Chào mừng quý vị ghé thăm website Giáo Phận Thanh Hóa - Liên hệ điện thoại : 037 3853 138 - Email : gpthanhhoa@gmail.com

  ›   Giáo hội hoàn vũ   ›   Tin giáo hội Hoàn vũ

Vị Tân Giáo hoàng khiếm tốn và đặc biệt

cập nhật: (14/03/2013, 06:14 pm)    Lượt xem: 3823


VATICAN (AP) — Đức Thánh Cha Francis là vị Giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Mỹ Châu, một nhà thông thái khổ hạnh, một tu sĩ Dòng Tên đã cận đại hóa Giáo hội Công giáo bảo thủ Argentina.

 

Giáo hoàng mới là một người rất khiêm tốn 


Mệnh danh là Jorge Bergoglio trước ngày thứ tư vừa qua, Hồng y 76 tuổi có tiếng là một người khiêm nhường, từ chối không hưởng thụ những gì xa xỉ các Hồng y Buenos Aires trước đây đã có. Ngài đã gần đắc cử trong mật nghị lần trước, được biết đã chiếm số phiếu tổng cộng cao thứ hai sau nhiều lần bỏ phiếu, trước khi ngài rút tên để mật nghị bầu Đức Giáo hoàng Benedict XVI.

Các nhóm người ủng hộ ngài đã phất cao quốc kỳ Argentina trong quảng trường Thánh Phêrô trong khi Đức Francis, chỉ mặc một chiếc áo trắng giản dị, đã xuất hiện lần thứ nhất như một Giáo hoàng.

Ngài nói: "Kính chào qúy ông bà và anh chị em.” trước khi đề cập đến nguồn gốc của ngài từ Châu Mỹ La Tinh, nơi có khoảng 40 phần trăm dân số Công giáo trên toàn thế giới.

Hồng y Bergoglio thường đi xe buýt đến sở làm, tự nấu ăn lấy và thường xuyên thăm viếng các khu xóm nghèo nàn xung quanh thủ đô nước Argentina. Ngài coi vấn đề lo lắng cho xã hội là công việc thiết yếu của Giáo hội, thay vì tranh luận về học thuyết.

Ngài đã lên án các đồng bạn lãnh đạo Giáo hội là đạo đức giả vì đã quên rằng Chúa Giêsu Kitô đã tắm cho người phong cùi và ăn uống với phụ nữ làng chơi.

Hồng y Bergoglio nói với các linh mục Ý năm ngoái: "Chúa Giêsu dậy chúng ta một phương cách khác: Hãy đi. Hãy đi chia xẻ chứng tá của các bạn, hãy đi mà giao dịch với các anh chị em, hãy đi và chia xẻ, đi và thăm hỏi. Hãy trở thành Lời Chúa bằng cả thân xác lẫn tinh thần.

Di sản của Hồng y Bergoglio gồm có những nỗ lực sửa sai tăm tiếng của một Giáo hội đã đánh mất nhiều tín hữu vì đã không công khai thách đố chính quyền độc tài sát hại người dân từ năm 1976 đến 1983. Ngài cũng hoạt động để phục hồi ảnh hưởng chính trị truyền thống của Giáo hội trong xã hội, nhưng những công khai chỉ trích của ngài đối với tổng thống Cristina Kirchner không ngăn được bà này ban hành những biện pháp xã hội cấp tiến trái nghịch với Giáo hội, từ hôn nhân đồng tính, đến việc cho con nuôi và cấp thuốc ngừa thai miễn phí cho tất cả mọi người.

Hồng y Bergoglio nói với các linh mục của ngài: "Trong khu vực của Giáo hội chúng ta, có những linh mục không rửa tội cho con cái của các bà mẹ không chồng, vì chúng không được thụ thai trong sự thánh thiện của hôn nhân. Đây là những người đạo đức giả ngày nay. Đây là những người Giáo hội hóa Giáo hội. Đây là những người ngăn không cho dân Chúa được hưởng ơn cứu chuộc. Và người phụ nữ này, thay vì trả lại đứa trẻ cho Đấng Tạo Hóa, đã có can đảm đem nó vào thế gian này, đã phải lang thang từ giáo xứ này đến giáo xứ khác để cho nó được rửa tội.


Những bất ngờ thú vị từ Đức Tân Giáo hoàng
 
Sau hai tuần lễ náo nức hồi hộp chờ đợi, thế giới đã có Giáo hoàng mới (Habemus Papam), Đức Phanxicô Đệ Nhất. Ngày mà ngài được bầu làm Thủ Lãnh Giáo hội hoàn vũ rất đẹp, gắn liền với ba con số 3: ngày 13 tháng 3 năm 2013. Ngài cũng là vị Giáo hoàng đi vào lịch sử Giáo hội với 3 cái “đầu tiên”, cũng là những cái làm nên những bất ngờ thú vị. 

- Vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Châu Latinh

Mỹ Châu là châu lục có số người Công giáo đông nhất, chiếm 50% dân số Công giáo Thế giới. Người ta vẫn chờ đợi từ lâu một vị Giáo hoàng đến từ châu lục này. Tuy nhiên chưa từng xuất hiện trong lịch sử Giáo hội một vị Giáo hoàng nào người Châu Mỹ. Trong 4 thập niên trở lại đây người ta nói đến nhiều về Giáo hội tại Mỹ Châu Latinh. Giáo hội tại Mỹ Châu Latinh cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn nghiêm trọng, trong đó có vấn nạn rất nhiều người Công giáo rời bỏ Giáo hội để chạy theo các giáo phái khác. Có lẽ thời điểm hiện tại là thời điểm đã chín muồi để chọn một vị Giáo hoàng đến từ Mỹ Châu. Và có lẽ đây cũng là lý do tại sao Mật Nghị Hồng y đã bầu ra được vị Tân Giáo hoàng trong một khoảng thời gian ngắn hơn (chưa đầy 2 ngày) khoảng thời gian mà nhiều người dự đoán. 

- Vị Giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên

Điểm lại lịch sử Giáo hội, ta thấy rằng mặc dù là một dòng tu trí thức nổi tiếng thế giới, nơi sản sinh ra nhiều nhà thần học lỗi lạc như Henri de Lubac, Karl Rhaner,…; nhưng Dòng Tên chưa hề được vinh danh trong những lần đăng quang Giáo hoàng trước đây. Trong khi đó, dòng Biển Đức, dòng Đaminh và đặc biệt là dòng Phanxicô, đã nhiều lần được vinh danh. Nhiều vị Giáo hoàng đã từng xuất thân từ những dòng tu này. Trong đó có các vị nổi danh như Đức Sistô IV và V, Đức Piô X, và XII (dòng Phanxicô), thánh Giáo hoàng Piô V, Đức Bênêđictô XIII (Dòng Đaminh), Đức Piô VII, Đức Grêgôriô VII (dòng Biển Đức)… 

Nay sau 5 vòng bỏ phiếu của Cơ Mật Viện 2013, ĐHY Jorge Mario Bergoglio, Tổng Giáo Mục giáo phận Buenos Aires đã chính thức trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên, còn gọi là Dòng Chúa Giêsu. Đây sẽ là một vinh dự lớn lao cho dòng Tên nói chung và Tỉnh dòng Tên Argentina nói riêng.

- Vị Giáo hoàng đầu tiên chọn Tông hiệu là Phanxicô

Có những cái tên như Gioan đã được 22 vị Giáo hoàng (*) chọn làm tông hiệu; Grêgôriô và Bênêđictô, mỗi cái tên đã được ít nhất là 16 vị Giáo hoàng chọn; Piô đã có 12 vị; thậm chí cái tên kép Gioan Phaolô cũng đã được 2 vị Giáo hoàng đương đại chọn làm tước hiệu cho triều đại Giáo hoàng của mình. Còn Phanxicô là cái tên lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách Tông hiệu của các vị Giáo hoàng. 

Chúng ta biết rằng thông thường Tông hiệu do Tân Giáo hoàng tự quyết định. Tông hiệu được chọn có thể là để vinh danh tên của vị Giáo hoàng tiền nhiệm mà ngài cảm thấy yêu mến hoặc để đi theo đường hướng của các vị tiền nhiệm. Tân Giáo hoàng cũng có thể chọn tên một vị thánh hay một nhân vật nào đó trong Kinh Thánh. Nếu Tông hiệu của Đức Giáo hoàng thứ 266 là tên của thánh Phanxicô, vậy thì thánh Phanxicô nào: Xaviê hay là Assisi? Chắc hẳn là Phanxicô Xaviê, vì Ngài là một trong những vị thánh tổ phụ sáng lập Dòng Tên, nơi mà Đức Tân Giáo hoàng xuất thân. Việc một vị thánh lớn của Giáo hội, cũng là một nhà truyền giáo vĩ đại như thánh Phanxicô Xaviê chưa bao giờ được một Giáo hoàng nào chọn làm tông hiệu cho triều đại Giáo hoàng của mình là một điều khiến không ít người thắc mắc. Nay Đức Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội đã giải toả sự ngạc nhiên này! Còn nếu ngài chọn Tông hiệu là Phanxicô Assisi thì có lẽ cũng hợp với lối sống của ngài: đơn sơ khiêm nhường. Được biết ngay khi đã là Hồng y Tổng giám mục, ngài vẫn thích sống trong một căn nhà nhỏ thay vì Toà Giám Mục sang trọng, thích sử dụng phương tiện đi lại công cộng và có khi còn tự nấu ăn lấy. 

Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo hội một vị Giáo hoàng, đẹp từ tên gọi đến cung cách sống. Nguyện chúc cho ngài luôn xứng đáng là vị Mục Tử Tối Cao như lòng Chúa mong ước, để tiếp nối triều đại rạng ngời của Đức Giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI. 

--------------------------

(*) Theo tục lệ đếm số của thế kỷ 11, không có số XX, nên sau Giáo hoàng XIX là Giáo hoàng XXI. Vì thế Đức Gioan XXIII là vị Giáo hoàng thứ 22 lấy tông hiệu là Gioan (x. Danh 266 vị Giáo hoàng, Bách Khoa Toàn Thư).

 

Nguồn tin: VietCatholic