Chào mừng quý vị ghé thăm website Giáo Phận Thanh Hóa - Liên hệ điện thoại : 037 3853 138 - Email : gpthanhhoa@gmail.com

  ›   TGM - TH   ›   Suy niệm Chúa nhật

Chúa nhật III Phục sinh - C: Chọn lựa ưu tiên

cập nhật: (11/04/2013, 08:06 am)    Lượt xem: 404


Người ta nói "Sống là chọn lựa". Điều đó đúng bởi vì suốt ngày chúng ta liên tục phải lựa chọn: ưng cái này bỏ cái kia, làm cái này mà không theo phương án nọ.... Không chỉ người lớn mới bận bịu những điều đó mà ngay cả một em nhỏ cũng thường xuyên dùng phán đoán của mình để đi đến một quyết định chung cuộc cho một hành vi nào đó: nhờ thế mới tồn tại và phát triển được. Nhưng trong tất cả mọi quyết định, trước hết và trên hết phải là chọn Chúa, đứng về phía Ngài. Chính Thiên Chúa chiếm vị trí số 1 trong đời tôi. Có Chúa là có tất cả. Không thể chấp nhận kiểu sống miệng không ngớt tuyên xưng niềm tin và tôn thờ một Chúa mà trong hành động lại chọn những thứ không phải Ngài. Chỉ có hai trường hợp xảy ra như Chúa Giêsu đã có lần cảnh báo "hoặc là Thiên Chúa hoặc là tiền bạc". Tất nhiên tiền bạc hay bất cứ cái gì khác cũng chẳng khác nhau bao nhiêu.

 

Ba hành động chứng minh ta có chọn Chúa là đối tượng duy nhất và trên tất cả mọi sự không; đó là Chọn nghe Lời Chúa, Chọn những công việc của Chúa và chọn làm chứng cho Chúa bằng mọi giá. Sứ điệp Lời Chúa trong tuần III Phục Sinh năm C cho chúng ta thấy rõ điều đó.

 

1. Chọn nghe Lời Chúa

 

Trong Bài đọc 1, Thánh Phêrô và các anh em tông đồ khác khẳng định trước Thượng Hội Đồng rằng các ông cần phải vâng Lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm (Cv 5, 29). Ý thức được "thần tượng" duy nhất của mình và chọn đứng về phía Chúa là hơn cả nên các tông đồ dứt khoát đưa ra lập trường chọn nghe lời Thiên Chúa. Các ông biết chắc chắn khi không nghe lời phàm nhân đang khi họ có quyền sinh sát thì sẽ bị cấm cách, bắt bớ và đánh đập. Tuy nhiên không có bất cứ một quyền lực nào làm thay đổi được chọn lựa của các ông.

 

Nghe lời Thiên Chúa là nghe thực sự bằng đôi tai thể lý và tấm lòng cởi mở. Bài Tin mừng cho thấy: Nếu Phêrô đã không nghe lời Chúa mà thả lưới “bên phải mạn thuyền” (Ga 21, 6), thì chẳng bắt được 153 con cá to. Vì biết nghe lời Chúa Giêsu, các tông đồ đánh được mẻ cá lạ lùng chỉ trong giây lát. Thế mới thấy được giá trị của việc lắng nghe Lời Chúa. Chân lý này bao giờ cũng đúng; rằng nỗ lực con người chỉ là hư không nếu không có Chúa đến can thiệp kịp thời. Thánh sử Gioan tóm kết tư tưởng đó chỉ trong một câu ngắn gọn lời dậy từ miệng Chúa Giêsu: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15, 5).

 

Không có lời nào đáng nghe nếu không khởi đầu và xây dựng trên Lời Thiên Chúa: "Ai nghe lời Chúa mà đem ra thực hành thì ví như người xây nhà trên đá".

