Chào mừng quý vị ghé thăm website Giáo Phận Thanh Hóa - Liên hệ điện thoại : 037 3853 138 - Email : gpthanhhoa@gmail.com

  ›   TGM - TH   ›   Chủng sinh - ứng sinh

Đi tìm cõi phúc trong đời tu.......................................................

cập nhật: (19/12/2011, 09:58 am)    Lượt xem: 3966


“ Tu sao cho trọn đời tu

Con tim giang dở cầm từ đời tu”

 

         Một lần kia tôi có dịp trò chuyện với một bà cụ, nói là bà cụ nhưng chắc khoảng 55 tuổi gì đó thôi. Chúng tôi nói chuyện trao đổi với nhau. Chẳng biết thế nào, nhưng câu chuyện đề cập tới đời tu. Bà cụ liền vỗ vai tôi và nói: “Tu là cõi phúc đấy cháu ạ! Cố gắng mà tu cháu nhé!”. Tôi đã nghe lời động viên này không biết bao nhiêu lần rồi mà sao khi nghe lời động viên ấy của bà, tôi lại cảm thấy động lòng thế. Tôi thầm cám ơn về sự khuyến khích của bà đã dành cho tôi là một kẻ đang sống đời tu. Nhưng sau đó tôi tự hỏi mình: “Cõi phúc ở đây là gì vậy? phải chăng đời tu là một cõi thiên đàng ở dưới trần gian? hay khung cảnh Chủng Viện với mấy ông thầy tu hay mấy bà sơ và tấm áo nhà tu làm cho ‘một góc hồng trần’ trở thành cõi phúc?”.

 
          “Tu là cõi phúc đấy! Nhớ cố gắng mà tu cháu nhé! Ở ngoài đời nhiều vất vả và bon chen lắm cháu ơi!”. Đó là những lời mà bà cụ nhắn nhủ tôi. Lời nhắn nhủ của những người đã từng trải trong cuộc đời, đã phải chen chân vào chợ đời, phải bon chen với cuộc sống và vất vả cho đến lúc đầu bạc răng long. Có thể nói được rằng, dưới con mắt của những người “nếm mùi đời” thì tu thật là cõi phúc, vì với ý nghĩ của họ thì đi tu đâu cần lo lắng tới miếng cơm manh áo, đâu phải xắn tay áo lên và lội xuống vũng lầy của cuộc sống, và nói một cách nôn na cũng chẳng đụng chạm đến ai cả. Tối ngày ăn, học, đọc kinh và ngủ, đôi khi cũng lao động chân tay đôi chút, mà công việc thì thoải mái và dễ chịu biết bao. Ngoài ra không phải lo kiếm tiền bạc, và cũng chẳng có con cái để mà lo lắng… vì vậy, tu là cõi phúc rồi. Khi đọc những suy nghĩ trên của nhiều người, tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn lắm trong đời tu, tôi cảm giác như có một mùi vị “trốn đời” trong đời tu. Tu mà đi tìm một nơi thoải mái, một chốn an nhàn thì chẳng thuyết phục gì hết. Trái lại, cõi phúc như vậy thì thật sự chán chết đi được. 


