Chào mừng quý vị ghé thăm website Giáo Phận Thanh Hóa | Tell : 037 3853 138 - Email : gpthanhhoa@gmail.com

  ›   Giáo hội hoàn vũ   ›   Tin giáo hội Hoàn vũ

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 28/7 - 2/8/2012

cập nhật: (03/08/2012, 06:57 pm)    Lượt xem: 107


 

1. Buổi triều yết chung hàng tuần. 

Hôm thứ Tư 1 tháng Tám, nhân lễ kính thánh Anphongsô Đệ Liguori, Tiến Sĩ Hội Thánh và là đấng bổn mạng của các cha giải tội và các thầy dạy luân lý, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã tái tục các buổi triều yết chung hàng tuần. 

Thánh Anphongsô Đệ Liguori là đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, một nhà thần học luân lý và một bậc thầy về cầu nguyện. Thánh Anphongsô dạy chúng ta vẻ đẹp của lời cầu nguyện hàng ngày, trong đó chúng ta mở tâm trí và trái tim của chúng ta cho sự hiện diện của Chúa và nhận được những ân sủng để sống một cách khôn ngoan và tốt lành. Qua gương sáng và lời cầu bầu của ngài, xin cho anh chị em và toàn gia quyến nhận ra tình yêu cứu độ của Thiên Chúa và cảm nghiệm những ơn lành dư dật của Ngài"

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nhấn mạnh rằng:

Thánh Anphongsô muốn làm rõ rằng trong mọi tình huống của cuộc sống, chúng ta không thể ngưng cầu nguyện, đặc biệt là trong những lúc thử thách và khó khăn. Chúng ta phải luôn luôn kêu cầu đến Chúa một cách tự tin, biết rằng Ngài luôn quan tâm đến chúng ta, là những con cái của Ngài. "

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 ghi nhận rằng các môn đệ của Chúa Giêsu đã sống qua thời điểm khó khăn và chỉ có thể vượt qua chính mình thông qua lời cầu nguyện.

Ngài nói:

"Các mối quan hệ với Thiên Chúa là điều cần thiết trong cuộc sống của chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta cầu nguyện cá nhân hàng ngày và tham gia tích cực trong các bí tích, thì sự hiện diện của Thiên Chúa là ánh sáng soi đường cho chúng ta mới có thể tăng triển bên trong chúng ta, mang lại cho chúng ta ánh sáng, sự thanh thản và an toàn, ngay cả trong bối cảnh khó khăn và nguy hiểm. "

Sau đó, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự khiêm nhường nhận ra điểm yếu và đầy lòng cậy trông khi xin Chúa trợ giúp. 

2. Tòa Thánh nâng cấp các dịch vụ thông tin

Hôm 31 tháng Bẩy, dịch vụ thông tin của Tòa Thánh Vatican Information Service, gọi tắt là VIS, đã phát đi bản tin cuối cùng của mình trước khi đóng cửa để nhường bước cho hệ thống tân kỳ hơn là News.va (http://news.va/en).

VIS là một dịch vụ được tạo ra vào năm 1991 tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh và hàng ngày cung cấp bản dịch tin tức những câu chuyện về Đức Giáo Hoàng, Tòa Thánh Vatican, và các thông cáo báo chí chính thức của Tòa Thánh.

Ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng trong tháng Tám và các cuộc tiếp kiến riêng của ngài là một phần của bản tin cuối cùng được VIS gửi đi đến độc giả hôm thứ Ba 31 tháng 7.

Công việc của VIS trong 21 năm qua giờ đây được trao lại cho news.va là trang web mới được hình thành và cho tờ tin chính thức của Tòa Thánh. Bắt đầu vào tháng Chín này, cả hai nguồn thông tin này đều có tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp.

Những độc giả của VIS có thể nhận được một dịch vụ tương tự từ các bản tin hàng ngày để theo dõi tất cả mọi thứ đang xảy ra trong và bên ngoài các bức tường của Vatican.

