Chào mừng quý vị ghé thăm website Giáo Phận Thanh Hóa - Liên hệ điện thoại : 037 3853 138 - Email : gpthanhhoa@gmail.com

  ›   Cùng đọc & Suy gẫm   ›  

Tàn... nhưng không phế

cập nhật: (02/03/2013, 06:28 am)    Lượt xem: 600


GPTHANH HOA - Cuộc sống con người được sinh ra đã là một ơn huệ cao quý. Sự sống có được viên mãn, có được thăng hoa hay không còn bởi một phần từ lý trí của con người ta. Thế nhưng, có những con người tự khi mới sinh đã phải gánh chịu một nỗi đau nặng nề của thể xác, đó là sự khiếm khuyết của cơ thể, sự bất bình thường trong suy nghĩ, hay là những con người từ bình thường mà bỗng chốc trở thành tàn tật vì tai nạn. Những gì thuộc về họ là một nỗi đau vì sự khác biệt với đồng loại, sự xa lánh và có khi là cả sự hắt hủi của người thân trong gia đình.

 



Nhưng đối với Đức Giê-su, họ là tất cả tình yêu của Ngài. Ngay trong lịch sử Tân ước, khi những người tàn tật được đưa đến với Đức Giê-su đều đã được Ngài chữa lành và được Ngài thương yêu hết mực. Và bộ phận dân chúng được Ngài luôn lên tiếng bênh vực, luôn được Ngài che chở là những người khuyết tật, người đau yếu, người nghèo khó...cho đến hôm nay, giáo huấn của Đức Giê-su vẫn được tiếp tục loan truyền trong Giáo hội Công Giáo, để nhờ đó, tình yêu của Ngài luôn được lan tỏa trên hết thảy những ai đang phải gánh chịu nỗi đau của thể xác và tinh thần.

 



Là một chi thể trong giáo hội công giáo, Giáo phận Thanh Hóa luôn từng ngày, từng giờ mang tinh thần yêu thương, hiệp nhất làm nền móng để xây dựng giáo phận. Và dưới sự chăm sóc của Đức cha Giu-se Nguyễn Chí Linh, những người tàn tật, đau yếu và nghèo khó cũng luôn là sự ưu tiên trước nhất trong công tác mục vụ của giáo phận Thanh Hóa. Ngày 23/02 vừa qua, tại Tòa Giám Mục Thanh Hóa đã diễn ra ngày gặp gỡ, giao lưu của người khuyết tật trong toàn Giáo phận, bao gồm cả một bộ phận không nhỏ những người lương giáo.

 



Thật chạnh lòng khi nhìn thấy những con người mang trên mình sự thiếu sót, những phần cơ thể không được lành lặn, bình thường, những gương mặt rất đỗi dung dị nhưng thiếu đi ánh nhìn từ đôi mắt, những chiếc xe lăn nối dài cho cung đường sống, những con người không bị ảnh hưởng bởi sự va chạm hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời vì họ đã bị mất đi phần nào ý thức sống căn bản... họ vẫn đang sống một cuộc sống bình lặng trong nỗi đau của thể xác và tinh thần như thế. Trong suốt những năm qua, với sự trăn trở của một người đứng đầu Giáo phận, Đức cha Giu-se đã có rất nhiều những cuộc thăm viếng, trao quà và có cả những thánh lễ dành riêng cho người khuyết tật, đau yếu trong toàn giáo phận Thanh Hóa, nhằm xoa dịu đi phần nào nỗi đau của đoàn chiên mà người đang chăm sóc. Và Đức cha luôn nhấn mạnh một điều rằng: “Giáo phận Thanh Hóa luôn thương yêu người khuyết tật”. Cùng với đó, ban Bác ái của giáo phận trong những năm qua cũng đã luôn ra sức hành động, kêu gọi sự hưởng ứng giúp đỡ của giáo dân trong và ngoài giáo phận, của những người con hải ngoại và những người có lòng hảo tâm nhằm chung tay xóa đi phần nào nỗi đau của anh em mình. Từ đó, những chuyến viếng thăm và trao tặng quà cho người nghèo, người khuyết tật luôn được tổ chức thường xuyên, với những món quà vật chất nhỏ bé và những món quà khích lệ, động viên to lớn về tinh thần.

 



Có lẽ rằng hình ảnh đánh động đến trái tim của tất cả những con người được lành lặn về thể xác đang hiện diện trong thánh lễ chính là những lễ vật cung tiến. Đó không phải là lúa gạo đầu xuân, vì họ đâu có đủ đôi tay, bước chân mà làm nên hoa màu dâng Chúa. Đó cũng không phải hoa trái thơm ngọt, vì họ đâu có đủ sức mà nuôi trồng. Đó cũng không phải là nến thơm, hương trầm nghi ngút, vì họ cũng đâu suy nghĩ được về một cuộc sống no ấm trong đời. Lễ vật họ dâng lên Chúa là chiếc xe lăn cũ kĩ mang bên mình bao nhiêu năm tháng, chở bao nhiêu khó nhọc và đau thương, là chiếc nạng gỗ mòn mỏi theo thời gian, nhẵn mòn cả những gân thớ xù xì nhất. Và cái họ dâng lên Chúa nhiều nhất là nỗi đau mà từ khi sinh ra họ đã phải gánh chịu, để nhờ Ngài che chở, ủi an và xoa dịu đi những đắng cay trong đời.

