Chào mừng quý vị ghé thăm website Giáo Phận Thanh Hóa - Liên hệ điện thoại : 037 3853 138 - Email : gpthanhhoa@gmail.com

  ›   Giáo hội hoàn vũ   ›   Lược sử giáo hội

ĐTC Francis cầu nguyện cho hòa bình trong lễ Phục Sinh đầu tiên

cập nhật: (31/03/2013, 08:10 pm)    Lượt xem: 191


Đức Giáo hoàng Francis đã cầu nguyện cho hòa bình trong khi cử hành thánh lễ Phục Sinh đầu tiên của ngài trên cương vị mới.


Ngài đã sử dụng lời cầu nguyện của mình để kêu gọi hòa bình ở châu Phi, châu Á và Trung Đông và đặc biệt là nơi mà ngài gọi là “Syria thân yêu".


"Chúa Kitô là sự bình an của chúng ta, và thông qua Ngài, chúng ta cầu khẩn hòa bình cho cả thế giới," Giáo Hoàng Francis nói với hàng nghìn người ở quảng trường.


Phục Sinh là lễ hội quan trọng nhất trong lịch Cơ đốc giáo và người hành hương đi đến nhà thờ trên khắp thế giới trong dịp này.


Tại Iraq, người Công giáo đã đổ xô đến các nhà thờ trong bối cảnh an ninh chặt chẽ với khoảng 200 tín đồ dâng Thánh Lễ tại Nhà thờ St Joseph Chaldean ở Baghdad.


Tại Pakistan, chính quyền cũng áp dụng các biện pháp an ninh đặc biệt khi các tín đồ tham dự các thánh lễ ở nhà thờ.


Tại Anh, trong một thông điệp cho lễ Phục Sinh, Thủ tướng David Cameron ca ngợi "vai trò đặc biệt" của các nhà thờ và tổ chức Kitô giáo ở Anh cũng như toàn cầu.


'Chia rẽ bởi lòng tham'


Đức Giáo Hoàng Francis, nguyên là Đức Tổng Giám Mục Buenos Aires Jorge Mario Bergoglio, được bầu vào ngày 13/3/2013, trở thành giáo hoàng đầu tiên không phải người châu Âu trong gần 1.300 năm.


Ngài đã thay thế Đức Giáo hoàng Benedict XVI, người giữ chức vụ này trong tám năm và trở thành vị giáo hoàng đầu tiên từ chức trong hơn 700 năm qua, với lí do sức khỏe và cao niên.

 

Trong bài thông điệp “Urbi et orbi” (nói với thành phố và thế giới), Giáo hoàng Francis bắt đầu với một câu đơn giản "Happy Easter!" (Phục sinh Hạnh phúc.)


Tân Giáo hoàng, người đã bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng cách nhấn mạnh sự khiêm nhường, nói tiếp: "Chúa Kitô đã sống lại. Tôi thật vui sướng thông báo tin lành này... Tôi muốn tin lành ấy đi đến mọi nhà và mỗi gia đình, đặc biệt là tới những nơi đau khổ lớn nhất, tới các bệnh viện, và vào trong các nhà tù. "


Sau đó trong bài phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng Francis nói: "Chúng con cầu xin Chúa Giêsu phục sinh, người biến cái chết thành sự sống, hãy biến đổi căm hận thành tình yêu, oán thù thành sự tha thứ, chiến tranh thành hòa bình."


Sau đó, Giáo hoàng lần lượt nhắc đến các khu vực đang gặp khó khăn nhất của thế giới.


"Hòa bình cho Trung Đông, và đặc biệt là giữa những người Israel và Palestine, những người đang vất vả để tìm ra một con đường tới thỏa thuận, xin cầu cho họ có thể sẵn lòng và can đảm tiếp tục đàm phán để chấm dứt một cuộc xung đột đã kéo dài quá lâu.


"Hòa bình ở Iraq, cầu cho tất cả các hành vi bạo lực chấm dứt, và trên hết cho Syria thân mến, cho những người dân đang bị giằng xé bởi cuộc xung đột và cho nhiều người tị nạn, những người đang chờ đợi sự giúp đỡ và an ủi."


'Cầu nguyện cho Triều Tiên'


Đối với châu Phi, Đức Giáo Hoàng đề cập Mali, Nigeria, "nơi mà các cuộc tấn công đáng buồn vẫn tiếp diễn." Ngài cũng nhắc tới Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Trung Phi.


Ngài nói thêm: "Cầu cho hòa bình ở châu Á, trên hết là bán đảo Triều Tiên: cầu cho sự bất đồng có thể được khắc phục và một tinh thần đổi mới hòa giải được phát triển."


Đức Giáo hoàng Francis kết luận bài diễn thuyết của ngài bằng câu nói:


"Hòa bình trên toàn thế giới vẫn còn bị chia rẽ bởi lòng tham lam muốn chiếm lĩnh mọi thứ dễ dàng, bị thương tổn bởi lòng ích kỷ đe dọa cuộc sống con người và các gia đình và bởi sự ích kỷ tiếp tục việc buôn bán người, một hình thức rộng rãi nhất của chế độ nô lệ trong thế kỷ 21," ngài nói với sự hiện diện của hàng ngàn người tại quảng trường thánh Peter.


Theo ước tính, có hàng triệu cử tọa theo dõi buổi lễ lần đầu tiên do Tân Giáo hoàng cử hành trên cương vị mới của ngài, qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng Internet trên phạm vi toàn cầu.

Nguồn tin: BBC