3. Vatileaks: Đức Giáo Hoàng được thông báo về cuộc điều tra do ba vị Hồng Y tiến hành

Cuộc điều tra Vatileaks đang ở trong giai đoạn cuối. Trong một thời gian ngắn nữa thôi, chúng ta sẽ được biết liệu người cựu quản gia của Phủ Giáo Hoàng, ông Paolo Gabriele có bị đem ra xét xử hay không vì lấy cắp và tàng trữ các tài liệu mật của Vatican.

Ủy ban phụ trách điều tra vụ tiết lộ bí mật này gồm ba vị Hồng Y: Herranz, De Giorgi và Tomko. Hôm thứ năm 26 tháng 7, các ngài đã gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 để cập nhật về những nhận định của mình. Thẩm phán Piero Antonio Bonnet và công tố viên Nicola Picardi cũng có mặt.

Ngoài ra còn có Angelo Becciu, người đứng hàng thứ ba trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng, Georg Gänswein, cũng có mặt, cùng với ông Domenico Gianni, là tư lệnh lực lượng cảnh sát Vatican. Trong buỗi họp còn có Greg Burke, chuyên gia tư vấn truyền thông của Vatican. Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đang nghỉ hè ở phía bắc Ý, vì vậy ngài đã không tham dự.

Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu cơ quan Tư Pháp của Tòa Thánh tiếp tục cuộc điều tra một cách tỉ mỉ.

Trong khoảng mười ngày nửa, Thẩm Phán Tòa Thánh Vatican sẽ thông báo liệu quản gia của Đức Giáo Hoàng sẽ phải hầu tòa hay không.

4. Luật sư cho Paolo Gabriele tin rằng người cựu quản gia này của Phủ Giáo Hoàng khó lòng được tha bổng

Carlo Fusco là một trong những luật sư đại diện Paolo Gabriele, người cựu quản gia của Phủ Giáo Hoàng đã bị bắt vì lấy cắp các tài liệu của Tòa Thánh. Ông Fusco cũng là một người bạn từ thời thơ ấu của Gabriele. 

Hôm thứ Tư 1 tháng 8, luật sư Fusco cho biết vào ngày thứ Tư 8 tháng 8 tới đây, Tòa Thánh sẽ công bố quyết định liệu có truy tố thân chủ của ông ra tòa hay không.

Nếu điều này xảy ra, khả năng có thể cãi cho thân chủ của ông được trắng án là rất thấp và người cựu quản gia của Đức Giáo Hoàng có thể phải lãnh một một án sáu năm trong một nhà tù Ý.

Carlo Fusco cho biết Paolo hành động một mình và rằng giả thuyết của một âm mưu hoặc đồng lõa là hoàn toàn vô căn cứ.

Luật sư Carlo Fusco nói:

"Dựa vào những gì tôi biết từ các sự kiện thì điều này có vẻ đã đi quá xa.” 

5. Đức Giáo Hoàng kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang ở Syria và Iraq

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 29 tháng 7 tại Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha đã đề cập đến tình hình ở Syria và Iraq, cả hai nơi đã phải chịu đựng những cuộc xung đột bạo lực trong tuần qua. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã yêu cầu cộng đồng quốc tế giúp đỡ trong việc mang lại hòa bình cho khu vực.

Ngài nói:

"Tôi cầu xin Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan cho những con tim, đặc biệt là con tim của những người có trách nhiệm nhất, để không có nỗ lực theo đuổi hòa bình nào bị bỏ qua, không một nỗ lực nào từ cộng đồng quốc tế thông qua đối thoại và hòa giải, hướng đến một giải pháp chính trị thích hợp, lại bị bỏ sót."

Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng trong vòng một năm nữa Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ được tổ chức tại Rio de Janeiro của Brazil.

