Chào mừng quý vị ghé thăm website Giáo Phận Thanh Hóa - Liên hệ điện thoại : 037 3853 138 - Email : gpthanhhoa@gmail.com

  ›   TGM - TH   ›   Bác ái - Xã hội

Hành trình vùng cao… và những điều suy nghĩ

cập nhật: (18/05/2012, 12:58 am)    Lượt xem: 2464


Dân gian Việt Nam có câu “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” quả là không sai. Có đi nhiều tôi mới biết được rằng, quê ta, Việt Nam ta có rất nhiều cảnh đẹp, có nhiều những con người đáng yêu và hồn nhiên. Và có rất nhiều những cảnh đời, những nỗi bất hạnh, những nỗi khổ khó nói. Đặc biệt là đối với những người công giáo bị bơ vơ, lạc lõng ở nơi biên cương, ở vùng sơn cước.


Trong những ngày cuối tuần vừa qua, tôi đã có một cuộc hành trình ý nghĩa ở những nơi như vậy – những giáo họ vùng cao của xứ Phong Ý.

 

Tôi lên đường trên một chiếc xe nhỏ của một giáo dân xứ Đa Phạn. Trên xe có Cha Antôn Trịnh Đình Thiệu – giám  đốc Caritas, Chủ tịch Ủy ban bác ái giáo phận Thanh Hóa, Cha Phêrô Đỗ Trọng Khải – chính xứ Đa Phạn, phó Giám đốc Caritas, ba Soeur Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa và một giáo dân giáo xứ Đa Phạn. Chiếc xe khởi hành vào lúc 22 giờ 30 ngày 09/05/2012. Rời xa thành phố hoa lệ, phồn vinh và sôi động, chiếc xe bon bon qua những con đường ngoằn nghèo, những ngôi nhà vào đêm đã im lìm trong giấc ngủ. Tới với giáo xứ Phong Ý cũng là lúc giờ đã điểm ngày mới. Đoàn đón thêm cha phó xứ Phaolô Đinh Tiến Thảo – linh mục đặc trách vùng cao cùng đồng hành.

 


Rời nhà xứ Phong Ý cũng là lúc cuộc hành trình vùng cao bắt đầu. Những con đường cong queo, khúc khửu, dốc đá thay thế đường nhựa. Những ngôi nhà lùi dần về phía xa và ít dần, thưa dần sau mỗi chặng đường.

 

Ngày mới nhanh chóng cựa mình bằng những tia nắng hè bỏng rát. Mây hãy còn ngủ yên nơi cành cây, ngọn núi. Nhưng cái nóng đã lan ra khắp xe. Dù có điều hòa nhưng mồ hôi vẫn nhỏ giọt trên khuôn mặt của từng thành viên.

 

Hôm nay, cha Antôn cùng đoàn chúng tôi được sự ủy trách của các ân nhân trong và ngoài nước, gom góp những phần quà nho nhỏ để trao tặng cho bà con Công giáo tại bản Pa-Púa (xã Trung Lý – Mường Lát), bản Suối Tôn (Phú Lệ - Quan Hóa) và một số bản khó khăn ở vùng cao này như Vụ Mùa, Cá Ráng, Cánh Cộng, Lốc Há...Ủy ban Bác ái - Caritas Thanh Hóa đã rất may mắn khi được cộng tác cùng Hội Bác ái Phanxico, bác sĩ Hiền/Tiến, luật sư Hạnh và hãng luật Chevron dành cho người Công giáo vùng cao những món quà ý nghĩa. Tổng chuyến đi lần này gồm có 500 phần quà (500 gia đình), mỗi phần quà gồm: 10kg gạo, 1kg cá khô, 2 lít nước mắm, 4 gói muối iốt, 2 chai dầu ăn, 2 gói bột giặt, 2 bánh xà phòng tắm, 2 gói bánh, 2 gói kẹo, 2 chai kem đánh răng, 2 bàn chải đánh răng vầ những phần quà khác...Tính chung tổng giá trị của chuyến đi là 10.500 USD...

 


Lên tới Mường Lát cũng là lúc mặt trời đã chiếu thẳng đỉnh đầu. Đoàn dừng lại tại Ủy ban xã Trung Lý, cha trưởng đoàn và cha phó xứ Phong Ý qua xin phép chính quyền xã để vào thăm bà con. Nhưng vẫn là điệp khúc quen thuộc, đoàn chỉ có thể dừng chân tại ủy ban, để quà lại đây và ủy ban sẽ phát lại cho bà con. Pa-Púa cheo leo trên đỉnh núi vẫn là một bí mật, vẫn là một điểm nhìn mà tôi cố với tới. Đây là lần thứ hai tôi đến với Trung Lý, và lại thêm một lần tôi thất hẹn với vùng cao ấy.