       “Tu là cõi phúc”, đó cũng là một cái nhìn của một số người trẻ trong xã hội Việt Nam. Theo tôi thiết nghĩ có lẽ họ nhìn không sai. Vì khi bước vào đời tu thì họ thoát khỏi nhiều sự lo lắng cho việc tiến thân, họ không phải chạy đua và cạnh tranh với cuộc đời. Tu viện và những điều kiện của đời tu giúp họ thăng tiến bản thân cách dễ dàng. Họ không phải nai lưng ra để kiếm tiền như bao sinh viên khác, để mua được ít gạo hay một cây bút viết. Tất cả những gì họ cần để phát triển, họ đều có. Trong cái nhìn như vậy, thì đúng là “ Tu là cõi phúc” thật, và họ cũng thật là khôn ngoan, nhưng đây lại là cái khôn ngoan của thế gian. Họ biết tìm đến một nơi đầy đủ để giúp họ thăng tiến bản thân. Nếu đúng là như vậy thì phải chăng họ đang lợi dụng đời tu, đang đánh lừa tu viện? Và tu viện sẽ là cõi phúc cho đến khi họ thăng tiến được bản thân, còn sau đó thì sao?. Tới đây, tôi cũng đã phần nào cảm và hiểu được một số nam nữ tu sĩ bước vào đời tu chỉ vì bố mẹ, chỉ vì gia đình. Rồi tới một điểm mốc trong đời tu, người tu sĩ dừng bước và nhận ra rằng: Ồ! Đây không phải là “đất dụng võ” của mình, mình không tìm kiếm được hạnh phúc thực sự nơi đây. Nhưng bây giờ làm sao có can đảm cởi “áo chùng thâm” hay cởi “lúp” kia ra để trở về với cuộc đời và làm lại từ đầu? Liệu rằng bố mẹ và gia đình mà nghe biết như vậy, thì có chấp nhận hay không? Thôi đã lỡ vì bố mẹ và vì gia đình rồi, thì “vì” suốt cả cuộc đời. Lỡ phóng lao rồi thì phải theo lao thôi, dù rằng “lao kia” khó mà đưa lại một cõi phúc thật. Đúng là “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” (Nguyễn Du). Vậy thì Chúa Giêsu xưa kia, khi kêu gọi những kẻ bước theo, Ngài có “quảng cáo” và hứa một cõi phúc an nhàn, một cõi phúc mang lại niềm hãnh diện cho mình và cho gia đình, một cõi phúc là bàn đạp thăng tiến bản thân, một cõi phúc với đầy đủ đời sống và đôi khi dư thừa, đến nỗi đi tu là đời sẽ “lên hương”, vì sẽ trở thành những “ông to, bà lớn” có kẻ hầu người hạ, có cao lương mĩ vị, muốn gì được nấy không? 


        “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Lật lại những trang Kinh Thánh tôi đọc được những lời này của Chúa Giêsu. Ngẫm nghĩ lời này, tôi thấy rằng, cõi phúc mà nhiều người nghĩ về đời tu là sai bét. Theo tâm tình của Chúa Giêsu, khi bước vào đời tu, điều đầu tiên là phải bỏ mình, và trong ý nghĩa đích thực của sự từ bỏ mình thì người ta không còn đi tìm những điều kiện đầy đủ để hưởng thụ, và cũng không nhìn đời tu là một môi trường để mình đạt được những gì mình đã “đặt kế hoạch”. Khi từ bỏ mình, người ta sẽ không đi tìm danh lợi và sự hãnh diện cho chính bản thân và gia đình. Từ bỏ mình cũng có nghĩa là người tu sĩ từ chối nhiều điều kiện “ngon lành” trong cuộc sống giúp mình thăng tiến bản thân. Như vậy, khi đồng ý bước theo Đức Giêsu, thì thuyền cũng buông và lưới cũng bỏ, cha già và gia đình cũng xin chia tay, ghế thu thuế kiếm được bạc triệu cũng xin trả lại.