Ngài nói:

"Tôi hướng nhìn với hy vọng tới sự kiện này và muốn khuyến khích và cảm ơn các nhà tổ chức, đặc biệt là tổng giáo phận Rio de Janeiro, đang dấn thân siêng năng chuẩn bị đón tiếp những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới, là những người sẽ tham gia trong sự kiện quan trọng này trong đời sống giáo hội."

Kinh Truyền Tin Chúa Nhật là một trong số rất ít những lần xuất hiện trước công chúng của Đức Thánh Cha trong tháng tháng Bảy, vì ngài đang đi nghỉ tại nơi cư trú mùa hè của mình. 

Bắt đầu từ thứ Tư này, ngài sẽ tái tục các buổi triều yết chung.

6. Thánh Anphong Maria Đệ Liguori theo Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 

Ngày 1 tháng Tám, Giáo Hội long trọng mừng lễ Thánh Anphongsô Liguori, Tiến Sĩ Hội Thánh và là đấng bổn mạng của các cha giải tội và các thầy dạy luân lý.

Trong buổi tiếp kiến chung hôm 30 tháng Ba năm 2011, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã trình bày về thánh nhân như sau: 

Anh chị em thân mến, bài giáo lý hôm nay của chúng ta đề cập đến Thánh Anphongsô Liguori, một nhà thuyết giảng xuất sắc ở thế kỷ thứ mười tám. Ngài là một học giả và là Tiến sĩ Hội Thánh.

Anphongsô đã bỏ lại một sự nghiệp luật sư rực rỡ để trở thành một linh mục, và đã góp phần vào đổi mới của Giáo Hội tại quê hương Naples của mình. Ngài bắt đầu như một nhà truyền giáo giữa những người nghèo tại đô thị, tập hợp các nhóm nhỏ để cầu nguyện và hướng dẫn họ trong đức tin.

Mở rộng hoạt động mục vụ của mình, ngài thành lập Dòng Chúa Cứu Thế - là một nhóm các nhà truyền giáo lưu động.

Lòng nhiệt thành mục vụ của Anphongsô cũng được biểu hiện trong việc giảng dạy đạo đức của mình, khi nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa và mối quan hệ giữa lề luật của Thiên Chúa và những nhu cầu cũng như những nguyện vọng sâu xa của con người.

Nhiều tác phẩm, về đàng thiêng liêng của ngài, được đánh dấu bởi một nền tảng Kitô học sâu sắc và một lòng sùng kính Đức Mẹ nhiệt thành. Các tác phẩm của ngài nhấn mạnh đến việc thực hành cầu nguyện, đặc biệt là trước Bí Tích Cực Thánh.

Xin vị Tiến Sĩ tuyệt vời này của Giáo Hội, là đấng được tôn kính như là bổn mạng của các nhà thần học luân lý, giúp chúng ta đáp ứng đầy đủ hơn bao giờ hết lời kêu gọi của Thiên Chúa để thăng tiến trong sự thánh thiện. Xin ngài linh hứng nơi các linh mục, tu sĩ và giáo dân một dấn thân bền đỗ đến cùng cho việc tân Phúc Âm Hoá.

7. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 vượt quá thời gian phục vụ trung bình của Các Giáo Hoàng.

Hơn bảy năm trước đây, vào ngày 19 Tháng Tư 2005, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã được bầu làm Giáo Hoàng. Tính trung bình, Đức Giáo Hoàng thường dẫn dắt Giáo Hội trong thời gian 7.19 năm. Bây giờ, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã vượt qua mức trung bình này.

Blogger Anura Guruge, chuyên về các số liệu thống kê của Giáo hoàng, đã viết về đề tài này.

Khi được 85 tuổi, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 là Đức Giáo Hoàng thứ 6 lớn tuổi nhất trong lịch sử. Vào ngày 09 tháng 1 năm 2013, ngài sẽ vượt qua Đức Giáo Hoàng Piô IX và được nâng lên hai bậc vào vị trí thứ 4. Ba người khác trong danh sách là Đức Clementê 10, Clementê 12 và Lêo 8 là người đã qua đời ở tuổi 93.

