cụ thể cho sự hiện diện, tình yêu thương và sự hiệp thông của Đức Thánh Cha giữa lòng Hội Thánh Việt Nam và Dân tộc Việt Nam”

Giáo dân Việt Nam ở hải ngoại: 

Phần đông giáo dân Việt Nam ở thành phố Houston tiểu bang Texas đã tỏ ra ngạc nhiên, xúc động và khâm phục Đức Giáo Hoàng Benedict 16 khi ngài tuyên bố thoái vị. Kỹ sư Trịnh Tiến Tinh cho biết, khi nghe tin Đức Giáo Hoàng thoái vị, ông rất sửng sốt. Còn nhà báo Nguyễn Phi Thọ nói rằng sự thoái vị của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô thứ 16 là do sức khỏe của Ngài nên không có gì lạ. Bà Vũ Thanh Thủy, giám đốc đài phát thanh Saigon-Houston chia sẻ rằng bà cũng rất sửng sốt và giao động khi nghe tin Đức Giáo Hoàng thoái vị. Tuy nhiên khi bình tâm lại thì bà nhận thấy Ngài là người rất can đảm và khiêm tốn khi quyết định thoái vị. LM Vũ Thành, nguyên Chủ tịch Cộng đồng Công Giáo Việt Nam, Tổng giáo phận Galveston - Houston, chia sẻ cảm tưởng của ông, trước tin Đức Giáo Hoàng thoái vị: “Tôi nghĩ rằng các Đức Hồng Y đã cho ý kiến và như vậy là Ngài thấy yên tâm để tuyên bố từ chức". Linh mục Bác sĩ Phạm hữu Tâm cho biết là khi đọc được tin Đức Giáo Hoàng Bênêđictô thứ 16 thoái vị, qua internet, ông không tin đó là sự thật. Nhưng sau khi phối hợp với những nguồn tin khác và biết là tin chính xác thì ông cho rằng quyết định của Đức Giáo Hoàng rất dũng cảm.

Ý kiến cá nhân: Việc Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thoái vị thật là “thiên thời, địa lợi và nhân hòa!” Ngài hành động hợp ý trời, thuận với đất, tức phù hợp với tiến trình của thế giới hoàn vũ và làm muôn người ngưỡng mộ. Đức Giáo Hoàng thoái vị thật đúng lúc!

Đức Giáo Hoàng đã gần 86 tuổi. Dù dáng vẻ bên ngoài có còn hồng hào hay nhanh nhẹn đi nữa thì cũng đã quá tuổi làm việc 10 năm rồi. Nên trong diễn văn từ chức ngài nói “Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình” là sự thật. Giáo Hội Công Giáo sẽ bị coi là bất công và bất nhân nếu để cho một cụ già 85 tuổi phải làm việc 12 tiếng đồng hồ một ngày, với hàng trăm phiên họp và vô số chuyến du hành hàng năm. Chúng ta nghĩ thế nào khi chúng ta phải ở trong hoàn cảnh như thế?

Đức Giáo Hoàng sáng suốt nhận ra khả năng càng ngày càng giới hạn của mình khi nói “tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo Hoàng”. Rất chính xác! Dù có thông mình cách mấy đi nữa, tuổi cao sức yếu không cho phép chúng ta đáp ứng kịp thời trước những thay đổi nhanh chóng và phức tạp của thế giới. Ai ở tuổi 60 mà chơi đá banh thì sẽ thấy rõ là: thấy và biết chuyện phải làm, nhưng phản ứng không kịp!

Khiêm tốn và dũng cảm: Khó mà tìm thấy sự thoái vị nơi bất cứ một lãnh tụ chính trị nào. Thoái vị là mất địa vị, mất vị trí, mất cả quyền hành và quyền lợi mà mình đã có. Đức Giáo Hoàng, dù sao cũng là con người và ở một địa vị cao như thế mà từ nhiệm thì phải rất khiêm nhường và dũng cảm, tức can đảm nhận ra những giới hạn của mình.