 

Thế là đoàn đành phải để quà lại ủy ban, cha Phaolô Thảo gọi bà con ra xã lấy quà. Có lẽ đoán biết không đón được các cha, các Soeur về bản nên bà con đến đông hơn mọi lần. Các em nhỏ đang học ở ngôi trường đối diện cũng theo xuống. Tuy là người dân tộc vùng cao, xa cách với thế giới bên ngoài, nhưng người Pa-Púa được các cha xứ Phong Ý quan tâm, dạy bảo nhiều điều. Nhiều người được ra ngoài đi làm, nhiều con em được vận động đến trường. Gặp khách lạ, họ cũng biết bắt tay, biết hỏi thăm với thái độ kính cẩn. Pa-Púa cũng là một trong số rất ít bản cao có nhiều em theo học cấp 1, cấp 2, cấp 3 nhất.

 


Trong khi chờ đưa quà từ ôtô xuống, tôi cùng với hai Soeur lên lán – nơi mà các em bản Pa-Púa nghỉ tạm khi đi học. Lán đơn sơ, thiếu thốn đủ bề. Khi được hỏi các em có hay về nhà không, nhiều em lắc đầu: “Nhà xa lắm, đi bộ nhiều lắm. Chỉ khi nào bố mẹ qua đón về thì về. Mà cũng ít lắm”. Một em gái tuổi khoảng 15, 16 đang học lớp 9 đứng bên cạnh tôi nói rằng: “Cha Thảo bảo phải đi học mới được ra ngoài bản, mới biết nhiều, dù có xa mấy cũng đi học, không lấy chồng sớm đâu”. Câu nói ấy làm lòng tôi ấm lại. Giá như ai cũng có suy nghĩ như vậy, thì người vùng cao rồi cũng sẽ thoát khổ thôi. Soeur trao cho các em các suốt học bổng. Hi vọng những phần quà nhỏ này sẽ giúp các em có thêm niềm tin và động lực với con đường mới.

 

Ngậm ngùi, tiếc nuối chia tay với Pa-Púa, đoàn trở về với Suối Tôn. Như được thông hiểu hoàn cảnh, cha Phaolô tâm sự nhiều hơn về những chuyến đi của mình. Có khi một ngày cha cũng phải đi tới hàng mấy trăm cây số, dâng lễ vài ba nơi, mà đoạn đường đâu phải lúc nào cũng dễ đi. Nhưng xa và mệt không làm cha nao núng. Cha lo lắng và buồn nhiều vì càng ngày nhiều địa điểm dâng lễ càng bị cấm. Bà con vùng cao vốn đã là những chiên lạc đáng thương, nay lại bị gò vào một nơi, bị cấm đoán đủ điều. Nếu như không được quan tâm có thể bị mất Đạo…

 


Suối Tôn ở thấp hơn so với Pa-Púa và điều kiện đi lại, gặp gỡ với bà con cũng dễ hơn. Tuy nhiên, việc các cha đến dâng lễ thì vẫn không được phép. Trời bắt đầu nhá nhem, nhà nguyện tranh tối tranh sáng. Lần nào đến với Suối Tôn trời cũng đã tối, và lần nào tôi cũng chỉ được gặp những con người ấy: những đứa trẻ mãi mà không thấy lớn, những bà cụ ngày càng già đi, những cô gái nhanh chóng thành các bà mẹ trẻ… Suối Tôn so với Pa-Púa thì có ít người đi học hơn. Độ tuổi lập gia đình cũng ít hơn. Trẻ con ngày càng nhiều. Những người đàn ông trụ cột gia đình luôn vắng nhà. Họ đang phải làm đồi, làm nương mãi trên núi, tuần về một hai lần gì đó mà thôi. Cô bé Thàu Lệ Phi tôi gặp trước tết giờ đã bụ bẫm, đã biết theo mẹ lên đồi. Hồi đó, bé mới sinh được mấy ngày. Giờ nói đã lớn nhưng tính ra mới được có 6, 7 tháng gì đó. Nhưng vị mặn mồ hôi của người mẹ trẻ, cái nắng vùng cao đã thấm sâu vào bé mỗi lần mẹ bé đi làm. Có lẽ vì thế mà các bé lớn lên mạnh khỏe hơn người xuôi.