8. Cuộc đời của Thánh Hildegard ở Bingen: Nhà văn, nhà soạn nhạc và Tiến sĩ Hội Thánh

Thánh Hildegard của Bingen được biết đến với nhiều điều. Nhưng từ ngày 07 tháng 10 tới đây, Thánh Nữ cũng sẽ được biết đến như là một Tiến sĩ Hội Thánh Công Giáo.

Cha Alfredo SIMON thuộc Đại học Sant Anselmo ở Rôma nhận xét:

"Thánh nhân không chỉ tập trung vào thần học và tâm linh. Ngài cũng sáng tác nhạc và viết một số tài liệu về y học. Ngoài ra, ngài cũng đã viết kịch cho sân khấu và thi ca. "

Tiến sĩ Hội Thánh là người mà giáo huấn thần học của mình luôn phù hợp, bất kể thời gian.

Mặc dù ngài là một nhà văn thời Trung cổ, nhà soạn nhạc và triết gia, có lẽ ngài được biết đến nhiều hơn nhờ những tư tưởng tôn giáo của mình. Viễn kiến của ngài tập trung trong kỳ công sáng tạo, cứu độ, Thiên Chúa, nhân loại và Giáo Hội. Trong thực tế, trước khi được phổ biến rộng rãi, một ủy ban thần học đã phê duyệt tính xác thực về tư tưởng của ngài.

Cha Alfredo SIMON nói thêm

"Khi đã được Đức Giáo Hoàng Eugene Đệ Tam phê chuẩn thông qua sự giới thiệu của Thánh Bernarđô, những tư tưởng của ngài đã được đưa ra công chúng để chia sẻ những cảm nghỉ từ nội tâm của ngài."

Thánh Nữ sinh ra tại Đức năm 1098 và theo học tại một tu viện Biển Đức trước khi trở thành một nữ tu ở tuổi 15. Trong năm 2010, Đức Giáo Hoàng đã nói về cuộc sống và ảnh hưởng của vị thánh này trong hai buổi triều yết chung:

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói hôm 01 tháng 9 năm 2010

"Thánh Hildegard sử dụng tài năng trí tuệ của mình để canh tân Giáo Hội và truyền bá đời sống Kitô hữu chân thật."

Lần lượt, các bài viết của ngài đã được xuất bản và tư tưởng của Bà đã được thể hiện trong nhiều bản vẽ. Nhiều người đã rất nể trọng các tư tưởng này vì nó đã đi trước thời gian, đặc biệt là đối với một phụ nữ sống vào thế kỷ 12. Trong thời gian rảnh rỗi của mình, ngài còn bắt đầu sáng chế ra một ngôn ngữ mới.

Cha Alfredo SIMON cho biết:

''Ngài đã tự mình sáng chế ra một ngôn ngữ mà ngài đặt tên là ''Ignota''."

Thánh nhân đã có một tánh tình rất cương trực và không né tránh đối đầu, dù rằng những người này đang nắm giử chức vụ cao trong Giáo Hội. Ngài trao đổi thư từ với các Đức Giáo Hoàng, các vị hoàng đế và vua chúa, một việc làm không thể tưởng tượng nổi với một người phụ nữ vào thời kỳ đó.

Ngài cũng đã xây dựng một tu viện rộng lớn hơn cho các nữ tu trong dòng của ngài. Ngài qua đời năm 1179 hưởng thọ 81 tuổi, nhưng giáo lý của ngài vẫn còn được giảng dạy ngày nay

9. Vatican nhận hơn 200 yêu cầu tài trợ cho các dự án ở châu Mỹ Latinh

Trong những ngày gần đây, một cuộc họp quan trọng đang diễn ra ở Bogota, Colombia. Cuộc họp bao gồm hội đồng quản trị của Ủy Ban Phát Triển Các Dân Tộc (Populorum Progressio), thuộc Hội đồng Tòa Thánh Đồng Tâm hay còn gọi là Cor Unum, do Đức Hồng Y Robert Sarah chủ trì.