 



Sự bất hạnh là điều không ai mong muốn, nhưng đó là một điều tất nhiên mà thế giới loài người phải đón nhận. Có hạnh phúc thì phải có đau thương, có niềm vui thì phải có nỗi buồn, có nụ cười thì phải có nước mắt, có lành lặn thì phải có khuyết tật...đó là hai mặt của một cuộc sống. Con người ta  không có quyền chọn lựa cho mình được lành lặn hay không, nhưng lại có quyền lựa chọn cho mình được hạnh phúc hay đau khổ! Sự cảm nhận cuộc sống đến từ trong sâu thẳm tâm hồn con người, đánh thức họ trước những thực tại có khi là cay đắng đến ê chề. Những khuyết tật của thân thể là một điều bất hạnh, nhưng bất hạnh hơn là những con người bị khuyết tật về tâm hồn. “Cuộc đời này ai cũng phải sống một lần, vậy thì hãy sống cho đáng sống với những điều hạnh phúc nhất”. Đôi tay không còn nguyên vẹn, đôi chân thiếu sót một phần, nhưng trái tim thì vẫn nóng hổi những nhịp đập yêu thương, niềm tin vào cuộc sống, vào tình yêu. Những người khuyết tật vẫn có thể làm nên những kỳ tích trong cuộc sống bằng chính sự nỗ lực và nghị lực của bản thân mình, để trở thành một phần có ích cho gia đình, xã hội và giáo hội. Đó là những con người tàn nhưng không phế. Trong tình yêu của Đức Giê-su, cả Giáo hội, giáo phận luôn tin tưởng vào họ, những con người đã và đang can đảm sống cuộc sống thập giá mà Chúa đã trao phó, và từng ngày họ sống đang nếm trải sự thử thách bằng một tinh thần kiên vững nhất.

 



Xã hội loài người đang tiến bước vào kỷ nguyên mới của lòng thương và tinh thần bác ái. Trên thế giới ngày này, có những xã hội hiện đại đến vượt bậc nhưng lòng mến của họ không hề bị mai một theo thời gian. Trong những công trình công cộng như trên tàu điện ngầm, trên xa bus, trong các hội trường,  trong trường học... hay trong chính các nhà vệ sinh công cộng, những người khuyết tật luôn nhận được một sự ưu ái hàng đầu. Họ được sự quan tâm, sự bảo đảm được sống những quyền căn bản nhất của con người, được đối đãi công bằng như những người bình thường khác trong xã hội,  được trân trọng vì là những con người luôn sống can đảm và nghị lực. Thế nhưng, đâu đó trong thế giới này, hay ngay tại xã hội nơi ta sống hiện nay, những người tàn tật, khiếm khuyết đang phải sống một cuộc sống bất công và đau khổ. Họ bị hắt hủi, bị xa lánh, có khi bị tước đi cả quyền sống cơ bản nhất của con người. Việc tranh đấu với nỗi đau thể xác đã đành, họ còn phải đối mặt với cả nỗi đau về tinh thần do chính anh em mình gây nên. Điều đó có khiến chúng ta, những con người lành lặn, phải giật mình suy nghĩ?


Đừng để những người anh em mình phải sống trong thế giới của sự khuyết tật tinh thần. Hãy đưa họ đến với thế giới của tình yêu thương, hiệp nhất. Hãy chung tay xây dựng nên một thời đại Giê-su với niềm tin và sự chiến thắng đau khổ.

 



Có một câu nói rằng: “ cuộc sống này chỉ có 1% là may mắn, còn lại 99% là do sự nỗ lực của bản thân”. Đúng vậy, dù trong bất cứ thời điểm, hoàn cảnh nào, sự nỗ lực của con người luôn là nền tảng để sống vững mạnh và là giá trị cốt lõi để mưu toàn hạnh phúc. Và trong 99% nỗ lực ấy, thiết nghĩ rằng có đến 10% được tính cho sự cổ vũ, động viên của những người sống xung quanh mình. Và hơn hết đối với những người khuyết tật, sự khích lệ luôn là một liều thuốc hữu hiệu nhất trên hành trình sống của họ, để trên bước đường đó, họ là những con người tàn nhưng không phế, luôn nở hoa thơm cho đời bằng chính nghị lực cao cả.


Ngày gặp gỡ giao lưu với những người khuyết tật của giáo phận Thanh Hóa khép lại, nhưng mở ra một trang mới cho tinh thần bác ái của toàn giáo dân trong giáo phận. Tiếp bước hôm nay đây, nơi mảnh đất đang còn nhiều những đau thương và nghèo khó này, tinh thần sống vẫn luôn kiên vững, những giá trị nhân văn sẽ luôn tồn tại bất diệt, đó là mối tương quan giữa người với người, của anh em với anh em cùng một cha trên trời.


Ms. Thủy Phạm