 
         Từ bỏ mình chưa đủ, Chúa Giêsu còn đòi hỏi vác thập giá của mình mà bước theo. Đó chính là thái độ sẵn sàng đón nhận những vất vả, đau khổ, chua cay mà người tu sĩ sẽ gặp trên đường. Con đường theo Chúa không trải dài nhung lụa như nhiều người lầm tưởng, mà ngược lại là gai nhọn, sỉ nhục và đôi khi tù đầy đang chờ đợi. Ai muốn hiểu được điều này, theo tôi nghĩ, cứ nhìn vào Chúa Giêsu thì sẽ hiểu. Nếu Chúa Giêsu đã chịu nhiều đau khổ như vậy, thì học trò không thể chạy trốn vết chân thầy mình. Sống trong một thế giới mà người ta chỉ lo hưởng thụ, chỉ nghĩ đến bản thân mình mà thôi, thì vẫn có những con người đang âm thầm phục vụ. Họ được ví như chiếc khăn lau chân ấy. Họ là những tu sĩ, linh mục,... Cử chỉ nhân ái của họ là những tấm khăn lau, để lòng người bớt đi những lo âu, mệt mỏi, ưu phiền, những mặc cảm và thất vọng đau thương. Có nhiều tâm hồn quảng đại và cái tốt của họ như tấm khăn thơm làm tân đi những mù hôi hám của xã hội, và che lấp đi những điều xấu xa của người khác. Họ phục vụ âm thầm như chiếc khăn lau chân. Lau xong rồi bị người ta vứt vào xó, và họ coi đó là chỗ bình thường của họ. Chiếc khăn ấy chấp nhận chịu ướt để có những bàn chân được khô. Nó chịu dơ để có những bàn chân được sạch. Có nhiều tâm hồn vị tha khiêm tốn, họ làm những việc nhỏ mọn để phục vụ xã hội, những công việc mà chẳng ai thèm tranh dành, bởi vì nó quá tầm thường trước mặt người đời, nhưng quả là phi thường đối với Chúa. Họ làm những gì mình có thể làm được cho anh em mình, mặc dù nhỏ bé đơn sơ nhưng đó là những chứng tích hùng hồn nói lên tình yêu sống động của họ đối với Đức Kitô, để mỗi ngày nhờ phục vụ mà họ được sống với Ngài, lớn lên trong Ngài, hoàn thành mọi sự nhờ Ngài và mỗi ngày trở nên giống Ngài, Đấng là mẫu gương của sự phục vụ trong yêu thương và khiêm nhường, để mang đến niềm vui và hạnh phúc của con người. “Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa chứ không phải người ta” (Ep 6,7 ).Thiết nghĩ, đó phải là tinh thần của những người đi theo Chúa.


         Ngắn nhìn Chúa Giêsu, nhìn lại con đường theo Chúa Giêsu, nhìn lại chính sứ mạng của Giêsu và của kẻ đi tu; qua những kinh nghiệm của bản thân và của bao người đồng tu, tôi nhận ra rằng: “tu là yêu”. Thực vậy, yêu mới tu, mà yêu ở đây không phải là yêu một người và trao đổi cuộc sống với người đó trong một mái nhà, mà là yêu tất cả mọi người mà kẻ đi tu gặp trên đường. Yêu đòi hỏi người tu sĩ phải dấn thân, nhiều khi phải thiệt thân nữa. Yêu giúp người tu sĩ không quản ngại vất vả và đau khổ. Yêu giúp người tu sĩ cảm thấy vui và hạnh phúc không chỉ trong công việc phục vụ, mà cả trong những khi thất bại cũng không chán chường và thất vọng. Yêu nên người tu sĩ vui với cả những lúc mình cô đơn lẻ loi một mình. Yêu nên người tu sĩ dễ dàng đón nhận những khác biệt và rất khó chịu của những người đồng tu. Yêu nên người tu sĩ sẽ không đánh mất mình khi phải bỏ mình. Ngược lại tìm được mình một cách trọn vẹn. Yêu nên người tu sĩ sẵn sàng kề vai vác thập giá. Thập giá chỉ nặng khi tâm hồn thiếu tình yêu. Nhưng nói tới tình yêu trong đời tu sĩ, thì không thể không nhắc đến tình yêu với Giêsu. Càng tu tôi càng thấy rằng, khi nào còn bám vào Giêsu, khi nào còn để cho Giêsu hướng dẫn, khi còn cảm nhận cách sâu sa trong đáy tâm hồn là: “tôi yêu Giêsu” và khi còn nói đựơc rằng: “Giêsu là tất cả đời tôi”, thì lúc đó đời tu mới có giá trị. Chiếc áo dòng của người tu sĩ mới đáng giá biết bao. 


         Nếu người tu sĩ bước vào đời tu để sống yêu, yêu Giêsu, yêu mọi người và yêu mình, thì sẽ tìm được cõi phúc. Bởi vỉ:

 

“Trái chín nửa vời làm sao mà dịu ngọt

Tay ôm nửa vời sao trọn vòng tay

Chân đi nửa vời làm sao mà tới đích

Yêu Chúa nửa vời cả đời uổng công”

 

 Và khi sống trong tình yêu, người đi tu có thể nói được rằng: “Tu là cõi phúc đấy bạn ạ!”. 

 

    Jos. Phan Thanh Cảnh