Ủy Ban Phát Triển Các Dân Tộc hay còn gọi là Populorum Progressio theo tên của Tông Huấn Populorum Progressio do Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục công bố ngày 26 tháng Ba năm 1967. Ủy ban này được thành lập để giúp các cộng đồng người bản xứ bị ngược đãi trên chính bản địa của mình, bằng cách tài trợ cho các dự án phát triển ở Châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribê.

Chỉ nội trong năm nay, tổ chức đã nhận được đơn xin tài trợ 203 dự án từ 19 quốc gia. Kinh phí cần thiết cho các dự án này là khoảng 3 triệu Mỹ Kim.

Haiti và Bolivia nộp đơn cho hơn 10 dự án. Argentina nộp 5 và Mexico 3.

10. Các Linh mục dòng Tên chiến đấu chống HIV/AIDS ở châu Phi hơn một thập kỷ qua

Kể từ khi đại dịch HIV/AIDS bắt đầu, gần 60 triệu người đã bị nhiễm siêu vi khuẩn HIV và 25 triệu người đã thiệt mạng vì bệnh AIDS. Phần lớn các trường hợp tử vong phát xuất từ vùng sa mạc Sahara ở châu Phi.

Nhiều tổ chức tôn giáo đang làm việc để ngăn chặn sự lan tràn của bệnh này. Nhưng ít có tổ chức nào đạt được hiệu quả sâu rộng và hiện diện ngay trên lục địa châu Phi như các linh mục dòng Tên trong tổ chức ''African Jesuit AIDS Network'', được biết đến vắn tắt là AJAN.

Nhóm của các linh mục dòng Tên này hiện có mặt tại 30 quốc gia châu Phi sau khi được thành lập vào năm 2002. Người sáng lập và giám đốc đầu tiên là linh mục người Canada Michael Czerny, Ngài nói rằng AJAN chống lại HIV trên nhiều bình diện đa dạng.

Cha Michael Czerny nói:

"Có nhiều phương diện bệnh AIDS ảnh hưởng đến cộng đồng và vì vậy đầu tiên là chúng ta cần phải làm việc với những người có thể mắc bệnh nhưng không nhất thiết đã bị nhiễm, sau đó bạn làm việc với những người đang bị nhiễm, và những người đang đi qua giai đoạn bị AIDS, và sau đó tất cả những người bị ảnh hưởng bởi AIDS. "

Lập trường của Giáo Hội Công Giáo chống lại việc sử dụng bao cao su đã bị các quan sát viên của đại dịch AIDS chỉ trích. Tuy nhiên, cùng thời gian này, Giáo Hội là một trong những nhóm lớn nhất cung cấp chăm sóc cho các nạn nhân.

Cha Michael Czerny, người sáng lập AJAN, nói:

"Chúng tôi giải thích lập trường của Giáo Hội trong cương vị chính thể, hợp lý, và hiệu quả mà không đi tắt và không tạo cơ hội gây bất tôn trọng giữa con người."

Bà mẹ mang thai nhiễm HIV có thể được chích một liều thuốc để đảm bảo siêu vi sẽ không được truyền cho con trong khi sinh. Phí tổn khoảng 100 đô la so với ước lượng 300.000 đô la chính phủ phải chi tiêu cho một bệnh nhân bị HIV trong suốt cuộc đời của họ.

Cha Czerny lưu ý rằng khía cạnh nhân bản khi sống chung với AIDS ở châu Phi không còn nữa, khi con số nạn nhân trở nên quá đông và con người không còn gì hơn một con số thống kê.

