Chào mừng quý vị ghé thăm website Giáo Phận Thanh Hóa - Liên hệ điện thoại : 037 3853 138 - Email : gpthanhhoa@gmail.com

  ›   Giáo phận Thanh Hóa   ›   Di Dân Thanh Hóa

Ấm tình quê hương xứ Thanh nơi Phương Nam

cập nhật: (03/05/2013, 06:59 am)    Lượt xem: 492


Sài Gòn – những ngày đầu hạ


Trời Sài Gòn dường như đã nguôi đi cái nắng gay gắt đầu mùa, nhường cho những cơn mưa rào bất chợt và những làn gió mới mát mẻ. Quanh đường phố cũng chẳng còn nhiều lắm những ồn ào xe cộ, chẳng còn dòng người đông đúc bon chen như thường lệ. Với một thành phố công nghiệp đang phát triển, 5 ngày nghỉ lễ thật sự là quãng thời gian thảnh thơi nhất để xua tan những mệt nhọc ngày qua và thúc đẩy tinh thần con người đối diện với hiện thực cuộc sống.

 



Đây là lần thứ ba tôi đặt chân đến Sài Gòn. Hai lần trước, tôi đến với phong thế của một vị khách, nhưng lần này, tôi đến để trở thành một phần ồn ào, náo nhiệt của mảnh đất này. Tôi – chính thức là “Di dân”.


Chẳng còn xa lạ với con dân Giáo phận Thanh Hóa nữa, tháng năm về cũng là lúc họ được tụ họp dưới một mái nhà chung, tề tựu bên nhau trong ngày hội ngộ di dân Thanh Hóa – Miền Nam sau những ngày tháng mê mải với cuộc đời, với cơm áo gạo tiền. Đó là một cái hẹn chẳng thể quên, vì dù có đi đến đâu, tình quê vẫn là điều thiêng liêng mà con người ta nâng niu, gìn giữ. Vẫn là những gương mặt đó, nụ cười đó, nhưng năm nay tôi bỗng thấy gần gũi hơn bao giờ hết. Có lẽ phải đi xa nhiều, con người ta mới có thể cảm nhận được hết giá trị của “tình làng nghĩa xóm”, mới hiểu vì sao ta không thể sống đơn độc giữa những khó khăn của thời cuộc. Đến với mảnh đất này, có những người đã đánh đổi rất nhiều thứ, nhưng làm sao có thể đánh đổi được tình cảm với quê hương mình. Dù có đi đâu chăng nữa, đó vẫn là “chùm khế ngọt” trong tâm hồn. Đã 7 năm đi qua, ngày 01/05 luôn là một dấu mốc quan trọng để những người Di dân giáo phận Thanh Hóa ghi nhớ. Chẳng cần phải ai bảo ai, họ đến với nhau như một sự thúc đẩy thiêng liêng vô hình. Nào là Ba Làng, nào là Sông Chu, Sông Mã, nào Mỹ Điện, Nga Sơn, nào quê anh Nông Cống, quê tôi Hà Trung… tôi đây Kẻ Bền, xứ em Hữu Lễ… sự mộc mạc, chất phác của con người xứ Thanh vẫn hồn hậu hiện lên như thế. Tôi còn nhớ năm trước, hình ảnh đã ghi sâu vào trong tâm trí tôi là đôi bạn già ngồi bên thềm nhà thờ, nói chuyện đời, chuyện Đạo, chuyện gia đình, con cháu sau bao ngày tháng xa cách. Tôi ngỡ rằng năm nay sẽ không còn cơ hội gặp lại một trong hai gương mặt đó nữa, vì già yếu, bệnh tật mà có thể họ chẳng còn được gặp lại nhau. Ấy thế nhưng tôi đã nhìn thấy họ, chẳng phải từ bậc thềm nhà thờ nữa, mà từ trong Thánh Đường uy nghiêm, với tay đan tay, hát vang bài ca Hiệp nhất. Đó đơn giản là tình quê hương đã làm nên mối dây gắn kết, vượt qua cả giới hạn về không gian, về tuổi tác và về sức khỏe. Có thể chẳng ai biết, nhưng tôi lấy làm hạnh phúc cho tình thương mến thương giữa hai con người đã gần đất xa trời ấy.