 

Tôi rất vui khi đám con nít và nhiều bà con nhận ra tôi. Nhiều bà, nhiều chị cầm tay tôi mời vào nhà chơi. Các bé thì vây quanh và bi bô những tiếng mà tôi không thể hiểu được. Nhưng tôi biết trong ánh mắt chúng là sự quí mến chân thành. Bao nhiêu mệt mỏi của chuyến đi hơn 700 cây số của đoàn chúng tôi như được xoa dịu chỉ bởi những cái nhìn thân thương như thế.

 

 

Đoàn đến vội vã và ra đi cũng vội vã vì trời đã muộn, trăng đã lấp ló trên đầu. Bà con Suối Tôn tiễn đoàn với cái vẫy tay lưu luyến. Tôi biết chắc rằng tôi sẽ còn gặp lại những người anh em cùng tôn giáo của tôi, những con chiên lạc của giáo phận Thanh Hóa. Vì sự đơn sơ, vì sự chân thành và cả nét hồn nhiên của họ vây lấy tôi, níu giữ bước chân của những người khách ân tình…

 

Đoàn dừng lại tại thị trấn Hồi Xuân – Quan Hóa để các cha thăm và dâng lễ tại giáo họ Hồi Xuân. Giáo họ nhỏ nằm bên cạnh Sông Mã, vẫn còn phải dâng lễ tại ngôi nhà nguyện là nhà ở của ông Trùm. Ngôi nhà mà cái nghèo hằn lên từng viên gạch, từng bờ tường ấy cần thêm những lời cầu nguyện, sự quan tâm của những trái tim thiện tình. Sau thánh lễ, đoàn nán lại dùng bữa cơm giản dị với nhà ông Trùm. Ông đã già, móm mém cảm ơn quí cha, quí Soeur và xin thêm lời nguyện cầu cho giáo họ. Ước mong bé nhỏ của ông trước khi rời xa thế giới này chính là giáo họ có một nơi tươm tất hơn để cử hành các bí tích.

 


Khó khăn, thiếu thốn, và thử thách, là những điều mà người Công giáo vùng cao luôn phải đối mặt. Nếu như không có đủ kiên nhẫn, không có quyết tâm, không có sự yêu mến và thấu hiểu những số phận chông chênh “nơi cổng trời” ấy thì có lẽ các cha nơi đây sẽ không thể tìm được chiên lạc. Những cuộc hành trình vùng cao, một ngày vài trăm cây số không còn gì là lạ với các cha xứ Phong Ý này nữa. Tôi cũng được theo chân cha Thảo, cha Đức – hai cha phó Phong Ý trong dịp cuối tuần. Và tôi cũng phần nào hiểu được đoạn đường chông gai mà các cha đang đi. Đó không những là dốc, đồi, là đá sỏi, là khoảng cách xa xôi. Mà đó còn là sỏi đá từ thực tế phũ phàng. Những lần về nhà xứ trong đêm, những lần chạy mưa, sấm sét đùng đùng, rồi nhà nguyện, linh mục, sách Thánh chan hòa trong mưa… không còn xa lạ nữa. Không phải là gian cung thánh rộng rãi, uy nghiêm, sáng lạn mà là những cái bàn, những ngôi nhà, những cái lán tạm bợ cũng đủ làm nên những điều phúc...

 


Vậy nên, có những mơ ước đối với miền xuôi thì nhỏ bé, nhưng lên tới non cao này thì lại trở thành những nguyện ước cao vời…


Tuy vậy nhưng bà con giáo dân vẫn giữ đạo, các cha vẫn siêng năng với trách nhiệm mục tử của mình và rất nhiều những tấm lòng hảo tâm vẫn hướng về miền ngược đủ nói lên một giáo phận Thanh Hóa hiệp nhất và kiên vững. Có khó khăn mới thấy được sức mạnh đoàn kết, sự tin yêu và tình thương Chúa mạnh tới nhường nào. Và chúng ta vẫn luôn có quyền hi vọng, tin tưởng một ngày mai chiên lạc sẽ trở về mạnh mẽ…

 

Maria Én Trần


Những hình ảnh trên được chụp tại bản Suối Tôn. Còn tại Pa-Púa, mặc dù ở ngoài Ủy ban nhưng theo lời của anh biên phòng "Đây là vùng biên giới nhạy cảm nên không được phép quay phim - chụp ảnh".