Cha Michael Czerny nói:

"Tôi nghĩ rằng đứng từ bên ngoài, chúng ta có xu hướng sử dụng nhiều số không, chúng ta nói về những con số rất lớn và những xu hướng đáng báo động hoặc chúng ta không hình dung được nó có nghĩa gì cho cá nhân, cho gia đình, cho cộng đồng, và cuối cùng cho đất nước. "

Các linh mục dòng Tên này nhận thức được rằng các cuộc gọi hỗ trợ nạn nhân AIDS không phải là một điều gì mới. Họ sợ rằng nó mất đi tầm quan trọng trong chương trình nghị sự ưu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục các dịch vụ tư vấn, chăm sóc tại nhà, giáo dục, cũng như hỗ trợ kinh tế và y tế.

11. Các thành viên của phe đối lập Syria đã đến Rôma để vận động cho một giải pháp chính trị

Người đàn ông này là một thành viên của một trong những lực lượng đối lập của Syria. Ông đã đến Rôma với một nhóm các nhà hoạt động chính trị khác, những người chỉ đơn giản là muốn bạo lực trong đất nước của họ được chặn đứng. Trong thực tế, một số người trong số họ đã bị cầm tù nhiều năm trong quá khứ khi đứng lên chống lại chế độ độc tài tại Syria.

Tất cả họ đã ký kết và sau đó đọc một thông cáo chung trong chuyến thăm của họ tới cộng đồng thánh Egidio, nơi họ vận động cho một giải pháp chính trị.

Sada HAMZEH một nhà hoạt động chính trị Syria cho biết:

"Chúng tôi gởi đến tất cả những người Syria, đặc biệt là giới trẻ: Chúng ta sẽ xây dựng tương lai của chúng ta với hai bàn tay của mình. Cùng nhau chúng ta hãy xây dựng một xã hội Syria dân chủ, văn minh, hòa bình và đa nguyên. "

Họ kêu gọi Liên Hiệp Quốc hãy tổ chức những hoạt động trợ giúp nhân đạo ở Syria.

MARIO MARAZZITI thuộc Cộng đồng Sant'Egidio nói:

"Giải pháp vũ khí và bạo lực có thể mang lại cái gì? Hay chỉ là tàn bạo hơn? Câu hỏi đặt ra là những gì thực sự sẽ dẫn đến dân chủ? "

Hơn một năm rưỡi qua, cuộc xung đột dân sự đã biến thành một cuộc nội chiến. Hơn 25.000 người đã chết, và hơn một triệu người phải di cư lánh nạn.

Giống như các cuộc nổi dậy gần đây ở Trung Đông, tình hình tại Syria đang trở nên phức tạp. Những người đối lập muốn có một sự thay đổi trong chính phủ, nhưng điều này đã không được chào đón bởi đảng cầm quyền, đặc biệt là kể từ khi quân đội Syria được lệnh nổ súng vào thường dân.

MARCO IMPAGLIAZZO Chủ tịch Cộng đồng Sant'Egidio nhận định

"Ngay cả khi bạo lực có vẻ hợp lý, nó phá hủy sự cân bằng của một xã hội. Ngày nay cân bằng trong xã hội Syria là vô cùng mong manh."

"Họ đang chiến đấu cho một nước Syria dân chủ tôn trọng nhân phẩm, tự do và công lý."

Họ đang hy vọng nghị quyết sẽ không chỉ là cử chỉ tượng trưng, nhưng sẽ được thực hiện nghiêm túc tại Syria.

12. Đức Thánh Cha gửi lời chia buồn tới gia đình của Oswaldo Paya, một người bất đồng chính kiến vối Chính Phủ Cuba và đã chết trong một tai nạn xe hơi

Thông qua một bức điện tín, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cho biết ngài nhớ đến và cầu nguyện cho gia đình ông Oswaldo Paya là người sáng lập Phong trào Giải phóng Kitô giáo. Ông đã qua đời cùng với Harold Cepero, là người lãnh đạo thanh niên của phong trào, sau khi 2 người này bị thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi.