Phêrô vì đã biết nghe mới đánh được mẻ cá lạ lùng như vậy. Và cũng vì chú tâm nghe nên ông nhận ra tiếng Chúa tiếp tục gọi ông đi theo Người: Nếu Phêrô không bắt được tiếng gọi của Chúa, nếu ông không chọn nghe theo Lời của Chúa thì sự thể đã khác.

 

Sau khi Chúa Phục sinh, "Lời" đến với vị tông đồ trưởng càng cấp thiết hơn: Thiên Chúa sai ông như chứng nhân đáng tin cậy để công bố tin mừng về ơn cứu độ Thiên Chúa dành cho nhân loại. Cùng với tin vui ơn cứu độ Chúa ban cho tất cả mọi người, mỗi người đặc biệt các kitô hữu được mời gọi sửa sai những gì đã lỗi phạm để trở nên những con người tốt lành hơn. Một trong những hoa trái của việc canh tân cuộc sống đó là nghe Lời Chúa và đem ra thực hành: biến đổi mình trước khi dấn thân cho công việc của Thiên Chúa.

 

2. Chọn công việc của Chúa

 

Công việc của Chúa là phục vụ trong yêu thương. Bài học quan trọng đó Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ rất kỹ: Noi gương Chúa Kitô phục vụ trong yêu mến và hy sinh. Lòng mến là điều kiện căn bản nhất để một người dám dấn thân hoạt động tông đồ cho Chúa, cho Giáo Hội và thế giới. Hy sinh là dấu chứng thể hiện lòng yêu mến dạt dào. Không thể có yếu tố này mà thiếu yếu tố kia.

 

Làm công việc của Chúa, phải có nhiều tình yêu. Thánh Phêrô được Chúa Giêsu thẩm vấn về mức độ yêu mến trước khi được trao nhiệm vụ quan trọng "chăn dắt chiên của Thiên Chúa". Trước khi giao cho Phêrô trách nhiệm coi sóc Giáo Hội của Ngài, Đức Giêsu hỏi ông tới ba lần "Anh có mến Thầy không?" đến nỗi đã làm ông buồn. Điều ấy không phải là không có ý nghĩa. Làm việc cho Chúa, cho Giáo Hội, cho nhân loại, hay cho xã hội đòi hỏi những người làm công việc ấy phải dấn thân, quên mình, phải có tấm lòng chung, nghĩa là phải có rất nhiều tình yêu: tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân.

 

Ngoài ra, làm chứng cho Chúa đòi người môn đệ 1 tấm lòng thẳng thắn và tinh tuyền: dám nói và buộc phải nói những gì được nghe, chứng kiến và dấn thân cho những xác tín nhận được từ nơi Chúa. Giống như các tông đồ xưa, mỗi người chúng ta dù là ai cũng đang được Thiên Chúa chất vấn về câu hỏi của lòng mến: "Con có thật sự yêu mến Ta không?". Nếu chúng ta thưa có thì chúng ta hãy làm theo những gì tình yêu ấy đòi hỏi. Nói cách khác, cả cuộc sống của ta phải là lời chứng cho điều ta tuyên xưng.

 

3. Chọn làm chứng cho Chúa

 

Trước khi về trời Chúa Giêsu để lại "di chúc" cho các môn đệ: "Chính anh em là chứng nhân về những điều này" (Lc 24, 35-48). Đó là lời mời gọi cuối cùng nếu không muốn nói là lệnh truyền của Đức Kitô phục sinh ngỏ với các tông đồ, và qua các ngài, với tất cả chúng ta, là mời gọi trở thành chứng nhân. Nhưng đâu là cách thức hay con đường để trở thành chứng nhân của Đức Kitô?

 

Sinh thời Chúa Giêsu đã đưa ra điều kiện cho kẻ muốn theo Người: "Ai muốn theo thầy thì phải từ bỏ mình vác thập giá mỗi ngày mà theo" (Lc 9, 23-24). Từ bỏ mình và vác thánh giá là 2 yếu tố tiên quyết đòi buộc những người muốn đi theo Chúa phải có. Chúng cụ thể hóa ra bằng những lời nói và việc làm trong cuộc sống đời thường, nghĩa là liên tục xảy ra trong các lựa chọn đứng về phe Thiên Chúa. Trong mọi môi trường: công xưởng, nơi phố xá, trường học, nguyện đường... bất chấp tất cả tôi là môn đệ trung tín của Đức Kitô ngần nào có thể.