Qua sự thoái vị, Đức Giáo Hoàng ban bố cho thế giới sứ điệp về bình đẵng và công bình. Thế giới vẫn còn quá nhiều bóc lột, tranh chấp và bất công. Những nước Hồi Giáo và những lãnh tụ cai trị theo lối bá đạo. Họ sống trong giàu có dư dật, đang khi đó, dân chúng đói nghèo thiếu thốn. Những lãnh tụ Cộng Sản và nhiều lãnh tụ chính trị khác đầy ích kỷ, bám vị chứ không bao giờ muốn thoái vị. Người ta nghĩ đến địa vị và miếng ăn chứ không bao giờ biết nghĩ xem là mình có cáng đáng nỗi trọng trách mà mình lãnh nhận không? “Tôi không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo Hoàng” 

Qua sự thoái vị, Đức Giáo Hoàng bộc lộ lòng yêu mến Giáo Hội tột cùng. “Sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa, tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo Hoàng ” Đức Giáo Hoàng luôn muốn mang phúc lợi cho Giáo Hội và cho đàn chiên. Ngài không còn làm được chuyện nầy, Ngài xin nhường cho người khác có năng lực hơn.

Giáo Hoàng thoái vị đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử

Bách Khoa tự điển Công Giáo liệt kê danh sách những Giáo Hoàng đã từ nhiệm như sau. Xin chia làm những nhóm Giáo Hoàng từ nhiệm hay có ý từ nhiệm:

Những Giáo Hoàng bị bắt buộc từ nhiệm:

Thánh Giáo Hoàng Pontian – Thời gian từ 21.7.230 – 28.9.235 – cầm quyền La Mã lưu đày.

Thánh Giáo Hoàng Marcellinus – Thời gian từ 30.6.296 – 1.4.304 – Hoàng đế La Mã Diocletian bách hại.

Giáo Hoàng Liberius – Thời gian từ 17.5.352 – 24.9.366 – Hoàng đế Constantius II lưu đày

Giáo Hoàng John XVIII - Thời gian từ tháng Giêng 1004 - tháng 7.1009 - Không rõ lý do.

Giáo Hoàng Benedict V – Thời ngian từ 22.5.964 – 23.6.964 (1 tháng) – Hoàng đế Otto truất phế

Giáo Hoàng Benedict IX - Thời ngian từ tháng 10.1032 – tháng 9.1044 & Tháng 4.1045 - Tháng 5.1045 & Tháng 11.1047 - tháng 7.1048 - Bị truất phế và sau cùng bắt từ nhiệm vì tai tiếng.

Giáo Hoàng Gregory VI – Thời ngian từ tháng 4.1045 - Dec.1046 –Bị tố cáo mại thánh và thoái vị

Giáo Hoàng Gregory XII – Thời ngian từ 30.11.1406-4.7.1415 – Thoái vị trong lúc đang diễn ra công đồng Constance được triệu tập do kẻ chống đối Ngài là John XXIII.

Những Giáo Hoàng có thư từ nhiệm, nhưng đã không từ nhiệm (từ nhiệm có điều kiện):

Giáo Hoàng Piô VII (1800-1832) trước khi đi Balê đội vương miệng hoàng đế cho Napolêon năm 1804, Ngài đã ký thư xin từ nhiệm nếu bị cầm tù ở Pháp.

Giáo Hoàng Piô XII trong Đệ II thế chiến đã soạn tài liệu trao quyền cho Hồng Y Đoàn, nếu Ngài bị Đức Quốc Xã bắt cóc.

Tháng 2.1989. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết thư từ nhiệm gửi cho niên trưởng Hồng Y Đoàn để từ nhiệm trong hai trường hợp sau: Bệnh tình không chữa khỏi và không có khả năng thi hành nhiệm vụ hoặc giả bệnh tình nghiêm trọng và kéo dài gây tổn thương cho nhiệm vụ.

Những Giáo Hoàng tình nguyện xin thoái vị:

Thánh Giáo Hoàng Clement I – năm 88-97 – Hoàng đế Trajanus kết án và lưu đày sang Pontus. (Không nghe nói đến Voluntary Papal resignation như Romereport.com hôm 11.2.2013)

Thánh Giáo Hoàng Celestine V – Thời ngian từ 5.7.1294-13.12.1294 (161 ngày) – Thiếu khả năng và đặt ra khoản Giáo Luật cho Giáo Hoàng từ chức và Ngài áp dụng cho mình trước.

Giáo Hoàng Gregory XII năm 1415 tự nguyện xin thóai vị đệ cứu nạn lạc Giáo của phương Tây. 

