Chào mừng quý vị ghé thăm website Giáo Phận Thanh Hóa - Liên hệ điện thoại : 037 3853 138 - Email : gpthanhhoa@gmail.com

  ›   Giới thiệu GP   ›   5. Đôi nét về Thanh Hóa

Đôi Nét Xứ Thanh

cập nhật: (25/11/2011, 03:21 pm)    Lượt xem: 3245


Đôi Nét Xứ Thanh


Mảnh đất Thanh Hoá nằm ở cực bắc Miền Trung, cách Hà Nội 150 km về phía Nam. Bắc giáp ba tỉnh Sơn La, Hoà Bình và Ninh Bình. Nam giáp tỉnh Nghệ An. Đông giáp Vịnh Bắc Bộ. Tây giáp Tỉnh Hủa Phăn (Lào). Dân số hiện tại khoảng 3.467.609 người.



 

Địa hình tự nhiên của Thanh Hoá gồm biển, sông hồ, đồng bằng, rừng núi. Thanh hoá được mệnh danh là “xứ sở của núi đá vôi”. Núi ở vùng cao phía Tây. Núi ngay giữa đồng bằng. Núi theo sông. Núi chạy ra biển. Núi tạo nên những cảnh quan đẹp đến kỳ ảo. 99 ngọn của của dãy Ngũ Hoa Phong tựa hồ long giáng Sông Mã. Núi Cửa Hà soi bóng bên cầu Cẩm Thuỷ. Suối Cá Thần Cẩm Lương từ lòng núi chảy ra. Động Từ Thức ở Nga Sơn bay bổng tiếng tiên nữ ca. Động Hồ Công ở Kim Sơn - Vĩnh Lộc thấp thoáng bóng tiên ông giúp đời…


Xứ thanh có Rừng Quốc Gia Bến En, có Thác Bảy Tầng, có bãi tắm Sầm Sơn nổi tiếng bởi dải cát trắng mịn, bờ thoai thoải, nước trong hoà vào núi non, đền đài… tạo nên phong cảnh sơn thuỷ hữu tình làm vui lòng du khách. Một học giả người Pháp, Le Breton nhận xét: “Quang cảnh Thanh Hoá cũng là quang cảnh của Bắc Kỳ, nhưng ở đây đẹp hơn, hùng vĩ hơn, bởi vì đồng bằng Sông Mã nhỏ hơn đồng bằng sông Hồng; ở đây những núi đá vôi, những quả đồi xanh thẳm ngăn cách ruộng đồng ra từng mảng xoá bỏ cái vẻ chán ngán và đơn điệu của đồng bằng sông nước” (Le BRETON, Tỉnh Thanh Hoá, Các Địa Điểm Tham Quan, bản dịch đánh máy, tài liệu lưu trữ ở phòng Địa chí, Thư viện tổng hợp Thanh Hoá).


Thanh hoá không những nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh tự nhiên mà xứ sở này còn được biết đến như là vùng đất có bề dày lịch sử. Trong lòng đất xứ Thanh ghi đậm vết tích của các giai đoạn phát triển của xã hội loài người. Núi Đọ lưu giữ di chỉ thời Đồ Đá. Đông Sơn chứa đựng cổ vật thời Đồ Đồng.



Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, từ khi còn là 1 trong 15 quận thành của nước Văn Lang (lúc đó Thanh Hoá có tên là quận Cửu Chân) đến nay, Thanh Hoá, đã cống hiến cho dân tộc nhiều người con ưu tú. Trong đó tiêu biểu: Triệu Thị Trinh, Lê Hoàn, Lê Lợi, Hồ Quý Ly, các chúa Trịnh, Nguyễn. Đó là những bậc anh hùng một thời xưng vương, lập quốc.


Thanh hoá có Lam Kinh cổ kính, có Tây Đô (thành nhà Hồ)bí ẩn được bậc đế vương chọn làm kinh đô. Thanh hoá có những làng mạc cổ xưa, xưa như cái tên của nó “kẻ”, “cổ”, “trang”, “xá” với những tập tục có từ rất lâu đời.


Thành nhà Hồ (ảnh sưu tầm)


Thanh hoá còn là xứ sở của những điệu múa, những phong tục, lễ hội đặc sắc mang nét đặc trưng của những sinh hoạt cộng đồng: múa đèn Đông Anh, trò Xuân Phả, hò sông Mã, Lễ Hội Lam Kinh, Lễ Hội Đền Sòng…


Tâm hồn người xứ Thanh không những yêu thích ca hát, lễ hội mà còn khao khát đi tìm con đường đưa tới cõi hạnh phúc vĩnh hằng. Cho nên, người xứ Thanh sớm tìm đến với tôn giáo. Ở Thanh Hoá, các tôn giáo: Phật Giáo, Lão Giáo, Nho Giáo du nhập vào rất sớm và phát triển mạnh mẽ. Nhiều chùa chiền, bia, tượng đã có từ lâu đời vẫn tồn taị đến ngày nay.



 

Thế kỷ 16, Kitô giáo xuất hiện tại Việt Nam. Xứ Thanh vinh dự là nơi có những hạt giống Tin Mừng đầu tiên nảy mầm.