Cả hai nạn nhân đều tham gia hoạt động chính trị và là lãnh đạo của phong trào này, phát nguồn từ các giá trị Kitô giáo, công khai phản đối chính quyền Cộng sản Cuba. Paya cũng còn lãnh đạo phong trào Heredia, tích cực xin chữ ký để kích hoạt thay đổi trong chính phủ Cuba.

Bức điện đã được ký bởi Đức Ông Becciu, nhân vật thứ 3 trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh người đã từng là Sứ Thần Tòa Thánh tại Cuba từ năm 2009 cho đến 2011.

13. Đức Thượng Phụ Giáo Hội Armenia Tông Truyền cho biết là tổng thống Li Băng đang làm hết sức để đảm bảo hòa bình dọc theo biên giới trong chuyến viếng thăm tới đây của Đức Giáo Hoàng

Đức Giáo Hoàng dự định sẽ đến Li Băng trong tháng Chín, nhưng câu hỏi mà nhiều người đặt ra là liệu cuộc chiến ở nước láng giềng Syria có là một trở ngại cho cuộc viếng thăm này hay không? Đức Thượng Phụ của Giáo Hội Công Giáo Armenia Tông Truyền tại Li-băng, nói ông hy vọng sẽ có thỏa thuận ngưng chiến trong những ngày Đức Giáo Hoàng viếng thăm.

Đức Thượng Phụ Nerses Peter Tarmouni 19 nói:

"Xung đột dọc theo biên giới giữa Li Băng và Syria là chuyện thường xuyên thôi. Tổng thống Li Băng đang cố gắng dàn xếp để đảm bảo hòa bình ở cả hai bên biên giới."

Mặc dù hành trình chính thức của Đức Giáo Hoàng đã được công bố hồi tháng bảy, các cộng đồng Công Giáo tại Li-băng đã lập kế hoạch cho chuyến thăm này từ những tháng trước.

Trong danh sách các hội đoàn được Đức Thánh Cha tiếp kiến có Giáo Hội Công Giáo Armenia Tông Truyền do Đức Thượng Phụ Nerses Peter Tarmouni 19 lãnh đạo. Tòa Thượng Phụ của ngài đặt trụ sở chính tại Li Băng.

Đức Thượng Phụ Nerses Peter Tarmouni 19 nói thêm:

"Người dân Li Băng, không phân biệt tôn giáo nào, chỉ trừ một vài trường hợp ngoại lệ, đang trông chờ chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Đặc biệt là bởi vì đây là chuyến viếng thăm theo sau chuyến tông du của ĐứcGiáo Hoàng Gioan Phaolô II trong năm 1997 khi Thượng Hội Đồng nhóm họp. "

Chuyến đi của Đức Giáo Hoàng sẽ kéo dài khoảng 55 giờ. Mặc dù tương đối ngắn, tuy nhiên ngài sẽ gặp gỡ các đại diện dân sự và tôn giáo tại Li Băng. Một trong những cuộc họp này sẽ diễn ra tại trụ sở của Tòa Thượng phụ Armenia Tông Truyền.

Đức Thượng Phụ Nerses Peter Tarmouni 19 cho biết tiếp:

"Đức Thánh Cha sẽ làm phép tượng đài tưởng niệm kính Hacob Meghapart, một tu sĩ người Armenia, là người đã tham gia vào việc xuất bản quyển sách bằng tiếng Ac Mê Ni đầu tiên vào năm 1512. Đó là một quyển sách kinh đã được xuất bản cách đây 500 năm ở Venice. Người Ac Mê Ni đi du lịch lúc nào cũng mang theo quyển sách này, còn được biết đến là " Quyển Sách Ngày Thứ Sáu".