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, ngày 11.2.2013 xin thoái vị vì lý do sức khỏe.

Giáo Hội Công Giáo và những Giáo Hoàng sau cùng theo lời tiên tri của thánh MALACHY

Thánh Malachy hay gọi theo Latinh là Malachia sinh năm 1094 với tên gọi O'Margair trong một gia đình quý phái ở thành phố Armagh, Bắc Ái Nhĩ Lan. Ngài được rửa tội với tên gọi Máel Máedóc Ua Morgair, được Latinh hóa thành Malachia. Ngài theo học thần học và được thụ phong vào năm 1119 ở tuổi 25. Năm 1127, ngài trở thành cha giải tội cho Cormac MacCarthy, hoàng tử của Desmond, người sau này trở thành Vua của Ái Nhĩ Lan. 

Ngài làm Tổng Giám mục Armagh vào năm 1132. Ngài có công canh tân phụng vụ và tái lập kỷ luật nhiệm nhặt của Giáo Hội, đặc biệt các dòng tu…Thánh Malachy qua đời trong lúc hành hương Rôma năm 1148, trong trong Tu viện Clairvaux bên Pháp. Ngài được Đức Thánh Cha Clemente III phong thánh vào ngày 6.7. 1199. Đến năm 1595 tức 447 năm sau, những lời tiên tri về 111 Giáo Hoàng trong Giáo Hội của Malachia được phổ biến trong bộ sách có tên Lignum vitae, Ornamentum et decus Ecclesiae, với phần Tiên tri Prophetia S. Malachiae, Archiepiscopi, de Summis Pontificibus. 

Những lời tiên tri về các Giáo Hoàng bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Celestino II, Giáo Hoàng năm 1143-1144 cho đến vị cuối cùng tên Petrus Romanus. Những lời tiên tri về các Giáo Hoàng đều đặt tên cho 111 Giáo Hoàng nầy bằng tiếng Latinh. Thí dụ Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ VI 1963-1978 được đặt tên Flos Florum, Flower of Flowers, hoa của muôn hoa. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ I 1978-1978 (33 ngày) được đặt tên là De Medietate Lunae, from the half moon, tạm dịch là “không tròn con trăng”, Ngài lên ngai Giáo Hoàng ngày 26.8.1978 lúc nửa vầng trăng xuất hiện và mất ngày 28.9.1978 lúc trăng vừa khuất. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ II 1978-2005 được đặt tên De labore Solis, tức from the labor of the Sun hay "Mặt trời lam lũ". Đức Giáo Hoàng Bênêđictô thứ XVI được đặt tên là Gloria Olivae hay The Glory of the olive, tức "Ngành Ô-liu vinh quang"

Đức Giáo Hoàng thứ 112 cuối cùng, biệt hiệu Petrus Romanus - Peter Roman tức Phêrô người Rôma. Lời tiên tri viết về vị Giáo hoàng thứ 112 này: "trong thời kỳ bách hại sau cùng của Giáo hội La mã, Phêrô thành Rôma sẽ lên ngôi, người sẽ chăn dắt đoàn chiên giữa những cơn bách hại; sau khi một thành phố trên 7 đồi tức Rôma bị phá huỷ và một vị Quan Án kinh hoàng sẽ xét sử muôn dân".

Có Website nói rằng: Những Lời tiên tri của Thánh Malachy xuất bản bởi Thomas A. Nelson, một nhà sách xuất bản Công giáo thì nguyên bản của Thánh Malachy chỉ có 111 Đức Giáo Hoàng, chứ không phải là 112 như trong lần xuất bản sau này. Trong khoảng giữa ấn bản thứ nhất và ấn bản sau này thì vị Giáo hoàng 112 là Phêrô Thành Rôma được thêm vào trong lời tiên tri của Thánh Malachy. Có người suy diễn rằng: Tên của Giáo Hoàng kế tiếp theo Tiên Tri của Thánh Malachy sẽ là người có niên hiệu Petrus Romanus - Peter Roman tức Đức Hồng Y Francis Arinze. Ông nầy sẽ lên ngôi Giáo Hoàng và sẽ là người chống Chúa Giê-su và phá tan Vatican.

Nguồn tin: Vietcatholic