 



Trước giờ khai mạc, tôi và người bạn đứng trước cửa lớn nhà thờ Vườn Xoài, trò chuyện với một phụ nữ đang bồng đứa con nhỏ trên tay. Đứa bé mới 3 tháng tuổi, da còn non đỏ đã được mẹ đưa đến nhà thờ dự lễ. Chị có nói đã dời quê được hơn 10 năm, cũng đã tham dự được mấy lần ngày gặp mặt. Hỏi về cảm nghĩ khi tham dự ngày này ra sao, chị nói vui lắm. Vì những khó khăn, lo toan mà đồng hương chẳng có cơ hội gặp nhau nhiều, có chăng chỉ là vài phút gặp nhau trên đường, chào hỏi đôi ba câu rồi lại tiếp tục đường ai nấy đi. Nhưng đến đây, chị được nói chuyện, tâm sự lâu hơn, được gặp Đức cha, các cha giáo phận Thanh Hóa, được tham dự Thánh lễ của những vị chủ chăn đến từ quê hương bản xứ. Đang trò chuyện, thi thoảng đứa bé lại dụi đầu vào vai mẹ, ngủ ngon lành trong buổi sáng Sài Gòn.

 



Có những người hàng xóm, có lẽ đã đến hơn 10 năm rồi tôi mới nhìn thấy gương mặt họ. Cuộc đời, cuộc mưu sinh đã để lại những dư âm sâu đậm trên những gương mặt ấy. Có những đứa trẻ cùng quê, nhìn quen quen nhưng chẳng dám nhận, vì chúng đã dời đi từ lúc còn quá nhỏ, gương mặt dám nắng đặc trưng của mảnh đất phương Nam. Người Thanh Hóa vào đây làm muôn ngàn nghề, nào công nhân, lao động công trường, bán hoa quả, bán vé số, xe ôm, chạy chợ… đa phần là những công việc nặng nhọc, tầm thường. Một số nhỏ trong họ có cơ hội sống cuộc sống ở mức độ khác như giáo viên, nhân viên văn phòng, giám đốc, sinh viên… Làm nghề nào có cái khổ của nghề đó, nhưng làm lòng tôi đau đáu hơn vẫn là những người lao động chân tay, sống ở mức thấp còm của xã hội. Có lẽ với họ, cuộc mưu sinh mang đầy mồ hôi, nước mắt và những nhọc nhằn mà khó có thể nào tránh được. Có những người không hiểu, nói họ không biết đường làm ăn buôn bán, đến chơi nhà mà cũng thấy ngại không muốn bước chân vô. Đâu ai biết rằng dù nghèo, những người Di dân vẫn mang trong mình một tình cảm mặn nồng với quê hương, làng xóm. Muốn biết về Di dân, phải trở thành Di dân mới có thể hiểu được những khó khăn, vất vả mà họ đang đối mặt từng ngày.

 



Nhưng cũng chính vào ngày hôm nay, tôi thầm cảm ơn Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh – người đã khởi nguồn nên một điểm hẹn cho Di dân tại miền Nam. Tiếp xúc với ngài một vài lần, qua những câu chuyện dễ mến cho tôi biết về cuộc đời, ngài còn cho tôi cảm nhận rõ sự quan tâm, sự thương cảm dành cho những người con giáo phận đang ngày từng ngày bôn ba nơi đất khách. Tôi ấn tượng lắm về hình ảnh vị Mục tử chăm chú theo dõi vào trước đêm tổng duyệt, hay nhễ nhại mồ hôi vẫn cười thật tươi cho đàn con xúm xít chụp hình cùng. Chẳng cần phải nhiều những lời hoa mỹ dành cho ngài, nhưng đối với tôi, đó là hình mẫu đích thực của vị Mục tử vì đoàn chiên.

 



Từ nay, tôi cũng là một người Di dân, để đến hẹn lại lên, tôi đến gặp với những người thân thuộc mà bỗng trở thành xa xôi, để cảm nhận vị nồng ấm của tình làng nghĩa xóm. Cuộc đời là những chuyến đi. Đến với mảnh đất này, hiện thực cuộc sống là những điều tương lai tôi phải đối diện. Không biết chuyến đi này sẽ tới đâu, nhưng tôi hy vọng sẽ có những người bạn đồng hành cho tôi niềm tin và hy vọng vào cuộc sống, vào đích đến mai sau. Đó là tình quê hương, tình người, tình bạn và tình hiệp thông tôi được đón nhận từ quê hương, bằng hữu trong những lần hội ngộ tới.


“Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nỗi thành người”

 

Miss Thuỷ Phạm