Chuyến thăm của ĐGH sẽ kết thúc bằng một Thánh Lễ sáng Chúa Nhật tổ chức tại Trung Tâm Thành Phố Beirut. Dự trù sẽ có khoảng 600.000 người tham dự. Người ta cũng dự trù sẽ có những người đến từ Syria, mặc dù biến động đang xảy ra tại đây.

Đức Thượng Phụ Nerses Peter Tarmouni 19 kết luận:

"Tôi hy vọng sẽ không có gì trắc trở trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha. Xin Chúa Giêsu, là Vua của mọi con tim, ban hòa bình cho Trung Đông, đặc biệt là Syria và Li Băng"

Chuyến viếng thăm này sẽ đi vào lịch sử, vì Đức Giáo Hoàng không những công bố những kết luận trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Trung Đông mà theo dự kiến còn gửi một thông điệp hòa bình cho tất cả các quốc gia Ả Rập.

14. Trong khi đó, Caritas tỏ ra bi quan hơn và lo ngại rằng bạo lực ở Syria có thể buộc Đức Giáo Hoàng phải hủy bỏ chuyến đi thăm Li Băng

Cuộc xung đột hơn một năm rưỡi qua tại Syria đã dẫn đến một ước tính khoảng 17.000 người thiệt mạng và 120.000 người tị nạn. Những người chạy trốn, chủ yếu là đi Li Băng, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.

Tổ chức viện trợ Công giáo Caritas quốc tế là một trong các tổ chức phi chính phủ lớn nhất đang trợ giúp những người này bằng cách cung cấp thực phẩm, chỗ ở, và các chăm sóc y tế.

Michel Roy Tổng thư ký Caritas quốc tế cho biết tình hình của Syria đang tồi tệ hơn bởi những nguồn vũ khí được đưa vào từ bên ngoài.

Tổng thư ký Caritas quốc tế Michel Roy nói:

"Ngay tại thời điểm này chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến quy mô, và cuộc chiến này được thúc đẩy chủ yếu bởi các vũ khí được đưa cho phiến quân và các thành phần đối lập từ bên ngoài, và điều này không phải là cách để mang lại hòa bình cho đất nước đó."

Cũng đã có lo ngại rằng bạo lực lan rộng có thể khiến Đức Thánh Cha phải hủy bỏ chuyến đi của ngài tới Li Băng vào tháng Chín. Đây sẽ là một chuyến đi mang tính bước ngoặt cho các Giáo Hội khác nhau trong khu vực cũng như quan hệ của Giáo Hội với thế giới Ả Rập.

Tổng thư ký Michel Roy nhận định rằng:

"Nếu chiến tranh lan rộng, đó là điều đang xảy ra ngay bây giờ và tôi không nghĩ rằng có thể dừng lại dễ dàng, vì thực sự đã có chiến tranh ở phần phía bắc của Li Băng, nơi mà những người Sunni và Alawi sống. Biên giới giữa Syria và Li Băng trên Địa Trung Hải là một biên giới giữa những người của cùng các bộ lạc. "

Ngoài ra còn có nhiều người tị nạn Iraq ở Syria đang trở về nhà sau khi phải đối mặt với một làn sóng bạo lực mới.

Tổng thư ký Caritas quốc tế Michel Roy cho biết:

"Trong những năm qua, Caritas Syria đã rất tích cực với những người tị nạn Iraq đến từ Iraq và cư ngụ tại Syria hoặc đi sang phương Tây. Một đội cứu trợ mới tên là FLASH 03,15 đã được thành lập để tiến hành các chương trình ứng phó khẩn cấp từ tháng Giêng vừa qua."

Tình hình vẫn còn mang nhiều dấu hỏi cho Syria và các nước láng giềng của họ. Trong thời gian này Caritas quốc tế đang tiếp tục cung cấp sự giúp đỡ hàng ngàn người tị nạn đang tiếp tục chạy trốn.

Nguyễn Minh Tâm dịch

Nguồn tin: Vietcatholic