 

Sách Công vụ tông đồ cho biết: các tông đồ “vui mừng vì được chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu Kitô!”. Các ông được Chúa Giêsu trao cho trách vụ làm nhân chứng cho Chúa ở Giêrusalem và đến tận cùng trái đất với tất cả những hệ lụy kèm theo.

 

Trong bài đọc II, thánh Gioan đi xa hơn khi làm chứng về thị kiến ông thấy. Gioan là tác giả sách Khải Huyền nói với chúng ta. Người viết cho Hội Thánh về những mầu nhiệm mà Người được thấy mở ra ở trên trời, tức là nơi thế giới của Thiên Chúa. Bài sách Khải Huyền hôm nay là một bài tuyên xưng mạnh mẽ vương quyền cao cả của Chúa Giêsu Kitô tử nạn phục sinh.

 

Trở lại với bài tin mừng chúng ta sẽ bắt gặp khuôn mặt Phêrô. Cuộc sống  và cái chết của ông đã được Chúa Giêsu tiên báo trong bài Tin Mừng hôm nay: "Thầy bảo thật cho Anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng ấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, Anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn Anh đến nơi Anh chẳng muốn. Người nói vậy, có ý ám chỉ Ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa" (Ga 21, 18-19).     

 

Trước kia, các tông đồ là những người như thế nào ai ai cũng biết. Họ làm nghề chài lưới, ít học và rất sợ người Do Thái. Phêrô có lúc sợ cả một đứa ở gái. Thế mà hôm nay đứng trước công nghị nghe Thượng Tế cấm không được rao giảng Danh Ðức Giêsu nữa, Phêrô đã trả lời khẳng khái: Phải vâng phục Thiên Chúa hơn là người ta.

 

Nhờ đâu đã có một sự thay đổi như vậy? Chúng ta cứ nghe Phêrô. Ông đang tuyên chứng trước công nghị, tức là cơ quan quyền lực tối cao của người Do Thái. Chính cơ quan này đã lập tòa xử án Ðức Giêsu và đã hành động để Người bị treo lên cây gỗ. Nhưng, Phêrô nói: "Thiên Chúa đã cho Ðức Giêsu sống lại". Thiên Chúa đã tỏ rõ phán quyết của Người. Người ta đã treo Ðức Giêsu lên cây gỗ; còn Thiên Chúa lại nhắc Ngài lên bên hữu Người. Vậy phải theo ai? Nhất định phải vâng lời Thiên Chúa hơn là người ta. Thiên Chúa đã tôn vinh Ðức Giêsu, thì nhất định chúng ta phải rao giảng Danh Ngài. Mà rao giảng Ngài có thiệt hại gì ai? Trái lại, Ngài được Thiên Chúa nhắc lên làm Cứu tinh và Cứu thế. Rao giảng Ngài chỉ là để ban cho Israel ơn hối cải và tha tội.

 

Tóm lại: Dù có bận bịu với cuộc sống chúng ta cũng cố gắng nhận ra tiếng Chúa để đi theo Người, ngay cả những lúc u tối của đời sống. Chọn Chúa là ưu tiên duy nhất của đời chúng ta.

 

Chỉ có lòng mến của ta mới bảo đảm ta chọn Chúa và muốn làm những công việc của Ngài. Lòng yêu mến là điều kiện căn bản nhất để một người dám dấn thân hoạt động tông đồ cho Chúa, cho Giáo Hội và thế giới.

 

Phải có Chúa Phục sinh hiện đến, sai đi và hướng dẫn, chúng ta mới đạt được kết quả và kết quả dồi dào một cách phi thường.

 

Mai Thi